Nhà báo Phan Đăng: Khi thầy đấu thầy

thứ sáu 27-11-2015 22:53:40 +07:00 0 bình luận
Nếu những ông thầy không chịu nhìn ra những cái chưa thật chuẩn mực của mình mà cứ khăng khăng cố chấp thì một hoạt động thể thao thực chất không còn là thể thao với những ý nghĩa trong sáng vốn có của nó nữa.

Ở bên Tây, thi thoảng ta vẫn bắt gặp những màn đấu khẩu, thậm chí là “đấu võ” nữa giữa các ông thầy. Mourinho và Wenger chẳng hạn. Có lần Wenger khơi mào cuộc chiến bằng những đánh giá không hay về Mourinho và Chelsea, thế là Mourinho sôi tiết chỉ trích “giáo sư” là “chuyên gia thất bại”. Ô hô, “giáo sư” mà bị người ta xỉa xói là “chuyên gia thất bại” cơ đấy!

Thế là khi trận đấu diễn ra, khi cả 2 cùng đứng trên đường piste đã có lúc Wenger chủ động lao tới đẩy Mourinho, và lúc ấy nếu không có sự can thiệp của trọng tài thì giữa 2 con người cá tính này xảy ra một vụ “đấu vật” thật sự cũng nên.

Ở Việt Nam, từng có vụ cựu HLV trưởng ĐTQG Calisto nóng máu tung chân đá vào mông HLV Constante của Ấn Độ sau khi Việt Nam thua Ấn Độ ở CK Cúp TP.HCM năm 2002. Lần ấy, Calisto bảo: “Đội ông ấy thắng nhưng ông ấy không những không thể hiện được sự cao thượng của người thắng mà còn có ý chế giễu chúng tôi”. Dĩ nhiên, sau này Calisto đã gửi lời xin lỗi đến khán giả Việt Nam, và trong chu kỳ 2008 - 2010, chu kỳ dẫn dắt ĐTVN lần thứ 2, ông không tạo thêm một cú vung chân bất hủ nào nữa.

calisto

Ở chu kỳ này, khi không đồng tình với những phát ngôn, hành động của HLV đối thủ, cùng lắm Calisto chỉ... từ chối bắt tay - điều ông đã làm với Mc Menemy của Philippines trên sân Mỹ Đình.

Từ chuyện Wenger, Mourinho đến chuyện Calisto, ai cũng thấy: Chuyện các HLV cay cú nhau, nóng máu và sẵn sàng tung miệng, tung chân với nhau là chuyện đều đã xảy ra. Nhưng thứ nhất, đấy đều là chuyện của những ông thầy đang dẫn dắt những đội bóng chín chắn - những đội bóng thực sự, chứ không phải là những đội bóng trẻ. Và thứ hai, sau tất cả, họ chủ động nhìn ra những điều có thể gọi là chưa được, chưa hay của mình để cố gắng không lặp lại. Đến như Mourinho, sau lần va chạm với Wenger, khi 2 đội gặp lại nhau ở Siêu cúp nước Anh đầu mùa giải năm nay, chính ông ta đã chủ động đứng đợi để... bắt tay Wenger.

Tại sao lại phải nhấn mạnh đến 2 yếu tố này. Vì cầu thủ trẻ khác với cầu thủ trưởng thành, và HLV ở đội trẻ vì vậy cũng có những yêu cầu, đòi hỏi khác. Cầu thủ từ U.13 đến U.21 chắc chắn vẫn là những người chưa phát triển tư duy và ứng xử một cách chín chắn, nên các em rất cần những tấm gương của những người bên cạnh mình, làm việc trực tiếp với mình để noi theo.

Nếu những tấm gương này mờ đục, các em rất dễ bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu. Và nữa, sau những tranh cãi, va chạm, nếu những ông thầy không chịu nhìn ra những cái chưa thật chuẩn mực của mình mà cứ khăng khăng cố chấp, hoặc cứ tiếp tục “leo thang va chạm” thì một hoạt động thể thao thực chất không còn là thể thao với những ý nghĩa trong sáng, thượng mã vốn có của nó nữa.

bỏ về

Tiếc thay, cả hai điều này lại vừa đã xảy ra với 2 ông thầy ở 2 đội bóng trẻ ở Việt Nam ta. Và với những mâu thuẫn giữa những đối tượng đứng sau hai ông thầy, nhiều người lo sợ câu chuyện rồi sẽ phát triển ngày càng rắc rối, ngày càng tai hại. Và bi kịch lớn nhất có lẽ không nằm ở 2 ông thầy này, cũng chẳng nằm ở những người đứng sau họ mà nằm ở chính những cầu thủ tuổi 21 đã từng gọi họ những người này “thầy”.

Sợ nhất là rồi cũng giống thầy, tuổi 21 rồi sẽ vào đời với rất nhiều những ẩn ức, những bức xúc luôn sẵn sàng nổ tung, nổ toạc vào mặt nhau, ngay trước thanh thiên bạch nhật!

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm