Một ĐTVN mềm mại với lối đá nhỏ nhuyễn đúng như những gì HLV Nguyễn Hữu Thắng hứa hẹn, chứ không phải một ĐTVN cơ bắp, với bài phất bóng lên tuyến đầu như dưới thời HLV Miura. Cái mềm của đội tuyển được tạo bởi những nhân tố Hoàng Anh, với những cầu thủ trẻ lần đầu đóng vai chính và được trao trọng trách.
Cặp bài Xuân Trường - Tuấn Anh vốn bị bỏ rơi dưới thời ông thầy người Nhật giờ được giao nhiệm vụ dẫn dắt khu trung tuyến, và đấy rõ ràng là một cặp tiền vệ trung tâm có thể tạo ra khác biệt, dù có nhiều lỗi, với những pha qua người, chuyền bóng “dọn cỗ” rất mềm.
Ở phía trên, Văn Toàn với vị trí tiền đạo trái cũng rất mềm với những lần di chuyển chéo vào trong, trong khi đến cả hậu vệ biên Văn Thanh cũng mềm trong mỗi lần dâng cao, dù có vài tình huống cầm bóng, phối hợp lỗi dẫn đến mất bóng chứ không thuần thục, hiệu quả như trong màu áo HA.GL. Và cứ nhìn lại cú chuyền bóng của Xuân Trường cho Văn Toàn ghi bàn là đủ hiểu độ “mềm Hoàng Anh” có giá trị tới đâu.
Dĩ nhiên bên cạnh người của Hoàng Anh cũng có sự đóng góp của một “cựu thần” Thành Lương lắt léo và kĩ thuật – tác giả của vài pha kiến tạo rất hay và một trong số đó là đường chuyền dẫn đến bàn gỡ hòa 1 -1 của Công Vinh giúp trận đấu chuyển qua hướng khác. Nhưng rõ ràng, một và chỉ môt “người Hà Nội T&T Thành Lương” là rất khiêm tốn so với cả một chùm 4 nhận tố HA.GL trẻ măng, mềm mại. Cái mềm ấy khiến người ta sực nhớ lại một HA.GL và một đội tuyển U.19 VN cũng mềm như thế dưới thời HLV Guillaume Graechen ngày nào. Nhưng ai cũng biết về sau ông thầy người Pháp phải trả giá và phải “chết”, bởi chính sự mềm mại thái quá của mình.
HLV Nguyễn Hữu Thắng dĩ nhiên ko muốn đi vào “vết xe đổ” ấy. Cho nên bên cạnh cái mềm được xây dựng bởi những người HA.GL chính hiệu, ông còn gắn cạnh nó một sự cứng cáp mạnh mẽ theo đúng chất Sông Lam. Cùng với người Hoàng Anh, người Sông Lam “khoán” một nửa thành phần đội tuyển mà nổi bật nhất là một Quế Ngọc Hải ko ngại xoạc bóng cản phá ở chính diện hàng thủ, một Hoàng Thịnh cầy ải nhiệt thành ở đáy cùng khu trung tuyến và chơi rất hiệu quả trong vai trò “hót rác”.
Cái mềm Hoàng Anh và cái cứng Sông Lam tạo ra một đội tuyển hài hòa, cân bằng trong cả công lẫn thủ. Rõ ràng, nếu HLV Guillaume Graechen là điển hình của cái mềm thái quá, Toshiya Miura là điển hình cho cái cứng quá đà thì trong trận đấu vừa rồi chúng ta lại nhìn thấy một Hữu Thắng ở giữa, một Hữu Thắng biết cài cái mềm và cái cứng cạnh nhau, để đạt được mục đích của mình.
Đấy là điều mà thời còn cầm quân Hà Nội T&T và SLNA trước đây, chính Hữu Thắng cũng làm chưa tới.
Tuy nhiên, cũng cần tỉnh táo thấy rằng Đài Loan (Trung Quốc) chưa phải là đối thủ nặng đô nên đội bóng của Hữu Thắng còn chưa lộ hết những tử huyệt và những hạn chế, vốn bộc lộ ít nhiều ở trận đấu chính thức đầu tiên, của cả cái cứng lẫn cái mềm.
Chúc mừng Hữu Thắng với một khởi đầu xuôi, một khởi đầu không thể đẹp hơn nhưng vẫn nên bình tĩnh chờ đoạn đường sắp tới để xem “chân con ngựa” chạy trên “đường dài”.