Đặt vấn đề vì sao nhiều người bàn về chiếc ghế đó cũng có lý do chính đáng. Một là ông Dũng thời gian qua đau bệnh và phần lớn việc điều hành là do PCT thường trực Trần Quốc Tuấn phụ trách; hai là sau này vai trò của ông Dũng cũng mờ nhạt khi ông không còn nắm “tay hòm chìa khóa”, không còn là “cứu tinh” cho BĐVN khi túng thiếu cần nhà tài trợ.
Ông lên làm Chủ tịch VFF, Eximbank dần dần rút ra khỏi bóng đá và những người khác vẫn mang tiền về được trong khi phần hứa hơn 300 tỷ đồng cho BĐVN của ông đã rơi vào quên lãng; và ba là ông cũng bị ảnh hưởng nhiều về uy tín qua vụ “Đội tuyển vừa đá thua mà gọi điện thoại cho phóng viên nói bán độ” (lời chất vấn của Ủy viên BCH Nguyễn Hồng Thanh), lại thêm vụ bị cấp dưới tố cáo nhận hối lộ và việc ông thừa nhận có nhận quà rồi chuyển cho ai đó…
Ngoài ra, còn phải kể thêm phần mất uy tín với các CLB và các tổ chức Liên đoàn thành viên ở các địa phương khi tranh cử. Đó là lời hứa hỗ trợ mỗi liên đoàn thành viên 500 triệu và cho mỗi CLB 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay thì cả CLB lẫn Liên đoàn thành viên vẫn chưa nhận được hiện kim.
Đấy cũng là lý do vì sao mà đại diện VFF mang máy vi tính đến trao tặng cho các địa phương thì có nơi từ chối nhận và nói thẳng họ vẫn chờ thực thi lời hứa hỗ trợ 500 triệu đồng của ông Chủ tịch ngày nào.
Vì thế mà thiên hạ cứ bàn về ghế nóng mà ông Dũng sẽ để lại, khi vai trò của ông nhạt dần và ông lại đang bệnh nên khoán quyền điều hành cho cấp phó.
Thực chất thì các lời đồn đoán trên đều sai, bởi ông Dũng không thể rời chiếc ghế mà rất khó khăn để đạt được vị trí đó.
Dư luận thời gian qua chỉ trích ông Dũng khá nhiều nhưng thực tình thì ông Dũng khi vận động để ngồi vào ghế Chủ tịch VFF là có ý tốt, có ý muốn đạt được điều gì đó để đời cho BĐVN. Chỉ có điều là ông Dũng ở lâu trong ngôi nhà VFF nhưng lại không hiểu cấp dưới mình nên khoán việc và khoán chức rất nhiều. Ông cũng không thể ở Hà Nội để điều hành nên giao việc từ xa và ông cũng tin tưởng quá mức nên dựng người của mình lên rồi trao nhiều chức vụ cho đến lúc vỡ lẽ thì thu hồi không kịp.
Ông Dũng có nỗi khổ của ông mà nguyên nhân một phần do sự tin tưởng, tín nhiệm cấp dưới và nay thì ông phải ngậm đắng. Thậm chí là ngay cả vụ bị tố hối lộ, những người hiểu về cung cách cư xử ở ngôi nhà VFF cũng nói ông “bị oan” trong cuộc chơi mà cấp dưới tự nâng lên đặt xuống “người của mình”.
Trước Đại hội thường niên VFF, người ta đưa ra một số ứng viên trong đó nhìn vào gương mặt của những người có cơ hội thì nhiều người lại thốt lên: “Thà là ông Dũng cứ ngồi đây còn hơn là trao cờ vào tay những kẻ cơ hội”.
Nỗi khổ của ông Dũng là bây giờ muốn rút cũng không thể rút dù nhiều lúc ông quá mệt mỏi vì bệnh và vì dư luận lẫn “vì bạn”.