1. Sau khi ghi bàn vào lưới U.23 Jordan, một bàn thắng ở vào thời điểm và bối cảnh trận đấu đã ngã ngũ không còn cơ hội lật ngược ván cờ thì Duy Mạnh vẫn lao nhanh vào lưới đối phương, ôm quả bóng rồi đưa nhanh đến vạch giao bóng giữa sân. Một vài cầu thủ khác cùng thực hiện hành động này với Mạnh. Trước đó, người ta cũng thấy Hữu Dũng nhiều lần tranh chấp quyết liệt, tranh chấp đến cùng trong sự yếu thế trước một đối thủ cao to, kinh nghiệm hơn mình. Rồi những Văn Toàn, Công Phượng, Thanh Bình cũng thế, mỗi lần có cơ hội phản công hiếm hoi, tất cả đều gắng gượng làm tất cả những gì có thể.
Nó - cái chuỗi hành động ấy nói lên điều gì? Nó nói lên sự quyết tâm, tinh thần quyết chiến, quyết đấu đến những phút cuối cùng của những chàng trai áo đỏ. Và tôi, trong tư cách một người quan sát, thấy rất thích thứ tinh thần ấy.
Nhưng cảm phục lại càng thấy thương, thấy tội nghiệp cho họ. Vì mọi quyết tâm đều không đem lại hiệu quả, khi cái hệ thống mà họ bị “ép” vào hoàn toàn xa lạ với mình. Họ phải đá kiểu phòng ngự phất bóng, chứ không phải phòng ngự phản công. Và rất nhiều người trong số họ bị đặt vào vị trí trái cựa, dẫn đến lạc nhịp và loạn nhịp. Có lẽ, chẳng riêng gì tôi, rất nhiều người có chung cái cảm giác thương cảm cho những cầu thủ phải rơi vào một trận địa quá đỗi khổ sở, từ việc đối thủ mạnh hơn đã đành nhưng khổ sở nhất nằm ở chính cái hệ thống xa lạ và gượng ép mà mình bị “ép” vào, “ép” phải vận động trong đó.
2 Ở trên ca bin huấn luyện, thần thái của ông Miura cũng tội. Lâu lâu mới lại thấy ông diện comple, cà vạt chỉnh tề. Nhưng suốt 90 phút, hình ảnh lặp đi lặp lại ở ông là một cái khoanh tay cùng gương mặt thất thần, bất lực dõi theo từng pha bóng. Khi trận đấu kết lại, không hiểu vô tình hay hữu ý mà camera của BTC đã bắt cận cảnh gương mặt buồn bã, đầy cam chịu của ông.
Thật ra so với những người tiền nhiệm của mình trước đây ở ĐTVN, đặc biệt là với “Thầy phù thủy” Calisto, chưa bao giờ ông Miura được đánh giá cao ở phương diện thần thái. Nhưng đúng là lần này, thần thái của ông đã xuống tới mức không thể thấp hơn. Ông đã thua trận đấu được đánh giá là dễ nhất trong 3 trận đấu ở giải đấu mà trong thăm thẳm lòng mình ông thừa hiểu nó chính là “cơ hội cuối”. Ông đã thua với một kịch bản rất cũ, khi những con người ông có cứ buộc phải chơi theo cách ông muốn, chứ không phải là cách mà họ có thể chơi.
3. Bây giờ thì ông Miura lại nói đến chuyện “mổ băng”, rằng ông sẽ “mổ” lại trận gặp U.23 Jordan để rút ra những kinh nghiệm quan trọng trước khi bước vào 2 trận cuối. Ồ, lại là “mổ” băng. Có lẽ, ông Miura là vị thuyền trưởng ĐTVN mổ băng nhiều nhất, làm việc cẩn thận, khoa học và chăm chỉ nhất. Nhưng với những gì đã diễn ra thì có thêm một lần “mổ băng” lúc này cũng là vô nghĩa. Phải làm sao để mổ xẻ cái trạng thái thi đấu trong tội nghiệp của các học trò ông? Phải làm sao để mổ xẻ cái tư duy đánh trận mang nặng màu sắc của sự áp đặt mà ông là tác giả?
Hai trận cuối không nên hy vọng nhiều, vì lúc này càng hy vọng càng dễ thất vọng, chắc chắn rồi. Nhưng 2 trận cuối, chỉ cầu mong làm sao thầy trò Miura đá bóng cho bớt tội. Tham dự ngày hội lớn của bóng đá châu lục đúng là một chiến tích nhưng nếu cứ phải đối diện với 270 phút chiến tích trong trạng thái tội nghiệp thì đấy lại là... tội lỗi.
4 Chẳng nhẽ lại hỏi một câu rất cũ: Xét cho cùng thì tội lỗi tại ai?
Video U.23 VN 1-3 U.23 Jordan:
BXH và kết quả lượt trận đầu tiên tại bảng D: