Đối thoại Phát triển bóng đá Việt: 4 tiếng chất vấn, tranh luận, không vấn đề nào được giải quyết

thứ bảy 13-1-2018 15:52:22 +07:00 0 bình luận
4 tiếng chất vấn và tranh luận ở đối thoại "Phát triển bóng đá Việt Nam nhưng gần như chưa vấn đề nào được giải quyết.

4 tiếng chất vấn và tranh luận ở đối thoại "Phát triển bóng đá Việt Nam nhưng gần như chưa vấn đề nào được giải quyết.

Đối thoại "Phát triển bóng đá Việt Nam" diễn ra tại Văn phòng Chính phủ từ 14h00 ngày 13/1/2018. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là người chủ trì cùng Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện. 

4 tiếng đồng hồ với rất nhiều câu hỏi, những cuộc tranh luận nhắm vào vấn đề chính là bóng đá Việt Nam tại sao chưa phát triển. Đối tượng chính được nhắm đến là Tổng cục TDTT và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). 4 tiếng đồng hồ nhưng câu trả lời vẫn rất mơ hồ. Điều thu lại lớn nhất từ buổi đối thoại lần này là việc những người muốn cất lên tiếng nói đã được phép nói trước một đại diện cấp cao của Chính phủ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL chủ trì Hội thảo Phát triển bóng đá Việt Nam. Hình ảnh: Trung Thu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL chủ trì Hội thảo Phát triển bóng đá Việt Nam. Ảnh: Trung Thu.

Các phương pháp giải quyết vẫn chưa thể được đưa ra. Buổi đối thoại dừng lại ở mức khơi gợi những vấn đề, những hạn chế của bóng đá Việt Nam thời gian qua. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Trách nhiệm đầu tiên là của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam phải được xây dựng bởi Tổng cục TDTT, VFF. Khi đó mới kêu gọi được sự ủng hộ từ nhân dân, kêu gọi doanh nghiệp tài trợ. Chiến lược 5 năm qua tôi đồng ý với anh Nguyễn Ngọc Thiện là không cần phải thay đổi mà cần hành động để hoàn thành các mục tiêu". 

"Tôi không nghĩ đây được ví như Hội nghị Diên Hồng hay gì cả. Tôi đặt mục tiêu khiêm tốn rằng với sự cố gắng của mình và nhiều anh em giúp đỡ. Các vấn đề được đặt lên bàn với sự cởi mở và công khai minh bạch. Có gì cùng nhau đặt lên bàn trao đổi sẽ tốt hơn". 

"Nhiều người gửi cho tôi bài viết của FIFA nói rằng họ đánh giá bóng đá Việt Nam thế này này. Tôi cũng phấn khởi nhưng là người theo dõi văn hóa, thể thao, du lịch trong nước thì tôi thấy chưa sướng lắm. Tôi tin anh em có cách để làm thế nào mà FIFA vừa đánh giá thăng hạng mà trong lòng anh em vẫn sướng hơn".

Một số nội dung đáng chú ý trong hơn 4 tiếng của buổi đối thoại:

Cuộc tranh luận của ông Nguyễn Văn Mùi và ông Dương Mạnh Hùng

Sau khi kết thúc phần trả lời câu hỏi, Hội thảo "Phát triển bóng đá Việt Nam" đi tiếp đến phần đối thoại và tranh luận. Cựu còi vàng Dương Mạnh Hùng là người đầu tiên đứng lên chất vấn và đối tượng ông nhắm đến chính là Trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi.

Từng làm trọng tài, gương mặt của cả hai đều thể hiện sự nghiêm túc và cứng rắn khi nhìn thẳng vào nhau. Ông Hùng mở đầu: "Niềm tin của trọng tài xuống thấp thời gian quan là có sự bao che những sai sót của trọng tài. Tại sao có những trọng tài từng bị đình chỉ làm nhiệm vụ vì tiêu cực lại được sử dụng ở giai đoạn của ông Nguyễn Văn Mùi?". 

Cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng chất vấn Trưởng Ban trọng tài VFF, ông Nguyễn Văn Mùi. Hình ảnh: Trung Thu.
Cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng chất vấn Trưởng Ban trọng tài VFF, ông Nguyễn Văn Mùi. Ảnh: Trung Thu.

Trưởng Ban trọng tài VFF đáp lại: "Các trọng tài ấy đã được C45 gửi công văn giải tỏa và anh ta không còn vi phạm pháp luật nữa. Chính vì vậy, tôi để cho họ trở lại làm nhiệm vụ. Không có sự bao che ở đây. Thời anh ta vi phạm, tiêu cực tôi không làm Trưởng ban, tôi không biết. Còn lúc tôi làm thì anh ta không vi phạm pháp luật. Anh chỉ ra trọng tài nào có sai sót nghiêm trọng và tôi có sự bao che, tôi nhận ngay". 

