Kết thúc triều đại của HLV Miura, PCT Thường trực VFF Trần Quốc Tuấn đánh giá: “Chúng tôi muốn hình thành một lối chơi phù hợp với cầu thủ Việt Nam, phát huy thế mạnh kỹ thuật cầu thủ Việt Nam hơn nữa. Ông Miura làm được cho các cầu thủ VN về thể lực nhưng cách thể hiện ý đồ chiến thuật trong những thời điểm, trận đấu lại chưa phù hợp”.
Chuyện VFF chấp nhận sa thải HLV Miura đã thừa nhận sự thất bại về việc tin dùng thầy ngoại. Cũng trong ngày quyết định chia tay HLV Miura, VFF đã đưa ra biểu quyết về việc chọn HLV nội hay ngoại, với 13/16 Ủy viên BCH ưu tiên phương án sử dụng HLV nội. Có thể hiểu, VFF đã rút ra bài học kinh nghiệm từ chuyện HLV Miura không am hiểu BĐVN nên “loạn đao pháp” từ cách dùng người, trong đó điểm nhấn là không biết tận dụng lứa cầu thủ tài năng của Học viện HA.GL Arsenal JMG.
Câu hỏi lớn đang được dư luận quan tâm: Ai sẽ lên thay HLV Miura? Đúng hơn, HLV nội nào dám xung phong cùng bầu Đức hướng đến mục tiêu vô địch SEA Games 29, khi VFF ưu tiên chọn HLV nội. Hiện tại, 2 HLV được VFF ngắm đến là Nguyễn Hữu Thắng và Lê Huỳnh Đức. Đây đều là những HLV xuất sắc của BĐVN và thể hiện cá tính lớn trong cách thức cầm quân.
Thế nhưng, chuyện HLV nội nào dám chấp nhận cuộc chơi cùng bầu Đức là một “ca khó”, khi một loạt vấn đề khó khăn đang chờ đón. Bởi không phải bây giờ mà trong quá khứ thì HLV Nguyễn Hữu Thắng, HLV Lê Huỳnh Đức đã từng được VFF “ướm” ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng nhưng không ai muốn lên và dám lên.
Câu chuyện này bắt đầu từ việc sau thất bại ở AFF Cup 2012 một vị PCT VFF huỵch toẹt: Mấy ông HLV nội thì làm cái gì. Câu nói ấy xuất hiện sau khi VFF quyết định sa thải HLV Phan Thanh Hùng và giống như cái tát vào lòng tự trọng của các HLV nội. Thậm chí, vị HLV của Hà Nội T&T đã từng thề: “Không bao giờ chơi với những con người này nữa”. Sau HLV Phan Thanh Hùng là nỗi cay đắng tột cùng của HLV Hoàng Văn Phúc, có lẽ chính vị HLV này cũng chẳng muốn nhắc lại…
Điểm chung của các HLV nội được VFF mời là nhằm “chữa cháy” để xoa dịu sức ép dư luận. Thế nhưng, ai xung phong ngồi vào chiếc ghế thiếu chủ này đều bị tổn thương và lãnh hết trách nhiệm về sự thất bại của BĐVN. Thậm chí, khi mọi chuyện bị dư luận đẩy đi xa thì VFF sẵn sàng đá không thương tiếc, dù trước đó luôn hứa hẹn đủ điều.
Với một bộ sưu tập dùng HLV nội bất hảo của VFF, có thể hiểu vì sao các vị tướng giỏi của BĐVN không dám ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng ĐTVN. Khi chuyện cống hiến cho quốc gia là nghĩa vụ và ai cũng muốn có vinh dự ấy nhưng chơi với VFF thì chẳng khác nào đánh một canh bạc lớn cho chính sự nghiệp của họ.
Có thể thấy, trong quá khứ VFF đã rất khó mời HLV nội và bây giờ càng khó hơn. Khi mục tiêu của người thế chỗ HLV Miura sẽ phải gánh thêm trọng trách cực lớn mà VFF đặt ra là vô địch AFF Cup 2016 và SEA Games 2017, đặc biệt là áp lực vô hình từ bầu Đức, nhân vật “tay to” và quyền lực nhất BĐVN ở hiện tại.
BĐVN đang loạn lạc và bầu Đức đứng lên “cầm cờ” là điều quý giá, đáng trân trọng. Thế nhưng, ông bầu này là tâm điểm của sự tranh cãi lẫn chuyện “bom nổ”. Điển hình là bầu Đức đã nhiều lần công khai phản đối và gây sức ép đủ kiểu với HLV Miura. Đến khi nhận thấy chiếc ghế của chuyên gia người Nhật chỉ còn đếm từng ngày thì bầu Đức bảo: “Không cần sa thải HLV Miura, bởi giữ ông ấy ở lại để BĐVN có thêm những bài học quý báu…”.
Sự thiếu thiện cảm và ghét cay đắng của bầu Đức dành cho HLV Miura xuất phát từ chuyện ông thầy này không dùng các cầu thủ HA.GL, một lứa cầu thủ tài năng và xác định sẽ làm nòng cốt giúp BĐVN chinh phục HCV SEA Games 29. Thậm chí, bầu Đức đã đánh cược danh dự bản thân vì mục tiêu ấy, nếu không thành công hãy “gọi ông là Đức nổ”.
Với sự bất chấp mọi thứ nhằm thực hiện thành mục tiêu HA.GL làm nòng cốt giúp BĐVN “gặt” HCV SEA Games 29 của bầu Đức, đó là thứ áp lực vô hình và đáng sợ nhất cho bất kỳ HLV nào được chọn, kể cả là HLV ngoại.
Bài học của HLV Miura và những người tiền nhiệm làm bóng đá “dưới giá treo cổ” vẫn còn nguyên vẹn. Và bây giờ ai chấp nhận cuộc chơi cùng bầu Đức thì chẳng khác nào “làm bạn với Vua như chơi với hổ”.
Hỏi ai dám làm?!