Giá của chiến thắng là gì?

Nhà báo Hoàng Lâm (Song An)
thứ bảy 8-12-2018 21:01:37 +07:00 0 bình luận
Tôi vẫn còn nhớ như in khuôn mặt sung vều của một người bạn sau chuyến "đi bão" ăn mừng đội tuyển thi đấu thành công tại một giải đấu trong khu vực. "May mà không chết, tôi bị đám thanh niên lạng lách đâm phải, ăn mừng bóng đá chứ có phải đua xe đâu mà khiếp quá. Tôi chừa rồi, có vui thì vui chừng mực thôi".

Tôi vẫn còn nhớ như in khuôn mặt sung vều của một người bạn sau chuyến "đi bão" ăn mừng đội tuyển thi đấu thành công tại một giải đấu trong khu vực. "May mà không chết, tôi bị đám thanh niên lạng lách đâm phải, ăn mừng bóng đá chứ có phải đua xe đâu mà khiếp quá. Tôi chừa rồi, có vui thì vui chừng mực thôi".

Có lẽ sẽ không có con số thống kê đầy đủ về các vụ tai nạn sau mỗi chiến thắng của đội tuyển. Chẳng hạn sau trận Việt Nam - Philippines ở Mỹ Đình, ngay lập tức trên mạng xã hội đăng hình ảnh một số vụ tai nạn, mà điển hình là vụ va chạm ở cầu Chương Dương - Hà Nội. Tai nạn ấy rất dễ dàng nhận ra là có nguyên nhân từ việc ăn mừng đội tuyển khi người bị tai nạn vẫn khoác trên mình chiếc áo đỏ rực. Tôi nghĩ, cứ sau mỗi chiến thắng là các bác sĩ ở bệnh viện lại thêm một đêm trắng trực chiến.

Tôi có một người bạn làm cảnh sát giao thông, anh bảo: "Đúng là đội tuyển thắng cũng vui nhưng nói thật chúng tôi rất mệt. Nói là không thích bóng đá Việt Nam thắng thì dễ bị ăn mắng nhưng đôi khi cái giá trả cho chiến thắng cũng lớn. Mỗi lần như như vậy chúng tôi lại phải gồng mình lên làm nhiệm vụ".

Giá của chiến thắng là gì? - Ảnh 1.

Các chiến sĩ cảnh sát luôn vất vả sau mỗi chiến thắng quan trọng của bóng đá Việt Nam

Có nhiều điều phải suy nghĩ sau cơn men say chiến thắng vừa rồi. Câu hỏi là "Có phải là chúng ta đang vui quá không?". Một giải đấu ở khu vực ao làng Đông Nam Á vốn chẳng được FIFA thừa nhận. Trong số các đội tham dự thì có đến một nửa biết chắc là dự cho…vui bởi chẳng có cửa vào bán kết bởi trình độ quá chênh lệch.

Có bạn nói: "Nhưng vui thì có sao đâu?". Đúng, vui thì chẳng sao nhưng dường như bao nhiêu cái gọi là có thể vui chúng ta dồn cả vào bóng đá. Từ chuyện mua đôi vé mất luôn tháng lương cho đến dòng người đổ ra đường sau trận thắng ở bán kết. Bóng đá như cơn mưa giải tỏa, giải khát niềm vui cho người dân. Bóng đá cho người ta quên đi khó khăn hàng ngày? Tôi nghĩ rằng chúng ta đang khoác cho bóng đá nhiều thứ giá trị lớn lao mà thực tế nó không có. Ví dụ như khái niệm cứ phải vui với chiến thắng của bóng đá thì mới là có tinh thần dân tộc, mới là yêu nước. Không phải vậy, cổ vũ bóng đá với yêu nước chẳng liên quan gì đến nhau, hoặc nếu có nó cũng rất nhỏ.

Tôi bắt gặp những người hồ hởi, hò hét bóng đá nhưng sau đó lột tấm băng đỏ có chữ "Việt Nam vô địch trên đầu" vứt xuống đất, hoặc hủy hoại lá cờ, hoặc đơn giản chỉ là nhao ra đường cho có… phong trào.

Giá của chiến thắng là gì? - Ảnh 2.

Lá cờ Tổ quốc thường xuyên xuất hiện trong các màn ăn mừng của CĐV

Tôi nhớ câu chuyện tương tự. Trận bóng đá ở V.League diễn ra tại một tỉnh miền Trung, khi đội nhà đang thi đấu rất hăng dưới sân thì trên khán đài, ông bố bắt đứa con khoảng 10 tuổi của mình phải đái vào cái chai để ông dung nó làm "bom nước" tấn công đội khách. Đứa con ngần ngừ thì ông bố nói như quát: "Mày có yêu quê hương không?". Đứa con lí nhí đáp: "Có". Còn ông bố hét lên: "Yêu thì phải đái".

Yêu cũng có năm bảy đường. Tôi cũng từng gặp những bạn trẻ hỏi một câu rất thành thực: "Em không thích bóng đá, đội tuyển thắng hay thua em cũng thấy bình thường. Nhưng khi các bạn reo hò, lao ra ngoài đường em thấy mình như lạc lõng. Hình như em không yêu nước nhiều lắm, đúng không?" Tôi nói luôn rằng: Em không thích bóng đá, đó là việc của em và cũng chẳng ai bắt em phải tung hô, vui sướng khi em không thấy vui. Bóng đá chỉ là một cuộc chơi, vậy thôi. Nếu yêu nước chỉ là chuyện đến sân xem bóng đá, cổ vũ, hoặc lao ra ngoài đường thì yêu nước dễ dàng quá, đỡ mệt nhọc quá và thực tế nó chỉ là gió thoảng thôi. Có nhiều cách để em yêu đất nước mình và nếu em không yêu đội tuyển bóng đá Việt Nam thì em chẳng có lỗi gì cả".

Bóng đá và hình ảnh tràn ngập không khí bóng đá trong những ngày này cho thấy một điều: đời sống tinh thần của một bộ phận dân chúng còn quá nghèo nàn và bóng đá trở thành cái phao để bám víu. Tất nhiên, bóng đá nó có  tính lan tỏa của nó nhưng nếu không có bóng đá, thì chúng ta làm gì để có niềm vui? Nhất là khi những nơi được cho là có thể vui chơi, như một đại nhạc hội âm nhạc ngoài trời, quán bar, nhiều quán karaoke… lại ẩn chứa nhiều hiểm họa và tệ nạn xã hội mà vụ việc đêm nhạc tại Hồ Tây cách đây không lâu là một ví dụ.

Thắng thì vui, thua thì buồn, chỉ nên đơn giản như vậy thôi. Đừng khoác lên bóng đá sứ mệnh to tát theo kiểu dẫn dắt niềm tin và tự hào cho cả dân tộc. Bóng đá sẽ chỉ thực sự vui khi chiến thắng của nó chỉ nằm trong khuôn khổ bóng đá.

Đừng để xã hội phải gánh chịu cái giá của một chiến thắng bóng đá.



Nguyễn Công Phượng có thể bị cấm đá trận chung kết lượt về AFF Cup 2018

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm