Đội tuyển Việt Nam đã nhận thất bại bạc nhược 0-1 trước Indonesia, qua đó sớm bị loại ở Asian Cup 2023. Đây là cái kết đã được báo trước nhưng thực tế, không một ai nghĩ, các cầu thủ áo đỏ lại dễ dàng thua và sớm bị loại đến thế.
Bóng đá luôn ẩn chứa nhiều biến số. Nhưng, cách thua lại khiến giới chuyên môn lẫn người hâm mộ đặt ra về năng lực chuyên môn của HLV Troussier. Trước khi đến Việt Nam, ông từng thành công và thất bại với triết lý của riêng mình khi đưa Nhật Bản lên đỉnh châu lục, rồi chìm nghỉm trong thất vọng với Qatar ở Asian Cup 2004.
Triết lý đó được áp dụng vào đội tuyển Việt Nam, không chỉ tại Asian Cup này. Nên nhớ, trước khi thất bại ở đấu trường châu lục, HLV Troussier cũng gây tranh cãi tại vòng loại thứ 2 World Cup 2026. Ông sẵn sàng gạt bỏ Hoàng Đức, ngôi sao sáng giá của bóng đá Việt Nam. Ông tin vào những cá nhân trẻ đã được sàn lọc trong khoảng 100 cầu thủ.
Hệ quả, ĐTQG đang trải qua chuỗi trận thất vọng não nề. Ngoài trận thắng Philippines, Việt Nam thua đến 7/8 trận gần nhất trên mọi đấu trường. Cái cách ông bố trí đội hình luôn gây ra nhiều luồn ý kiến.
Và sau thất bại trước Indonesia, sự khó hiểu còn xảy đến khi Đỗ Hùng Dũng ngồi dự bị suốt cả trận. Đỗ Duy Mạnh, Hồ Tấn Tài không được sử dụng. Vũ Văn Thanh, Văn Toàn chỉ vào sân thời điểm cuối. Thay vào đó, ông tin những cầu thủ trẻ như Phan Tuấn Tài, Võ Minh Trọng, Văn Tùng, Thái Sơn...
Cựu HLV trưởng ĐTQG Phan Thanh Hùng cho rằng: "Vấn đề không dùng ai, thì nên tôn trọng HLV. Biết đâu Hùng Dũng có vấn đề sức khỏe. Mình cần tôn trọng tính toán chuyên môn của HLV".
Khi đặt vào bút ký hợp đồng, bao giờ, vấn đề chuyên môn cũng thuộc về HLV trưởng. Nhưng, không vì thế mà thiếu các kênh phản biện. Ông Troussier phần nào có dấu ấn trong cách dùng trẻ. Đình Bắc thi đấu ấn tượng ở trận gặp Nhật.
Không một ai phủ nhận về tiềm năng của cầu thủ mới 19 tuổi này. Nhưng, suy cho cùng, đó cũng chỉ là một trận đấu trong tổng thể rất nhiều trận đấu khác. Và hơn hết, Việt Nam cũng không có kết quả tốt. Thua vẫn là thua, thậm chí, trận thua 2-4 còn có tỷ số cách biệt hơn so với 4 cuộc đối đầu trước đó. Vậy, đó có thể coi là thành công?
Tất cả dựa vào cảm tính, quan điểm của mỗi người. Ấy vậy, ở góc độ chuyên môn, Việt Nam không có điểm, gián tiếp đẩy chúng ta bị loại sớm. Từ một trận đấu, không thể khắc họa lên bức tranh tổng thể.
Nhìn cả một chặng đường, trong 1 năm qua, HLV Troussier không thành công ở các giải đấu ông dẫn dắt. Tấm HCĐ ở SEA Games 32 hay thất bại ở Asian Cup 2023 mới là thước đo cho sự thành bại của một nhà cầm quân. Còn hiện tại, nếu nhìn vào kết quả, ĐTQG đã thua đến 7/8 trận. Con số này vẫn chưa vượt qua chuỗi 8 trận thua ở ĐTQG ở vòng loại World Cup 2022 dưới thời HLV Park Hang Seo.
Mọi sự so sánh là khập khiễng. Nếu đặt trong bối cảnh về giải đấu, đối thủ và mục tiêu, có những thất bại có thể chấp nhận được. Còn với HLV Troussier, không chỉ về kết quả, cách thua khiến niềm tin giảm sút.
Chuyên gia Vũ Mạnh Hải trả lời truyền thông cho rằng, HLV Troussier đã bảo thủ với quan điểm, triết lý của ông. Ông kỳ vọng quá cao vào cầu thủ trẻ cho dù có những cầu thủ chỉ quanh quẩn trên ghế dự bị ở CLB. Nó khác xa với cách các HLV tiền nhiệm lựa chọn nhân sự là tìm người tốt nhất.
ĐTQG đã phải trả giá cho niềm tin cùng sự bảo thủ của HLV Troussier. Asian Cup vẫn là nơi tinh hoa của châu lục nhưng khi bóng đá Việt Nam đã nâng tầm mà lại đón nhận kết cục trái đắng thì HLV trưởng phải là người chịu trách nhiệm.
Ông Troussier như đang đi trên dây với sự bảo thủ của mình. Cách làm của ông đang đi ngược với xu hướng bóng đá hiện tại. Không một HLV dám gạt bỏ các cầu thủ kinh nghiệm, tốt nhất chỉ để tin vào cầu thủ trẻ cho mục tiêu dài hạn. Họ cần nhìn trước mắt, đi bước đi chậm mà chắc chứ không thể "một phát ăn liền” cho lộ trình mới.
Để vươn lên châu lục, đến với World Cup, bóng đá Việt Nam cần xây chắc vị trí ở đấu trường châu lục. Có như vậy, khoảng cách World Cup mới gần. Còn giờ đây, HLV Troussier ngày càng đẩy giấc mơ đi xa với triết lý của riêng mình. Một triết lý hay nhưng cách làm lại không phù hợp với bối cảnh hiện tại.