“Chết vì thiếu hiểu biết”
Bóng đá Kiên Giang bắt đầu hành trình bằng giải hạng Ba toàn quốc năm 2004. Do là “vùng trắng” bóng đá nên để làm bóng đá, họ bắt đầu từ việc đi gom quân tứ phương, đồng thời thực hiện chiến dịch “cái gì không mua được bằng tiền thì mua bằng nhiều tiền”. Và nhờ “đồng tiền” nên thầy trò HLV Nguyễn Minh Hùng không khó để vượt qua những cái tên như Vạn Chinh (TP.HCM), Bia Đỏ (Hà Nội), Trẻ Khánh Hòa… để giành chiếc vé thăng hạng.
Chuẩn bị cho V.League 2013, theo dự kiến của lãnh đạo CLB thì kinh phí hoạt động là không dưới 40 tỷ đồng. Song thực tế số tiền họ có chỉ vào khoảng 25 tỷ đồng, chủ yếu đến từ nhà tài trợ Ngân hàng Kiên Long.
Và khi nhà băng này thay đổi thành phần nhân sự chủ chốt ở HĐQT, không muốn làm “bà đỡ” cho bóng đá nữa nữa thì Kiên Giang cũng bị “rút ống thở”. Đội bóng miền duyên hải nợ nần triền miên cả mùa giải 2013, sau đó là bỏ V.League 2014 vì không tìm được nguồn kinh phí và giải tán. Điều này đến từ sự làm việc tắc trách, hời hợt của những người chịu trách nhiệm ở đội bóng.
Bên cạnh “bầu sữa” chính Ngân hàng Kiên Long, Cty CP bóng đá Kiên Giang còn nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị, doanh nghiệp khác đóng trên địa bàn tỉnh, với con số gần cả chục tỷ đồng. Tuy nhiên, do những cam kết này chủ yếu thực hiện... bằng miệng nên việc không thể giải ngân dẫn đến mọi việc trở nên rối ren và hậu quả là thầy trò HLV Lại Hồng Vân khép lại V.League 2013 với vị trí cuối cùng trên BXH.
“Thực tế, nếu thời điểm ấy mà lãnh đạo CLB lấy được nguồn tiền từ các doanh nghiệp, nhà tài trợ trên địa bàn tỉnh thì khả năng đội bóng sẽ không thi đấu bết bát, dẫn đến cuối mùa bị xếp chót bảng để rồi sau đó nảy sinh nhiều chuyện khiến lãnh đạo tỉnh chán nản và đi đến quyết định nghỉ chơi hẳn với bóng đá …”, HLV Lại Hồng Vân tiếc nuối nhớ lại.
Bóng đá không thể chết
Xác định những gì phải nhận là cái giá phải trả, là hậu quả của cách làm bóng đá không giống ai, Kiên Giang quan điểm cần làm lại và bắt đầu từ sự đàng hoàng, bài bản.
Hiện tại, ngoài lứa U.21 với hơn 20 cầu thủ, Kiên Giang đang từng bước kiện toàn lại bộ máy, cơ chế hoạt động, qua đó hình thành thêm các tuyến năng khiếu từ U.12 - U.19 theo chuẩn mô hình bóng đá chuyên nghiệp.
“Những gì xảy ra đã cho chúng tôi một bài học rất lớn. Bóng đá chuyên nghiệp ngoài việc cần tiền thì phải có chân đế vững chắc, cụ thể là phải có hệ thống đào tạo trẻ tốt, bài bản và khoa học. Thế nên, cho dù có khó khăn cỡ nào đi chăng nữa thì cũng phải thực hiện cho bằng được, chỉ có như thế thì mới mong bóng đá có đất sống và không lặp lại thảm cảnh.
Chúng tôi xác định, bóng đá Kiên Giang không thể chết và quyết tâm một ngày trở lại, đàng hoàng và có tương lai hơn…”, tân Giám đốc Sở VH-TT&DL Kiên Giang, ông Trần Chí Dũng thể hiện sự quyết tâm.
Trong khoảng 25 tỷ đồng cho mùa giải 2013, gần một nửa phải dùng cho việc trả lương và lót tay các ngoại binh. Thế nên, khó khăn luôn bủa vây K.Kiên Giang, bởi số còn lại không thể cùng lúc vừa giải quyết rốt ráo chuyện lương bổng, lót tay cho mấy chục cầu thủ nội vừa chi tiêu cho cả đội.
Kết thúc V.League 2013, K.Kiên Giang xếp chót bảng với vị trí thứ 12. Tuy nhiên, do XT.Sài Gòn bỏ giải nên thầy trò HLV Lại Hồng Vân được “cứu” khi BTC sửa quy chế không có đội rớt hạng. Tuy nhiên, nỗ lực của BTC cũng trở nên công cốc, khi những người làm bóng đá ở Kiên Giang bất lực trong việc kiếm nguồn kinh phí để tiếp tục cuộc chơi và đành giải tán bóng đá, sau gần một thập kỷ nhọc công vun vén.
“Không đi vào vết xe đổ...”
Chia sẻ với Thể thao 24h về việc làm lại từ đầu, Giám đốc Sở VH-TT&DL Kiên Giang, Trần Chí Dũng nhìn nhận, những gì đã xảy ra với bóng đá khiến Kiên Giang chịu nhiều hệ lụy. Vì vậy, bằng mọi giá không được “đi vào vết xe đổ” năm xưa và phải bắt tay vào làm lại bằng sự bài bản.
“Những gì xảy ra ở CLB K.Kiên Giang để lại quá nhiều tai tiếng. Thế nên, chúng tôi quyết không để lặp lại chuyện này. Bóng đá mà tai tiếng thế chắc chắn lãnh đạo sẽ không ủng hộ mà người dân cũng rất dễ ngoảnh mặt, dù rất yêu bóng đá.
Trong kế hoạch xây dựng lại, trước mắt Sở cùng với UBND tỉnh rà soát và giải quyết những tồn đọng của Cty CP bóng đá Kiên Giang, vì để lại quá nhiều vấn đề sau khi đội bóng giải tán. Xong phần hậu quả, chúng tôi sẽ kiện toàn lại toàn bộ hệ thống đào tạo, thi đấu, qua đó vạch ra phương hướng phải làm như thế nào, theo lộ trình ra sao… Nói chung là còn nhiều nan giải lắm nhưng quan điểm của tôi là nếu muốn trở lại bóng đá chuyên nghiệp và tồn tại bền vững thì đây là con đường mà Kiên Giang buộc phải đi. Nếu làm đúng và chuẩn, tôi nghĩ lãnh đạo tỉnh và người dân sẽ ủng hộ, qua đó bóng đá Kiên Giang sẽ sống được…”.