Thời điểm cuối năm 2015 – đầu năm 2016, ở Việt Nam nở rộ “phong trào” các đội bóng lớn trên thế giới cùng đối tác thương mại tìm cách tiếp cận các CLB tiềm năng của Việt Nam để đầu tư. Danh sách các CLB đó đều là những cái tên đình đám như Man City, Dortmund, Man United, Chelsea, Feyenoord, Fiorentina hay Barcelona.
Những thành công bước đầu về mặt giá trị thương hiệu của Arsenal sau cái bắt tay với HAGL vào năm 2007 đã mang lại hiệu ứng tích cực. Đó là “phát súng lệnh” để hàng loạt đội bóng lớn tìm đến mảnh đất hình chữ S. Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Tuấn Anh, Văn Thanh,… là những cầu nối đưa hình ảnh của bóng đá Việt Nam nói chung cũng như HAGL – Arsenal nói riêng ra bạn bè quốc tế.
Đến năm 2018, Học viện bóng đá Juventus Việt Nam ra đời, đặt đại bản doanh tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu theo mô hình chuyên nghiệp của bóng đá thế giới nhằm mục đích đào tạo ra các cầu thủ giỏi cho bóng đá Việt Nam và có thể vươn tầm bóng đá thế giới. Đây là Học viện đầu tiên của CLB Juventus tại Đông Nam Á.
Ông Gianluca Settanni, HLV trưởng Học viện bóng đá Juventus toàn cầu qua Việt Nam để trực tiếp tuyển chọn lứa cầu thủ đầu tiên. Ngoài ra, còn có đội ngũ HLV hùng hậu của bóng đá Việt Nam như Lê Thụy Hải, cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam Nguyễn Hữu Thắng, cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn, cựu HLV XSKT Cần Thơ Đinh Hồng Vinh hay cựu HLV trưởng Sài Gòn FC Phan Văn Tài Em.
Trước đó, vào năm 2017, CLB Lyon của Pháp cũng đã bắt tay với Liên đoàn bóng đá TP HCM để hợp tác trong công tác đào tạo trẻ. Mới nhất, Milan cũng đã có chiến lược mở Học viện bóng đá tại Hà Nội và sẽ đi vào việc tuyển sinh, đào tạo từ tháng 9 năm nay.
Sự thành công phần nào của Học viện bóng đá HAGL – Arsenal JMG đã kích cầu về mối liên kết giữa bóng đá Việt Nam và các đội bóng hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, cái bắt tay giữa bầu Đức và đội bóng hàng đầu nước Anh đã dừng lại vào năm 2017. Thực tế, đó là khi cam kết hợp tác trong vòng 10 năm giữa hai bên dừng lại. Song, mục đích cuối cùng là xuất khẩu cầu thủ sang châu Âu đã không thành hiện thực.
Vấn đề hợp tác đào tạo trẻ không phải muốn là làm được. Để có thể thành công, cần nhiều yếu tố như cơ sở vật chất, tài chính, con người. Năm 2007, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Scavi Rocheteau ra đời tại TP HCM với vốn hoạt động của lò này do Scavi (55%), Liên đoàn bóng đá TP HCM (15%) và công ty Rocheteau (30%).
Đứng đầu trung tâm là cựu danh thủ Dominic Rocheteau (từng vô địch EURO 1984, hạng 3 World Cup 1982, 1986 cùng ĐT Pháp). Đặt ra những tham vọng rất lớn, song chỉ sau 5 năm hoạt động, trung tâm phải đóng cửa do… thiếu kinh phí.
Việc bắt tay với các đội bóng lớn mang lại hy vọng cho người hâm mộ nhưng sẽ không dễ để bóng đá Việt Nam phát huy mọi nguồn lực những cái bắt tay này.