Hội thảo “Đối thoại phát triển bóng đá Việt Nam” sẽ được tổ chức vào chiều nay (13/1) tại Văn phòng Chính phủ (Hà Nội). Một buổi hội thảo sẽ tháo gỡ được vướng mắc nào của bóng đá nước nhà?
Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030” được xem là thất bại. Những câu hỏi nhìn thẳng vào vấn đề của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không nhận được sự hồi đáp. Đó cũng là khởi đầu để buổi hội thảo “Đối thoại phát triển bóng đá Việt Nam” được tổ chức.
“Báo cáo đọc rất dài nhưng tôi không thấy kiến nghị nào mạnh mẽ nói về nhiệm vụ và vai trò của Bộ VH,TT&DL, Liên đoàn bóng đá quản lý thế nào?
"Tôi có hỏi lại và các đồng chí nói đặt ra như vậy để phấn đấu. 4 quan điểm, 5 chỉ tiêu, 6 mục tiêu, 10 giải pháp trong đó có 65 nhiệm vụ rất cụ thể. Hôm nay các đồng chí báo cáo ở đây vẫn chung chung. Tôi đề nghị làm rõ 65 nhiệm vụ cụ thể, 9 dự án, 9 chương trình đã làm đến đâu?”, đó là những câu hỏi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Phó Thủ tướng chỉ đạo tổng hợp các ý kiến từ chuyên gia, cựu cầu thủ và các HLV, quan chức bóng đá cũng như đại diện các CLB, khán giả, nhà báo,… Phó Thủ tướng đại diện cho Văn phòng Chính phủ sẽ được ví như “tổ trọng tài” của buổi hội thảo. Phần trả lời sẽ thuộc về những đơn vị liên quan bao gồm từ Bộ VH,TT&DL đến Bộ GD&ĐT; từ Tổng cục Thể dục Thể thao cho đến Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF).
Những câu hỏi ý kiến được gửi tới Văn phòng Chính phủ hướng đến những chủ đề chính. Thứ nhất là các giải đấu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam. Thứ hai là công tác đào tạo trẻ. Thứ ba là sự hoạt động của VFF. Thứ tư là công tác trọng tài và thứ năm là kết quả thực hiện “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030” tính đến năm 2018.
Hàng trăm câu hỏi đã được tổng hợp về tay Văn phòng Chính phủ và Phó Thủ tướng. Sự kỳ vọng của những người quan tâm đến bóng đá Việt Nam mong muốn nhận được những câu trả lời trung thực và thẳng thắn. Không ai muốn buổi hội thảo chiều nay sẽ lại diễn ra giống như buổi sơ kết chiến lược lần trước với tuần tự các bản báo cáo và tham luận lên tới 76 trang của Bộ VH,TT&DL.
“Có đúng là bóng đá Việt Nam đã theo đúng quốc tế, họ làm thế nào mình làm đúng thế chưa. Tại sao ở mình giải VĐQG lại mô hình “tháp ngược”, đội vô địch lại không đủ điều kiện đá giải châu Á, như vậy có đúng thông lệ quốc tế không hay Việt Nam tự cho mình quyền tự làm khác?”, đó là câu hỏi của Phó Thủ tướng nhưng cũng là tiếng lòng của rất nhiều người đồng quan điểm.
Câu hỏi ấy sẽ thuộc trách nhiệm của VFF và VPF. Không ai muốn có thêm những bản báo cáo, những ánh mắt nhìn chằm chặp vào tờ giấy, đọc từng từ từng chữ đã được gõ ngay ngắn. Họ cần những cái nhìn thẳng của người trả lời, nhìn vào sự thật.
Hội thảo “Đối thoại phát triển bóng đá Việt Nam” được ví như “Hội nghị Diên Hồng” của bóng đá Việt. Nửa ngày đối thoại chắc chắn là chưa đủ để có thể sửa chữa, khỏa lấp tất cả những thiếu sót của nền bóng đá. Thế nhưng, sự kỳ vọng tìm ra một hướng đi đúng cho bóng đá Việt vốn luôn được coi là giàu tiềm năng luôn thôi thúc những cuộc đối thoại như vậy.
5 câu hỏi đáng chú ý đóng góp cho Hội thảo được gửi tới Văn phòng Chính phủ:
1. Hệ thống giải chuyên nghiệp lại làm ngược với thông lệ quốc tế, tức là giải hạng Nhất có ít đội bóng hơn V.League, giải hạng Ba ít đội bóng hơn giải hạng Nhì. Tại sao tồn tại thực trạng và nghịch lý này? Có liên quan đến lợi ích nhóm, quyền lợi cá nhân không?
2. Thực tế trên thế giới một người sở hữu hoặc tham gia sở hữu nhiều đội bóng nhưng có quy định, luật chơi rõ ràng mà ví dụ là Thái Lan với Bia Chang đồng sở hữu 5 CLB. Ở Việt Nam dư luận đều cho rằng cũng có một người sở hữu, đồng sở hữu nhiều đội bóng. Vậy Bộ VHTT&DL, VFF có cùng đánh giá đó không? Nếu có thì là ai và các CLB nào?
3. Mục tiêu gần nhất, thiết thực nhất của BĐVN là SEA Games dành cho lứa U23, U22 nên vai trò của bóng đá trẻ càng quan trọng. Quan điểm của Tổng cục TDTT làm thế nào để tập trung vào giải trẻ mà trực tiếp là U22 này? Mục tiêu SEA Games có liên quan gì đến đào tạo bóng đá trẻ không?
4. Chiến lược đề ra 5 mục tiêu, 8 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 và 6 chỉ tiêu, 65 nhiệm vụ và giải pháp đến năm 2030. Giai đoạn 2012-2016 có 9 dự án trọng điểm với 5 đề án, 3 dự án, 1 chương trình còn giai đoạn 2016-2020 có 2 chương trình và 1 dự án. Vậy việc tổ chức thực hiện, theo dõi, đôn đốc các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, dự án, chương trình trên như thế nào?
5. Tại sao trong phần lớn thời gian của nhiệm kỳ VII, Chủ tịch VFF có vấn đề về sức khỏe, những cam kết khi trúng cử không thực hiện được, ảnh hưởng đến tình hình chung của BĐVN. Nội bộ của VFF bộc lộ nhiều yếu kém, bức xúc phải chăng do “sức khỏe” của VFF không đảm bảo nhưng tại sao Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT không có ý kiến để kiện toàn? VFF tại sao không có phương án xử lý kịp thời để ổn định và bảo đảm hiệu quả hoạt động của bộ máy?