Không hẹn sau 2 trận giao hữu trước nhưng khi hành trình AFF Suzuki Cup 2016 bắt đầu, cơ duyên đã đưa đẩy Việt Nam gặp Indonesia ở bán kết. HLV Riedl đang đau đầu tìm lời giải cho bài toán "tiền vệ phòng ngự"
Nằm tại bảng A cùng 3 đội bóng mạnh là ĐKVĐ Thái Lan, Singapore và chủ nhà Philippines, đoàn quân của HLV Alfred Riedl rất vất vả mới giành quyền vào vào vòng sau nhờ bàn thắng muộn ở phút 85 của tiền vệ Stefano Lilipaly, trong trận cuối vòng bảng gặp Singapore. Ghi 6 bàn, thủng lưới 7 lần để có được 4 điểm, Indonesia đã phơi bày nhiều điểm mạnh, yếu khác nhau sau 3 trận vòng bảng.
Hàng phòng ngự vẫn là "điểm chết" của Indonesia
Bước vào bán kết, Indonesia sẽ không thể có sự phục vụ của bộ đôi trung vệ và Rudolof Basna vì đã lãnh đủ 2 thẻ vàng.
Để lấp vào khoảng trống trước khung thành thủ môn Kunia Meiga, HLV người Áo nhiều khả năng phải sử dụng 2 cái tên Gunawan Dwi Cahyo và Hansamu Yama, tác giả cú tắc bóng khiến đồng đội Irfan Bachdim không thể dự AFF Cup 2016. Với bộ đôi không có nhiều thời gian để tìm sự ăn ý, khu vực trung tâm hàng thủ của Indonesia được nhận định sẽ là điểm yếu mà ĐT Việt Nam phải khai thác.
Cũng không cần phải nói thêm về hàng phòng ngự của Indonesia bởi cách đây chưa đầy 3 tuần, Công Vinh và đồng đội cũng đã "nã" 3 bàn trong chiến thắng 3-2 trước đối thủ này ở trận giao hữu trên sân Mỹ Đình (8/11). Rõ ràng là khi vào giải, ông Riedl vẫn chưa thể khắc phục được hệ thống phòng ngự của mình khi "bọc lót" là khái niệm khá mơ hồ với các học trò.
Phát biểu ngay khi trở về Jakarta, HLV Riedl thừa nhận: "Chúng tôi đã khá may mắn ở lượt trận cuối vì không thể có kết quả tốt ở 2 trận đấu trước. Tôi cảm thấy hài lòng với thành tích nhì bảng A. Indonesia đã 2 lần đá giao hữu với Việt Nam, tôi nghĩ rằng họ đã tiến bộ hơn lúc trước. Chúng tôi có cơ hội chơi trận chung kết nhưng rất phụ thuộc vào đối thủ sắp tới, Việt Nam cũng rất muốn làm điều đó".
Indonesia không có tiền vệ phòng ngự thực thụ
Một điểm đáng chú ý trong đội hình của HLV Afred Riedl chính là ông thầy người Áo không tìm được một tiền vệ phòng ngự đích thực trong sơ đồ 4-4-2 ưa thích. Những cái tên thường xuyên đá chính ở tuyến tiền vệ như Rizky, Andik, Lilipaly là mẫu tiền vệ công kiểu mẫu với xu hướng dâng lên và ít hỗ trợ phòng ngự. Điều này lý giải một phần số bàn thắng-thua của Indonesia tương đương nhau.
Dễ nhận thấy khung thành thủ môn Kurnia Meiga liên tục phải chống chọi với những đợt tấn công từ xa của các đội thủ tại bảng A. Với khoảng trống quá lớn giữa hàng tiền vệ và 2 trung vệ, đối phương dễ dàng có đủ thời gian lựa chọn phương án tấn công và triển khai bóng.
Hơn nữa, việc các tiền vệ công thường phạm lỗi ở khu vực này khiến Indonesia chịu nhiều bàn thua ngay trước vòng cấm. Điển hình có thể thấy rõ nhất là 4 bàn thua trong trận gặp Thái Lan và 2 pha đá phạt cố định dẫn đến trận hòa Philippines 2-2. Bởi không có tiền vệ phòng ngự thực thụ nên "điểm chết" ở phía trước bộ tứ phòng ngự Indonesia sẽ là cơ hội để ĐT Việt Nam khai thác.
Hy vọng vẫn nằm ở cầu thủ tấn công
Để đi đến trận đấu cuối cùng, chắc chắn Indonesia phải dựa rất nhiều vào sự tỏa sáng nơi tuyến trên như cách mà Boaz Solossa và đồng đội đã làm. Đoàn quân HLV Riedl thoát hiểm trước Singapore lẫn Philippines chính là nhờ vào tâm lý đứng vững của các chân sút như Andik, đội trưởng Boaz và Lilipaly. Lội ngược dòng chính là "đặc sản" của đội bóng xứ Vạn đảo.
Còn nhớ trong trận mở màn gặp Thái Lan, dù bị dẫn 2-0 trong hiệp 1 nhưng Indonesia vẫn gỡ lại 2 đều trong hiệp 2 và chỉ chịu thua sự xuất sắc của Teerasil Dangda. Còn ở trận đấu quyết định với Singapore, hi vọng của Riedl cũng được thắp sáng bằng 2 pha lập công của Andik và Stefano Lilipaly sau khi bị Khairul Amri chọc thủng lưới ở phút 27.
Trong sơ đồ 4-4-2 truyền thống của mình, HLV Riedl thường xuyên kết hợp kinh nghiệm của Boaz với sức trẻ của Lerby Eliandry trên hàng công. Ở độ tuổi 30, khả năng tác chiến của Boaz thật sự đáng nể khi thể lực và độ nhạy cảm của tên tuổi này giúp anh có riêng 2 bàn thắng sau 3 trận. Trung phong "bò mộng" thường xuyên được chăm sóc kỹ nên cũng là quân bài "mồi" của chiến lược gia người Áo.
Một nửa số pha lập công của 2 tiền đạo trên chưa đủ giúp Indonesia vào bán kết nhưng thêm một nửa số đó từ hàng tiền vệ đã tạo nên sự khác biệt. Andik Vermansyah, Rizky Pora hay "Fano" Lilipaly đều là những bệ phóng đáng gờm cho các mũi tấn công và cũng sẵn sàng "nổ súng" khi trận đấu cần phải giải quyết bằng sự bất ngờ. 3 tiền vệ tấn công này luôn có mặt trong đội hình xuất phát có ít sự thay đổi mà HLV Riedl đã chọn.
Với hơn 7 ngày chuẩn bị, Indonesia đã sớm trở về Jakarta từ ngày 26/11 để HLV Riedl có nhiều thời gian chấn chỉnh lại nhân sự cũng như chiến thuật trước khi tiếp Việt Nam vào ngày 3/12. Ở trận giao hữu trên sân nhà cách đây không lâu, Indonesia đã cầm hòa chính Việt Nam với tỷ số 2-2. Đã quá quen thuộc lối chơi của nhau nên chắc chắn nếu không có sự điều chỉnh kịp thời, Indonesia sẽ gặp khó trong trận lượt về trên sân Mỹ Đình vào ngày 7/12/2016.
Đội hình mạnh nhất mà Indonesia thường xuyên sử dụng:
Kurnia Meiga (GK), Beny Wahyudi, Abduh Lestaluhu, Boas Salossa, Stefano Lilipaly, Lerby Eliandry, Rudolof Basna, Rizki Pora, Fachruddin Aryanto, Bayu Pradana, Andik Vermansah.