Diễn đàn kinh tế thể thao 2024: Nhờ đâu bản quyền truyền hình V.League tăng giá gấp 25 lần?

Huy Kha
thứ năm 17-10-2024 12:39:31 +07:00 0 bình luận
Từ 2 tỷ đồng, thậm chí giá trị chỉ bằng đổi ngang, giờ đây V.League đã thu về bản quyền truyền hình với con số lên đến 2 triệu USD (khoảng 50 tỷ đồng).

Tại Diễn đàn kinh tế Thể thao Việt Nam 2024 vừa được tổ chức ở khách sạn Melia (Hà Nội), Phó chủ tịch VFF kiêm chủ tịch VPF Trần Anh Tú chia sẻ những giá trị của V.League ở phiên thảo luận thứ 3 có chủ đề "Khai thác giá trị thương mại và lợi ích xung quanh một giải thi đấu thể thao”.

Phó chủ tịch VFF kiêm Chủ tịch VPF Trần Anh Tú chia sẻ xung quanh câu chuyện giá trị bản quyền truyền hình V.League cũng như giá trị giải đấu.

Một trong những giá trị mang tính cốt lõi của V.League thời điểm này là bản quyền truyền hình (BQTH), bên cạnh các giá trị khác như tài trợ, khai thác các hoạt động xung quanh giải đấu…. Ông Trần Anh Tú chia sẻ: “Trước năm 2018, nguồn thu BQTH bằng giá trị đổi ngang, tức là mua tính bằng số tiền sản xuất. Đến năm 2021, đạt thỏa thuận thêm 2 tỷ đồng và đến nay vẫn chưa thu hết nợ.

Sự đột phá mạnh chỉ đến vào năm 2023 khi giá trị của BQTH giải đấu lên đến 2 triệu USD/mùa. Để nâng cao giá trị đó, chúng tôi đã cho thấy giá trị của giải đấu như thế nào để tương xứng với giá trị của đơn vị mua bản quyền bỏ tiền mua. 

Chúng tôi đã thay đổi rất nhiều, đầu tư chất lượng giải, chuyên môn, cơ sở vật chất… VPF yêu cầu các CLB thay đổi mặt sân và như mọi người thấy, Hàng Đẫy, Lạch Tray, Gò Đậu có diện mạo đẹp hay các sân hay bị kêu ca như Vinh, Thanh Hóa cũng thay đổi rất nhiều. Về chuyên môn, chúng tôi trang bị VAR với quy chuẩn nghiêm ngặt từ FIFA. Hiện tại, V.League đang là hình mẫu của các nước Đông Nam Á về sử dụng VAR.

Dù Thái Lan đi đầu nhưng V.League có mức độ đầu tư hợp lý, phủ sóng tối thiểu 6/7 trận đấu mỗi vòng, di chuyển ở các địa phương trải dài trên cả nước. Chúng tôi đầu tư về bản nhạc riêng cho giải đấu. Một bản nhạc mà nhạc sĩ Hoàng Bách đã phải thuê nhiều nghệ sĩ ở các quốc gia khác để hòa phối, tạo nên chất riêng cho giải đấu.

Cúp vô địch cũng được chăm lưỡng, đầu tư. Bản thân tôi sang Anh để đàm phán và thuê hẳn một công ty sản xuất cúp cho Ngoại hạng Anh, Cúp FA. Ba chiếc cúp này được trao vào mùa giải vừa rồi ở ba giải đấu, có hiệu ứng tích cực, được nhiều sự đón chào nồng nhiệt".

Sự cuồng nhiệt, quan tâm của NHM là thước đo cho giá trị của giải đấu. Ảnh: VPF

Ông Tú nhấn mạnh: “Giá trị BQTH tăng thì chất lượng giải đấu cũng phải tăng tương xứng, để không chỉ giữ 2 triệu đô mà còn có thể tăng hơn nữa”. Để tăng giá trị BQTH, ông Tú nhìn nhận những vấn đề cần cải thiện trong thời gian tới.

Ông nói: “Khán giả phải quan tâm đến V.League hơn nữa. Khi kết thúc giải đấu, mọi người cảm thấy “đói” và trống vắng. Các trailer cần sự liên kết giữa các năm để tạo mạch xuyên suốt. Chúng tôi cũng làm việc với đội ngũ trọng tài để siết lại chuyên môn của trận đấu, từ các cầu thủ câu giờ, bạo lực cho đất chất lượng trọng tài”. Bên cạnh đó, ông Tú cũng nhìn nhận, V.League cần hướng đến đối tượng “khách hàng” là người trẻ trong thời gian tới.

 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm