Quốc hội đang họp, liên tục là những phiên chất vấn. Người dân quan tâm không chỉ là những thay đổi trong cách chất vấn mà quan trọng, chất lượng chất vấn được thể hiện ở việc những người có trách nhiệm thông tin đã thực hiện các lời hứa của mình trước Quốc hội, thực tế là trước nhân dân, thế nào.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa nêu quan điểm:“Những lời hứa của các Bộ trưởng mà bây giờ sắp hết nhiệm kỳ, có Bộ trưởng chuẩn bị về hưu rồi thì nói thật là cho qua, chứ làm sao được. Cho nên, Quốc hội phải bàn cho ra cơ chế, không để các Bộ trưởng “tháo chạy” khỏi lời hứa. Để Bộ trưởng phải thực hiện cho được lời hứa ngay khi còn đương nhiệm”.
Nói một cách khác, các Bộ trưởng hay những người có trách nhiệm phải “định lượng” một cách cụ thể việc mình thực hiện các lời hứa đến đâu chứ không phải chung chung “sẽ cố gắng”.
Hứa thì dễ, thực hiện lời hứa mới khó. Đó là điều ai cũng biết, ai cũng thấu hiểu. Đôi khi chỉ là vô tình, người ta tự biến mình thành “con ma nhà họ Hứa”.
Tự hỏi, trong lĩnh vực bóng đá, nơi sự chính trực được coi là một tiêu chuẩn, có bao nhiêu lời hứa được thực hiện?
Bóng đá sẽ sống bằng bóng đá? Bản quyền truyền hình sẽ đủ trả lương cho cầu thủ? Không còn tiêu cực…?
Những điều ấy có vẻ lớn lao.
Mới đây, nhiều NHM ở Đồng Nai chia sẻ rằng tại Hội nghị tổng kết mùa giải chuyên nghiệp 2015, khi Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng đặt vấn đề Đồng Nai xuống hạng thì đã có ai trong VPF hay VFF xuống tìm hiểu, chia sẻ, động viên để họ tiếp tục làm bóng đá hay không? Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng thừa nhận thiếu sót và hứa sẽ về Đồng Nai làm việc, cùng trao đổi về định hướng với CLB.
Và cũng ở hội nghị ấy, chính GĐĐH Đồng Nai cũng nêu ra 2 thực tế đáng buồn là “đội nào xuống hạng là… giải tán và “các CLB cần sự chung tay giúp sức nhưng VFF, VPF lại thờ ơ và không quan tâm đến sự sống chết của chúng tôi”.
Khi bóng đá chưa thể sinh lời, CLB buộc phải bám vào ngân sách, vào doanh nghiệp để tồn tại. Đôi khi chỉ cần những nhà quản lý bóng đá thực hiện lời hứa của mình; quan tâm tìm hiểu, động viên, cùng ngồi tháo gỡ, tìm lối ra khi các đội bóng gặp khó khăn… thì có thể nhiều CLB đã được cứu chứ không rơi vào tình trạng ghẻ lạnh rồi giải tán sau khi rớt hạng.
Số người chết vì tai nạn giao thông sẽ giảm, số người chết vì các loại thức ăn ngậm độc sẽ giảm, số người chết vì các loại vắc-xin sẽ giảm và số những CLB “chết” ở bóng đá Việt cũng sẽ giảm nếu những người có trách nhiệm thực hiện lời hứa của mình.
Thế là đủ, không cần nỗ lực hơn!