Đức,Quyến, Vinh, Phượng & Chuyện những thế hệ gối đầu…

chủ nhật 10-5-2015 9:02:21 +07:00 0 bình luận
Công Phượng đã có lần đầu “khoác áo ĐTQG”. Dù chỉ là một buổi đấu tập, và sau một buổi đấu tập, Phượng lại được chuyển về U.23 thì nó cũng là một kỷ niệm, một cột mốc đáng nhớ.

CP

Điều đáng nói, với sự thiếu vắng trầm trọng các tiền đạo ở ĐTQG lúc này, nhiều người tin Phượng sẽ được bổ sung cho ĐTQG ở trận đấu với Thái Lan tại VL World Cup 2018.

Nếu điều này xảy ra, Phượng sẽ chính thức đứng chung với đàn anh Công Vinh. Và từ Vinh đến Phượng, phải chăng sẽ là sự bắt đầu cho một cuộc chuyển giao thế hệ?

Tôi chợt nhớ về kỳ Tiger Cup năm 2002, khi HLV Calisto bất ngờ gọi Văn Quyến – một Văn Quyến ở tuổi 18 lên Tuyển, và Quyến được đứng cạnh người đàn anh Lê Huỳnh Đức.

Năm ấy, Đức 30 tuổi và đã bắt đầu chớm sang phía bên kia sườn dốc. Năm ấy, Quyến lên Tuyển chủ yếu ngồi dự bị. Nhưng chắc chắn việc được sống cùng một người đàn anh tài năng, ở môi trường mà mọi cầu thủ trẻ đều ao ước như ĐTQG giúp cho Quyến được học hỏi và lớn lên rất nhiều. Và cũng trong năm ấy, cả làng bóng lẫn làng báo đã cùng đưa ra nhận định: Thời của Đức sắp qua đi, thời của Quyến đã đến. Nhưng không ai ngờ nó lại đến nhanh, đến một cách bay bổng chỉ ngay 1 năm sau, khi Quyến trở thành Cầu thủ xuất sắc nhất tại SEA Games 22…

Bây giờ, khi thời gian đã đủ dài để nhìn lại những cái được cái mất của một đời cầu thủ, chúng ta buộc phải trả lời một lô câu hỏi: Rốt cuộc thì cuộc chuyển giao từ Huỳnh Đức đến Văn Quyến đã giúp cho BĐVN được hay mất nhiều hơn? Rốt cuộc thì Huỳnh Đức còn lại gì, Văn Quyến còn lại gì, và lịch sử nền bóng đá rồi sẽ ghi nhận, phán xét những gì về 2 tài năng thuộc 2 thế hệ?

Ai cũng biết, sau cái đỉnh Tiger Cup 2002 rồi nốt trầm Tiger Cup 2004, Huỳnh Đức hạ cánh an toàn, và bây giờ đang trở thành một trong những nhà cầm quân hét ra lửa. Còn với Quyến, sau vụ án Bacolod 2005, rồi sau những lần cố đứng dậy ở Sông Lam, XMXT.Sài Gòn, Ninh Bình nhưng không sao dậy nổi, Quyến mất sạch. Và như thế, cuộc chuyển giao từ Huỳnh Đức đến Văn Quyến bắt đầu một cách sáng lạn, hứa hẹn bao nhiêu thì lại kết thúc một cách buồn bã, bi kịch bấy nhiêu….

Bây giờ thì ĐTVN nói riêng và BĐVN nói chung, khả năng lại bắt đầu một cuộc chuyển giao mới: Công Vinh – Công Phượng. Cũng giống như Huỳnh Đức ở Tiger Cup 2002, năm nay Công Vinh đã 30 tuổi. Và cũng như Văn Quyến ở Tiger Cup 2002, Phượng bây giờ đang ở độ tuổi 20 (độ tuổi 20, chứ không phải 20 tuổi).

Ở bên cạnh Công Vinh, dẫu chỉ là bên cạnh trong tập luyện, hy vọng là Phượng sẽ học được nhiều điều tích cực của Vinh – người đã lớn lên, đã trưởng thành cùng thời điểm với quãng đời hoạn nạn của Văn Quyến, nên đủ khôn để không lao vào vết xe của Quyến.

Ở bên cạnh Vinh, hy vọng là một người được học hành tử tế, bài bản như Công Phượng – điều mà Công Vinh ngày xưa không may mắn có được mà tôi tin là nếu có, tầm vóc của Công Vinh còn lớn hơn bây giờ, rồi sẽ trở thành một biểu tượng đúng nghĩa, một biểu tượng thứ thiệt, một biểu tượng không diễn xuất.

Từ Vinh đến Phượng, mong lắm một cuộc chuyển giao, một cú gối đầu trong sáng và tươi đẹp cho một nền bóng đá thời đại mới, chứ không phải một cú gối đầu buồn như thế hệ Huỳnh Đức – Văn Quyến ngày xưa!

Kết thúc AFF Cup 2014 khi ĐTVN bị loại sau một trận bán kết lượt về nhiều dấu hỏi thì nhiều trang báo dẫn lời bầu Đức cho biết, ông Miura từng có ý định gọi Công Phượng lên ĐTVN nhưng được khuyên là không nên vì môi trường ĐT nhiều phức tạp, có khả năng sẽ làm hỏng “cừu non” Công Phượng. Tôi chưa xác minh xem có đúng là bầu Đức khuyên ông Miura như vậy hay không nhưng với những hiểu biết về một bầu Đức đầy cá tính và về một ĐTVN, tôi có cảm giác đây là một lời khuyên có thật. Vậy thì không biết bây giờ, khi Công Phượng nhiều khả năng sẽ được bổ sung chính thức cho ĐTQG, bầu Đức sẽ khuyên Công Phượng những gì? Ở đời này, nhiều lúc chúng ta không thể tìm cho mình một chân trời mơ ước để bay, nhưng chúng ta có thể tìm một cách bay, một nghệ thuật bay hợp nhất và ít bị tác động, tàn phá nhất cho mình? Muốn có một cách bay như thế, những người trẻ vào đời cần lắm những lời khuyên máu mủ của tiền nhân.

PHAN ĐĂNG

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm