Giải bóng đá vô địch quốc gia là sân chơi hạng cao nhất trong hệ thống thi đấu của bóng đá Việt Nam, do Liên đoàn bóng đá Việt Nam tổ chức từ năm 1980, tính đến năm 2021 đã trải qua 38 mùa giải (năm 1988 không tổ chức, còn năm 1999 chỉ có giải Tập huấn mùa Xuân).
Qua từng mốc thời gian, giải đấu đã có những sự thay đổi từ tên gọi cho đến số lượng các đội tham dự cũng như thể thức thi đấu. Cột mốc đánh dấu sự phát triển kể từ mùa giải 2000/2001, bóng đá Việt Nam chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp, giải vô địch quốc gia chính thức mang tên V.League với sự tham dự của các cầu thủ nước ngoài. Trong suốt hơn 20 năm qua, V.League cũng trải qua những sự kiện đặc biệt cũng như biến cố không mong muốn.
1. Mua bán suất V.League, điển hình vụ CLB Thanh Hoá mua suất của Thể Công
Thể Công là đội bóng giàu truyền thống bậc nhất Việt Nam. Thành lập ngày 23/9/1954, trong 55 năm tồn tại, Thể Công đã 5 lần đoạt chức vô địch quốc gia (1981-1982, 1982-1983, 1987, 1990, 1998), Siêu cúp Việt Nam (1999), vô địch giải hạng Nhất (2007).
Tuy nhiên, đến cuối tháng 9/2009, Thể Công chính thức bị xoá tên. Quyết định này là một cú sốc lớn với nền bóng đá Việt Nam cùng hàng triệu người hâm mộ đội cả nước. Cùng với quyết định xóa tên Thể Công, Bộ Quốc Phòng đã giao toàn quyền quản lý đội cho Viettel - nhà tài trợ của CLB mấy mùa qua. Quan điểm của đơn vị này là chỉ giữ lại một đội đang đá hạng Nhất, vì thế họ bán Thể Công.
Sau khi TPHCM không thể thương thảo với Viettel thì câu lạc bộ vừa phải nhận suất xuống hạng thời điểm đó là Thanh Hoá đã tìm được tiếng nói chung với Viettel. Sau đó, đội bóng xứ Thanh sở hữu suất chơi tại V.League 2010 của Thể Công, đồng thời có cũng có thêm nhiều cầu thủ Thể Công trong đội hình ở mùa giải năm đó.
Tương tự như vậy, cuối mùa giải 2012, CLB Hải Phòng cũng mua lại suất chơi V.League 2013 từ Khánh Hoà.
2. Những sự cố bỏ giải, bán độ,...
Tại V.League 2013, CLB XMXT Sài Gòn chính thức bỏ giải sau khi bầu Thủy và ban lãnh đạo của đội bóng này không phục cách xử phạt của VFF. Thời điểm đó, BTC đã tỏ ra lúng túng về cách tính điểm cho các đội bóng còn lại.
Đúng 1 năm sau đó, người hâm mộ không khỏi bất ngờ khi V.Ninh Bình có cầu thủ dính án tiêu cực ở AFC. Bầu Trường cũng tuyên bố giải tán đội bóng và bỏ giải.
Đến V.League 2017, Long An phải ứng trọng tài. Các cầu thủ không thi đấu sau khi trọng tài cho đội chủ nhà TP HCM được hưởng phạt đền. Hành vi quay lưng lại không bắt penalty của thủ Minh Nhật, cầu thủ Long An đứng im để đối thủ ghi 3 bàn và phản ứng gay gắt của BHL khiến hình ảnh của bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế vô cùng xấu xí.
Mùa giải đó, Long An cầm tấm vé xuống hạng và chơi ở hạng Nhất 2018. Từ đó đến nay, đội bóng này gặp nhiều khó khăn về tài chính, lực lượng và khó có thể bứt phá để trở lại V.League.
3. V.League 2020 hoãn 2 lần vì COVID-19
Tháng 3/2020, dịch COVID-19 bắt đầu diễn biến phức tạp tại hầu hết các tỉnh thành. Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, V.League 2020 dù đã trải qua 2 vòng đấu nhưng buộc phải tạm hoãn lại cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Đến tháng 5, giải vô địch quốc gia chính thức trở lại sau gần 2 tháng "đóng băng".
Tuy nhiên, khi dịch bệnh tiếp tục bùng phát mạnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam cũng như một số tỉnh thành lớn là Hà Nội, TPHCM vào cuối tháng 7, thêm một lần nữa V.League 2020 buộc phải hoãn lại.
Dù có đến 2 lần phải hoãn giải nhưng cuối cùng mùa giải 2020 vẫn về đích an toàn với ngôi vô địch thuộc về Viettel và đội bóng xuống hạng gọi tên Quảng Nam. Việc V.League có thể trở lại và kết thúc êm đẹp đến từ nỗ lực chống dịch của Chính phủ và nhân dân cả nước.
4. V.League không đón khán giả
Trước đây, V.League từng chứng kiến nhiều trận đấu mà khán giả và người hâm mộ không được đến sân, nhưng điều này lại xuất phát từ việc các đội bóng nhận án phạt thi đấu không khán giả. Tuy nhiên, tại V.League 2020 và 2021, điều không mong muốn này lại xảy đến bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo đó, nhằm đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người hâm mộ cũng như cầu thủ, nhân viên của các CLB, BTC giải đấu buộc phải ra quyết định tổ chức các trận đấu V.League, hạng Nhất hay Cúp Quốc gia trên sân không có khán giả.
5. V.League 2021 bị huỷ bỏ
Tại cuộc họp trực tuyến diễn ra chiều 21/8/2021, BCH Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã đồng ý chủ trương dừng các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam 2021, trong đó có V.League. Như vậy, sau 21 năm bóng đá Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đây là lần đầu tiên V.League phải hủy giải vì lý do bất khả kháng.
Chia sẻ về quyết định mang tính lịch sử của bóng đá Việt Nam ở giải đấu chuyên nghiệp khi V.League 2021 bị hủy, BLV Quang Tùng cho hay: "Giải VĐQG đầu tiên ở Việt Nam diễn ra từ năm 1980 cho đến thời điểm hiện tại chưa có mùa giải kết thúc sớm, dừng hay phải hủy giải cả.
Tất cả các giải đều đi đến trận đấu cuối cùng tranh ngôi vô địch và xác định đội xuống hạng chiếu theo điều lệ của BTC. Nhưng theo tôi nghĩ V.League phải dừng ở thời điểm này là lý do bất khả kháng”.
Việc giải đấu bị huỷ bỏ khiến nhiều cầu thủ V.League nơm nớp lo sợ về nguồn thu nhập giảm sút hoặc thậm chí là bị cắt, đặc biệt là các cầu thủ trẻ. Ngoài ra, các cầu thủ hết hợp đồng với đội bóng chủ quản trong năm nay cũng xem như không có lương trong thời gian tới.