Ông Dương Mạnh Hùng tiếp tục lần chất vấn thứ hai: "Anh không bao che!? Có rất nhiều trọng tài có những sai sót. Ví dụ ở giai đoạn 2010 - 2011, các trận đấu có Đồng Tháp, Hải Phòng xuất hiện sai số nhưng trọng tài vẫn bao che. Tình huống của Samson gần đây, tình huống cầu thủ bị đạp gãy chân mà trọng tài vẫn dùng thẻ vàng. Trọng tài được FIFA công nhận nhưng tự tạo ra luật, Ban trọng tài chỉ cho nghỉ 1, 2 trận. Các trọng tài khác nhìn thấy thế họ sẽ không còn coi trọng và nghiêm khắc với bản thân nữa". 

"Các anh hãy mạnh dạn nhìn vào những cái chưa được của mình. Các anh không cần che giấu điều gì ở đây, ngày hôm nay vì sự phát triển của bóng đá Việt", ông Hùng chốt lại. 

Ông Nguyễn Văn Mùi cũng tỏ ra cứng rắn trong việc trả lời những chất vấn của ông Dương Mạnh Hùng. Hình ảnh: Trung Thu.
Ông Nguyễn Văn Mùi cũng tỏ ra cứng rắn trong việc trả lời những chất vấn của ông Dương Mạnh Hùng. Ảnh: Trung Thu.

Tuy nhiên, Trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi vẫn là người nắm đằng chuôi. Ông đưa ra những lý lẽ và dẫn chứng: "Với những sai sót của trọng tài, hai trọng tài FIFA đã bị cho nghỉ, xóa tên trong danh sách của FIFA. Việc ấy chúng tôi không bao che. Trường hợp các trọng tài sai sót đã xử lý 1 số trận chứ không bao che". 

"Trọng tài Nguyễn Trọng Thư vẫn được bầu là trọng tài xuất sắc nhất mùa giải trước đây khi tôi còn chưa làm Trưởng ban trọng tài. Cậu ta không đạt thể lực vẫn bị loại. Không có chuyện bao che, gia đình ở đây. Tôi khẳng định uy tín trọng tài giảm sút là có thật. Sai sót từ năm 2005 - 2006 khiến trọng tài luôn gặp ác cảm. Những năm gần đây sai sót của trọng tài nhiều lên và cũng khiến uy tín thêm phần giảm sút. Trọng tài mỗi lần ra sân đều gặp áp lực". 

"Nhiều đội bóng dùng áp lực để mong trọng tài nương nhẹ. Trọng tài nào thiếu sự nghiêm khắc sẽ ảnh hưởng đến tâm lý. Việc ấy tôi nghĩ phải xử lý nghiêm. Các phát ngôn của lãnh đạo, HLV về trọng tài thiếu sự tôn trọng tôi nghĩ cũng cần xử lý".

Một ông chủ nhiều đội bóng không có căn cứ pháp lý

Thực tế trên thế giới một người sở hữu hoặc tham gia sở hữu nhiều đội bóng nhưng có quy định rõ ràng (VD: Thái Lan có ông chủ Bia Chang sở hữu 5 CLB). Ở Việt Nam hiện nay dư luận đều cho rằng cũng có một người sở hữu, đồng sở hữu nhiều đội bóng. Vậy Bộ VHTTDL, Liên đoàn bóng đá Việt Nam có cùng đánh giá đó không? Nếu có thì là ai và các CLB nào? Có cách nào mà dù một người chi phối nhiều đội bóng nhưng khắc phục được câu chuyện “vỗ vai chia điểm” hay không. Phải chăng cần cho giải vô địch quốc gia nhiều đội xuống hạng hơn (hiện nay chỉ có 1-1,5 đội) và thay đổi thể thức thi đấu. Nếu cần, để khắc phục tình trạng này và đáp ứng các tiêu chuẩn của CLB chuyên nghiệp, có sẵn sàng trước mắt chỉ tổ chức V-League với một số rất ít đội đủ điều kiện tham dự hay không? Đó là câu hỏi Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đọc cho Tổng cục TDTT và VFF trả lời.

Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cũng thừa nhận như ông Tuấn và kiên quyết chấn chỉnh vấn đề này. Hình ảnh: Trung Thu.

Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, khẳng định không có căn cứ pháp lý cho việc một ông chủ nhiều đội bóng. Ảnh: Trung Thu.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Vương Bích Thắng trả lời: "Nhiều năm nay, đã có phản ánh là một ông chủ sở hữu hoặc tài trợ cho nhiều đội bóng. Chúng tôi nhận thấy là có hiện tượng này. Khi có chuyện này, thanh tra bộ đã thanh tra. Trên thực tế, xin nói thẳng là trường hợp của chỗ Đỗ Quang Hiển, khi thanh tra, các CLB này anh Hiển đều không sở hữu gì cả. Nhưng các công ty thì có tài trợ cho các đội bóng này. Nhiều năm qua, Tổng cục và VFF đã theo dõi và giám sát rất chặt các trận đấu của những đội bóng này thì không thấy có hiện tượng gì. Có những thời điểm 2 đội đá hòa, thì một đội sẽ vô địch nhưng vẫn có thắng thua. Dư luận và báo chí có đưa nhưng trên thực tế thì chưa có gì chứng minh được cả. Còn việc khắc phục vỗ vai xin điểm thì chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra, vỗ vai xin điểm. Tôi hoàn toàn nhất trí với Anh Tuấn là không nên giảm hệ thống thi đấu xuống nữa".

Tuy nhiên, sau khi tiếp tục bị chất vấn, đại diện Tổng cục TDTT phải đưa ra kết luận sẽ cùng Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) xem xét lại vấn đề này để tìm câu trả lời thỏa đáng cho dư luận.

VFF kiên quyết "nắn" lại Giải VĐQG theo đúng mô hình tháp quốc tế

Phó Chủ tịch VFF, ông Trần Quốc Tuấn khẳng định các Giải VĐQG tại Việt Nam sẽ được "nắn lại" theo mô hình tháp quốc tế. "Chúng tôi sẽ quy hoạch về chuẩn quốc tế. Ở nhiệm kỳ VIII, quy hoạch các Giải VĐQG như sau. V.League có 14 đội, Hạng nhất có 14 đội, hạng nhì tăng lên 16 đội. Còn hiện tại, Hạng nhất mới có 10 đội", ông Tuấn phát biểu. 

Phó Chủ tịch VFF, Trần Quốc Tuấn, là người trả lời nhiều câu hỏi chất vấn nhất tại Hội thảo Phát triển bóng đá Việt Nam chiều 13/1. Hình ảnh: Trung Thu.
Phó Chủ tịch VFF, Trần Quốc Tuấn, là người trả lời nhiều câu hỏi chất vấn nhất tại Hội thảo Phát triển bóng đá Việt Nam chiều 13/1. Ảnh: Trung Thu.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch VFF cũng phản pháo, không chỉ bóng đá Việt Nam mà nhiều nền bóng đá khác ở châu Á cũng đang vướng tình trạng tương tự. 

"Hàn Quốc có K-League Classic với 12 đội nhưng Giải hạng nhì chỉ có 10 đội, hạng ba có 8 đội. Australia thì không có lên xuống hạng, họ đá với tinh thần giải trí. Vì vậy, chúng tôi phải cố gắng điều chỉnh số lượng để không ảnh hưởng đến chất lượng của giải đấu. Thái Lan có 18 đội ở Thai League 1. Tuy nhiên, đội cuối bảng chỉ có 3 điểm, thua hơn 100 bàn suốt cả giải. Chúng tôi có bàn bạc với Liên đoàn bóng đá nước này và họ cũng sẽ giảm số đội xuống ở Thai League 1 để tránh chênh lệch quá nhiều về trình độ", ông Tuấn nói. 

Ông Trần Quốc Tuấn là đại diện chính của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Gần như tất cả các câu hỏi được gửi đến Văn phòng Chính phủ đều được dành cho VFF và Tổng cục Thể dục Thể thao. Hiện tại, Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn là người trả lời nhiều nhất, tiếp theo là ông Vương Bích Thắng. Có thời điểm, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh phải đứng lên trả lời luân phiên cho ông Tuấn.

Tổng cục TDTT, VFF, VPF thừa nhận giải VĐQG có tiêu cực

Trước chất vấn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cả 4 đơn vị có liên quan mật thiết đến bóng đá Việt Nam đều thừa nhận Giải VĐQG V.League có tiêu cực. 

Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh phát biểu về nguyên nhân, giải pháp để giải quyết vấn đề khán giả ít đến sân theo dõi các trận đấu ở các Giải VĐQG. Khi gần kết thúc, PTT Vũ Đức Đam đột ngột ngắt lời, ông nói: "Ai cũng hiểu những nguyên nhân mà các đồng chí nói, là cơ sở hạ tầng, là CLB. Tuy nhiên, không thể vì lượt xem trên truyền hình, youtube mà nói khán giả vẫn quan tâm. Khán giả đến sân mua vé, mua áo đấu thì mới có ngân quỹ cho CLB hoạt động".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chất vấn về vấn đề tiêu cực trong bóng đá Việt Nam. Hình ảnh: Trung Thu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chất vấn về vấn đề tiêu cực trong bóng đá Việt Nam. Ảnh: Trung Thu.

