Hãy tin “cơ trưởng” Park Hang-seo!

Nhà báo Hoàng Lâm (Song An)
thứ sáu 30-11-2018 18:44:44 +07:00 0 bình luận
Giữa đêm, người bạn nhắn tin: "Có vụ máy bay hạ cánh bằng càng ở Ban Ma Thuột, ghê quá. Nhưng không có thương vong".

Giữa đêm, người bạn nhắn tin: "Có vụ máy bay hạ cánh bằng càng ở Ban Ma Thuột, ghê quá. Nhưng không có thương vong".

1. Hầu hết những tai nạn hàng không đều mang lại nỗi khiếp đảm, kinh hoàng. Thậm chí có những người mới chỉ chao đảo một chút cũng "cạch đến già" không đi máy bay. Lịch sử bóng đá ghi nhận tai nạn hàng không đã gần như xóa xổ đội hình vàng của Manchester United cách đây tròn 60 năm là tai nạn kinh khủng nhất. Năm 2016, một máy bay dân sự chở 81 người, trong đó có phần lớn thành viên CLB bóng đá Brazil Chapecoense…

Danh thủ Bergkamp của Hà Lan cũng nằm trong trường hợp từ chối bay suốt đời bắt nguồn từ nguyên nhân động cơ máy bay hỏng trong một lần trên không, dù sau đó hạ cánh an toàn.

Thế nhưng thực tế đã chứng minh máy bay là phương tiện an toàn nhất so với các phương tiện khác. Tỷ lệ máy bay rơi hay con số thiệt mạng thấp hơn rất nhiều lần xe hơi, tàu thủy.

Hãy tin “cơ trưởng” Park Hang-seo! - Ảnh 1.

"Cơ trưởng" Park Hang-seo và phi hành đoàn đã hạ cánh xuống Philippines

2. Ở Việt Nam thì cho đến thời điểm này, hàng không dân sự vẫn quá an toàn.

Vậy còn vụ hạ cánh bằng càng thì sao? Tường thuật của cơ quan chức năng sau đây: "Tối 29.11, tại sân bay Buôn Ma Thuột, máy bay số hiệu VJ356 từ TP.HCM chở 207 khách tiếp đất trong tình trạng mất cân bằng, tạo ra tiếng động lớn. Phi hành đoàn lập tức phát thông báo khẩn cấp yêu cầu toàn bộ hành khách bỏ lại hành lý, thoát ra ngoài qua cửa thoát hiểm và phao trượt".

Vậy thì sự cố là do tổ lái hạ cánh kém hay chính họ mới là những người anh hùng đã cố gắng không để thảm họa hàng không xảy ra?

Sau khi đọc nhiều nguồn tin. Tôi nghiêng về trường hợp thứ hai.

Và tôi cũng chợt nhớ về bộ phim "Sully" - tựa tiếng Việt là "Cơ trưởng Sully" của đạo diễn Clint Eastwood do Tom Hanks đóng vai cơ trưởng. Phim dựa trên câu chuyện có thật xảy ra năm 2009. Chiếc máy bay Airbus A320 vừa cất cánh vài phút thì bị một đàn chim đâm vào. Trước sự cố, cơ trưởng Sully cho hạ cánh khẩn cấp xuống sông Hudson. 155 hành khách được giải cứu kịp thời và sống sót. Sự kiện này được truyền thông gọi là "phép màu". Sully cùng phi hành đoàn được công chúng tôn vinh như những người hùng.

Tuy nhiên, điều đáng nói, khi xét lại vụ việc, cơ quan an toàn bay của Mỹ đặt ra nhiều nghi vấn. Họ cho rằng tình trạng của máy bay khi đó không đến mức khiến Sully phải quyết định liều lĩnh. Ông cùng cơ phó Jeff Skiles phải tham gia nhiều phiên điều trần. Từ chỗ là anh hùng, họ có nguy cơ bị xem là tội đồ.

Những câu chuyện thế này, ranh giới giữa người hùng và tội đồ quá mong manh. Chỉ trong tích tắc, hoặc vài phần của giây, cơ trưởng phải đưa ra quyết định. Anh hùng hay tội đồ chính là từ những khoảnh khắc này.

3. Đôi khi tôi cứ liên hệ đội tuyển Việt Nam là một chiếc phi cơ và sự thành bại đều phụ thuộc vào tài trí và khả năng phản ứng với tình huống là các cơ trưởng, ở đây là HLV trưởng.

13 năm trước, U.23 Việt Nam với "cơ trưởng" A.Riedl thi đấu ở Bacolod  đúng nơi mà thầy trò ông Park Hang-seo đá với Philippines ở bán kết AFF Cup 2018.

Hãy tin “cơ trưởng” Park Hang-seo! - Ảnh 3.

"Cơ trưởng" Riedl từng bất lực với bóng đá Việt Nam

Nhưng 2005 kết thúc với những câu chuyện buồn với cú sốc 7 cầu thủ bán độ. Chiếc càng của phi cơ mang tên U.23 năm đó không hạ xuống và điều quan trọng là A.Riedl gần như bất lực, không thể làm chủ tình huống. Hình ảnh mà người ta thường thấy ông A.Rield ở Bacolod chính là sự trầm tư của ông bên cạnh chai bia.

Một "cơ trưởng" thụ động như thế tiềm ẩn hiểm họa cho cả chuyến bay.

Nhưng chắc chắn một điều, chuyện tương tự sẽ không lặp lại với Park Hang-seo. Không phải vì đội tuyển từ lâu không còn bóng dáng của một nhân viên an ninh có nhiệm vụ theo dõi mọi "động thái lạ" trong thành viên đội tuyển mà do bóng đá đã phải trả giá quá nhiều, cầu thủ cũng đã hiểu cần phải bảo vệ nồi cơm, sự nghiệp của mình như thế nào.

Cứu một đội bóng hay cứu một cái máy bay bao giờ cũng cần sự chuyên nghiệp, từng người phải làm đúng phận sự với độ chính xác cao cũng như tính hỗ trợ tối đa. Đặc biệt là khâu xử lý tình huống và lường trước những vấn đề xấu nhất.

Điều nay thì HLV Park Hang-seo có thừa. Hãy tin "cơ trưởng" Park hang- seo!

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm