Tất nhiên là sẽ có người chép miệng: Tại chức thì có gì mà phải khoe. Thật ra, đây là thời điểm mà bằng cấp quyết định được nhiều việc. Chẳng hạn mới đây, một thanh niên sức dài vai rộng nhưng đã phải đứng trước cổng Đài Truyền hình QG, đeo tấm biển cầu xin ai đó giúp đỡ tạo điều kiện việc làm. Tại sao không có việc? Hóa ra là anh này chưa tốt nghiệp cấp 2 và không thể xin việc được ở đâu vì quy định phải có bằng cấp, ít nhất là bằng tốt nghiệp cấp 2.
Với Vinh, anh chẳng phải xin xỏ để có việc làm. Hiện Vinh vẫn đang là cầu thủ có tổng số tiền chuyển nhượng cao nhất Việt Nam, tương đương khoảng 30 tỷ đồng. Chừng ấy tiền, không cần đi làm vẫn ung dung đến trọn đời. Hoặc giả, bí bét quá thì để…vợ nuôi.
Nói cho vui vậy thôi, Công Vinh vốn là cầu thủ khôn khéo, biết tính trước tính sau. Cho dù có những lúc Vinh tính toán quá nên đi lạc vài nước cờ trong sự nghiệp, thế nhưng, dù thế nào về tổng thể thì Vinh vẫn là người thành đạt.
Thậm chí, ngay cả chuyện cầu thủ ngoài 30 tuổi như Công Vinh còn đứng trong Top 3 cầu thủ lọt vào danh sách cuối cùng của QBV 2015 cũng chứng minh sự ham học hỏi của Vinh.
Cầu thủ Việt, nhìn chung đều có tư duy chơi cho thỏa, theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Chơi quá đà thì thân bại danh liệt, không nhiều người tính chuyện học, nhất là học cái ngành có vẻ trái chân. Vinh học TDTT thì không lạ vì coi như có suất tuyển thẳng. Nhưng học Luật, thì cũng không phải là dạng vừa đâu.
Cái sự học, bao giờ cũng cần thiết. Học, học nữa, học mãi - Lenin đã nói rồi. Hôm qua có người nhắc lại chuyện bóng đá Việt Nam cũng đi học, học suốt, nhưng có vẻ như lúc nào cũng “học hỏi” mà không thấy kết quả. Thế thì cũng phải xem lại năng lực của bóng đá Việt Nam. Hoặc chúng ta học… không đúng.
Có nhà báo lão luyện, thỉnh thoảng đưa chuyện “chiếc giày nhỏ” của bóng đá Nhật Bản ra để nói về chuyện nửa thế kỷ trước, bóng đá Nhật sang Việt Nam và bày tỏ sự cầu thị, học hỏi bằng việc tặng đôi giày bé xíu ý nói bóng đá Nhật so với bóng đá Việt chỉ như chiếc giày nhỏ so với giày to. Giờ đây thì bóng đá Nhật thì ai cũng biết rồi. Nếu bóng đá nhật là đôi giày hiệu Nike đời mới thì bóng đá Việt chỉ là… đôi dép tổ ong.
Hôm nay, U.23 Việt Nam tập kín với U.23 Nhật. Tưởng chừng đó là yêu cầu khắt khe của thầy Nhật, ông Miura nhưng nếu kỹ một chút thì sẽ thấy ông Miura muốn các cầu thủ của mình phải học, học người Nhật. Mà đã học thì nên học kín cho nó tập trung.
Học ăn, học nói, học gói, học mở. Thôi thì không bổ dọc cũng bổ ngang.