"Còn cái bóng đá không sạch thì tôi chưa hiểu là gì? Các đồng chí có đồng ý với quan điểm đó không? Nếu có sự không trong sạch thì có quyết tâm làm cho sạch không? Tôi cần câu trả lời thẳng thắn. Đồng chí nào có trách nhiệm cao nhất với bóng đá Việt Nam thì phát biểu xem nào. Tôi muốn nghe cả Bộ VH,TT&DL, Tổng cục TDTT, VFF và VPF". 

Sau đó, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn là người đứng lên đầu tiên. Ông trả lời: "Các giải VĐQG còn hành vi chưa đẹp...". PTT Vũ Đức Đam ngắt lời: "Có đúng giải còn vấn đề không trong sạch không?". 

Đến lúc này, ông Trần Quốc Tuấn (VFF) trả lời: "Dạ, có vấn đề này thưa Phó Thủ tướng". Sau đó, lần lượt ông Vương Bích Thắng (Tổng cục TDTT) và đại diện Bộ VH,TT&DL đều thừa nhận tương tự như ông Tuấn. "Bóng đá Việt Nam còn các trận đấu chưa sạch. Tổng cục kiên quyết chấn chỉnh", ông Thắng nói. "Bóng đá Việt Nam mất niềm tin từ khán giả vì có các trận đấu chưa sạch. Chúng tôi kiên quyết chỉ đạo Tổng cục TDTT xử lý vấn đề này", Thứ trưởng Lê Khánh Hải trả lời.

Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch VFF, là người đầu tiên đứng lên thừa nhận có sự thiếu trong sạch ở Giải VĐQG. Hình ảnh: Trung Thu.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch VFF, là người đầu tiên đứng lên thừa nhận có sự thiếu trong sạch ở Giải VĐQG. Ảnh: Trung Thu.

Riêng Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), ông Nguyễn Minh Ngọc trả lời khác rằng: "VPF dưới góc độ người tổ chức sẽ tiếp thu nghiêm túc các chỉ đạo từ Bộ, Tổng cục và VFF. Điều hành giải đấu và loại bỏ các hành vi tiêu cực". 

Lắng nghe câu trả lời trực diện PTT Vũ Đức Đam cho rằng cần hoan nghênh và mong muốn những đại diện đơn vị trả lời câu hỏi tại Hội thảo "Phát triển bóng đá Việt Nam" phát huy cách trả lời thẳng thắn như vậy. 

Ông Nguyễn Minh Ngọc, Trưởng BTC các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp của VPF, tiếp thu ý kiến chỉ đạo từ Bộ VH,TT&DL, Tổng cục và VFF. Hình ảnh: Trung Thu.
Ông Nguyễn Minh Ngọc, Trưởng BTC các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp của VPF, tiếp thu ý kiến chỉ đạo từ Bộ VH,TT&DL, Tổng cục và VFF. Ảnh: Trung Thu.

Hội đồng chủ tịch: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Lê Khánh Hải.

Đại diện các đơn vị trả lời: 

- Bộ VH,TT&DL: ông Nguyễn Ngọc Thiện, ông Lê Khánh Hải. 

- Tổng cục TDTT: Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng.

- VFF: Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn, TTK Lê Hoài Anh, Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi, Trưởng ban kỷ luật Nguyễn Hải Hường.

- VPF: Trưởng BTC các giải chuyên nghiệp Nguyễn Minh Ngọc

Quan điểm của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội thảo:

"Dịp này là để chúng ta thẳng thắn với nhau. Chúng ta hãy "bày hết lên bàn" để mọi người cùng được thấy vấn đề của bóng đá Việt Nam".

"Tôi đề nghị không cần "kính thưa, kính gửi gì nữa", câu nào trả lời nhanh gọn có thể gói trong 15 giây thôi".

Buổi Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia giàu kinh nghiêm về thể thao và bóng đá Việt Nam, trong ảnh là ông Nguyễn Hồng Minh (Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao). Hình ảnh: Trung Thu.
Buổi Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia giàu kinh nghiêm về thể thao và bóng đá Việt Nam, trong ảnh là ông Nguyễn Hồng Minh (Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao). Ảnh: Trung Thu.
Ông Hà Quang Dự - Nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban TDTT. Hình ảnh: Trung Thu.
Ông Hà Quang Dự - Nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban TDTT. Ảnh: Trung Thu.
Ông Vũ Mạnh Hải - Cựu cầu thủ Thể Công - Nguyên Tổng biên tập Báo bóng đá. Hình ảnh: Trung Thu.
Ông Vũ Mạnh Hải - Cựu cầu thủ Thể Công - Nguyên Tổng biên tập Báo bóng đá. Ảnh: Trung Thu.
Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm