“Khổng Minh xứ Nghệ” trong trào lưu xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam

Song An
thứ tư 13-2-2019 8:55:00 +07:00 0 bình luận
Ngót 2 thập kỷ trước, tôi từng tặng cho ông Nguyễn Hồng Thanh - trưởng đoàn bóng đá Sông Lam Nghệ An khi ấy - cái biệt danh “Khổng Minh xứ Nghệ”, sau khi ông tâm sự về khát vọng “lò bóng đá” của ông có thể không chỉ sản sinh nhân tài... đủ dùng mà còn “xuất khẩu” cầu thủ.

Sông Lam Nghệ An sau đó đi tiên phong trong việc xuất cầu thủ, nhưng chỉ trong phạm vi nội địa. Còn bây giờ, thì gần như đã tới lúc bóng đá Việt Nam có thể xuất cầu thủ ra nước ngoài chơi bóng...

1. Sở dĩ khi ấy tôi đặt cho ông Hồng Thanh cái biệt danh “Khổng Minh xứ Nghệ” là bởi ông thuộc tuýp lãnh đạo có tư tưởng cấp tiến bậc nhất trong làng bóng đá Việt. Ở cái thời mà cả nước mới bắt đầu làm quen với thứ bóng đá “bán chuyên nghiệp”, thì ông đã quyết phát huy triệt để thế mạnh trong đào tạo bóng đá trẻ và nghĩ xa hơn, tới một trong những cách thức để vừa tăng nguồn TÀI LỰC bằng chính nguồn NHÂN LỰC của mình, vừa qua đó tạo cơ hội cho các cầu thủ giỏi có điều kiện tốt hơn để phát triển tài năng.

“Khổng Minh xứ Nghệ” trong trào lưu xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam

Chuyên gia bóng đá Nguyễn Hồng Thanh (phải)

Tuy nhiên, Sông Lam Nghệ An sau đó dần tụt hậu, bởi không thể “lò bóng đá” này quá chậm trong chuyển đổi cơ chế, thiếu một “người đỡ đầu” thật sự cỡ như bầu Đức hay bầu Thắng (Đồng Tâm Long An), và từ sản sinh và “xuất nội” cầu thủ, SLNA nhiều năm rơi vào thảm cảnh “chảy máu chất xám” (nghĩa là xuất cầu thủ một cách hơi “ăn xổi”, thậm chí quá đà một cách... bất đắc dĩ vì bản thân không đủ lực để giữ lại những tài năng tốt nhất).

Một số tài năng được đào tạo bởi SLNA từng là những hạt nhân, trụ cột giúp các đội bóng “nhà giàu mới nổi” như Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức hay Hà Nội T&T của bầu Hiển trong giai đoạn các CLB này mới chập chững gia nhập sân chơi đỉnh cao của làng bóng đá Việt Nam. Đấy là giai đoạn HAGL hay Hà Nội T&T cần thiết phải sử dụng nguồn nhân lực “vay - mượn” hoặc... mua đứt để trụ lại ở sân chơi lớn. Đặc biệt, HAGL là điểm đến tuyệt vời của cá tuyển thủ Thái Lan, nổi bật có Kiatisuk, Dusit, Chukiat, Tawan, rồi sau có Thonglao... Nhưng họ đã sớm tìm được cách để có thể tự đứng vững trên chính đôi chân của mình: Bằng chính nguồn cầu thủ của mình đào tạo!

2. Sự kiện Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal - JMG ra đời vào năm 2007 gây ngỡ ngàng cho tất cả, nó xuất phát từ tham vọng to lớn của ông bầu Đoàn Nguyên Đức, rằng có thể một ngày “xuất khẩu” cầu thủ ra nước ngoài, và thu lời từ đó. Nhưng tất nhiên, ông Đức cũng mong đợi có thể lấy đó làm nguồn chính cho tương lai lâu dài của CLB - một trong các lĩnh vực kinh doanh của ông trên thương trường!

Từ những “hạt giống” đầu tiên được gieo 12 năm trước ấy (và cộng thêm các nhân tài từ 1-2 khóa tiếp sau nữa), giờ đây HAGL đã trở thành đội bóng thật sự có thực lực, đa số cầu thủ nội do chính mình đào tạo. Những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy... đã tiếp tục được trui rèn tại đấu trường V.League suốt 4 mùa qua, và đã thật sự trưởng thành, trở thành những trụ cột của các đội tuyển quốc gia. Trong “lứa trẻ” ấy, một số đã có cơ hội xuất ngoại, tuy chưa hẳn là “sang châu Âu” như mong ước ban đầu của bầu Đức, nhưng ít nhất cũng đã có thể tới Thái Lan, Nhật Bản hay Hàn Quốc để kiếm sống bằng “nghề đá bóng”.

“Khổng Minh xứ Nghệ” trong trào lưu xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam

Nhiều cầu thủ Việt Nam như Công Phượng (trái) đã có thể sánh vai với các đồng nghiệp tại Nhật Bản hay Hàn Quốc

Thật thú vị khi Lương Xuân Trường, một trong những tài năng xuất chúng nhất của HAGL giờ đây đã ký hợp đồng chơi bóng cho một CLB hàng đầu trên đất Thái (Buriam United). Trước đó, Đặng Văn Lâm một cầu thủ mang trên mình dòng máu Việt khác cũng đã trở thành thủ thành của Muangthong United... Chưa kể tới nhiều tuyển thủ giỏi khác, của HAGL hay Hà Nội (sáng giá nhất là Quang Hải) đang là mục tiêu được săn đón bởi một số CLB nước ngoài. Một số chuyên gia bóng đá khẳng định: Trình độ cỡ Quang Hải giờ đây đủ sức có thể đá chính ở bất cứ giải VĐQG hàng đầu nào tại khu vực châu Á!

3. Khát vọng của “Khổng Minh xứ Nghệ” khi xưa giờ đã được hiện thực hóa bởi những “lò đào tạo” khác. Sông Lam Nghệ An vẫn tồn tại và tiếp tục sản sinh không ít nhân tài cho bóng đá Việt, nhưng bởi điều kiện đặc thù còn đối mặt nhiều khó khăn nên họ vẫn chưa thể trực tiếp “xuất ngoại” các tài năng của mình (Lê Công Vinh sang Bồ Đào Nha và Nhật Bản khi đã rời SLNA để đầu quân cho Hà Nội T&T).

Trên thực tế, còn rất nhiều việc phải làm để bóng đá Việt Nam có thể vươn lên tầm châu lục. Nhưng ít nhất, chúng ta có thể ghi nhận chuyển biến rõ nét khi nhiều cầu thủ đã có cơ hội chơi bóng ở nước ngoài để phát triển tài năng. Trên một chừng mực nào đó, đấy cũng là nguồn cổ vũ to lớn đối với nhiều cầu thủ trẻ, những người mong một ngày sẽ “được như anh Xuân Trường” (hay Văn Lâm), với mức lương và ưu đãi khủng để sống khỏe bằng NGHỀ!

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm