Cú hích và nỗi lo sau tấm vé lịch sử dự World Cup của bóng đá nữ Việt Nam

Trần Khánh
thứ ba 15-2-2022 6:01:23 +07:00 0 bình luận
Tuyển nữ Việt Nam giành tấm vé lịch sử dự World Cup 2023. Đó là bước tiến thần kỳ nhưng đằng sau đó là nỗi lo lớn khi cả nước chỉ có đúng 6 địa phương đầu tư đến bóng đá nữ.

TRƯỚC TẤM VÉ DỰ WORLD CUP, BÓNG ĐÁ NỮ VIỆT NAM ĐÃ "VƯỢT VŨ MÔN"

Huỳnh Như cùng đồng đội đã tạo nên kỳ tích khi vượt qua Thái Lan và Đài Loan ở play-off để đưa bóng đá nữ Việt Nam đến với kỳ World Cup đầu tiên trong lịch sử. Sau vinh quang, các cô gái ngập trong cơn mưa tiền thưởng.

Những trụ cột có thể nhận mức thưởng lên đến cả tiền tỷ cùng hàng loạt hiện vật có giá trị khác. Đó là sự đột phá lớn, ghi nhận của toàn xã hội đến các cô gái đá bóng, vốn được xem là thiệt thòi. 

Tuyển nữ Việt Nam giành tấm vé lịch sử khi lần đầu tham dự một kỳ World Cup. Ảnh: AFC

Song, bóng đá nữ ở Việt Nam đã được nhìn nhận trước thời điểm này. Thái Nguyên là điển hình cho sự thay đổi trong thời gian qua. Cuối năm 2019, đội bóng có nguy cơ giải thể khi số phận cầu thủ long đong, nhiều người chọn cách bỏ bóng đá đi làm công nhân.

Thế nhưng, sau khi T&T vào cuộc, đội bóng này có bước chuyển mình lớn. HLV Đoàn Việt Triều cho biết: “Bóng đá nữ được đầu tư nhiều hơn, cả xã hội quan tâm và các địa phương có bóng đá nữ cũng có sự phát triển tốt hơn”.

Theo ông Triều, từ cám cảnh quá khứ, hiện tại, Thái Nguyên T&T có thể trả lương cao để chiêu mộ các trụ cột của đối thủ. “Từ ngày T&T tài trợ, chế độ, trang thiết bị, chính sách của đội bóng được cải thiện.

Thái Nguyên T&T sẵn sàng chi lương cao cho các cầu thủ ngoại tỉnh về thi đấu cho đội nhà. Mức lương dành cho các cầu thủ giỏi đội 1 hơn 10 triệu/tháng, và được đóng bảo hiểm, hưởng chế độ dinh dưỡng rất cao”, ông Triều cho biết.

Ông Phạm Hải Anh, Giám đốc Trung tâm HLTĐ TDTT Hà Nam cho hay: “Chế độ chính sách của Nhà nước ngày càng tốt hơn, xã hội hóa cũng tốt hơn. Từ khi Nhà nước có Nghị định 152 về tiền lương và hỗ trợ; Nghị định 86 về chế độ tiền ăn, Hà Nam thực hiện ngay và giúp đời sống bóng đá cải thiện đáng kể.

Ngoài ra, Phong Phú Hà Nam có sự hỗ trợ từ nhà tài trợ, đảm bảo thu nhập cho các cầu thủ. Hiện tại, cầu thủ hạng A của đội 1 Phong Phú Hà Nam được hưởng gần 20 triệu/tháng (tiền ăn, tiền lương, tiền hỗ trợ từ nhà tài trợ)”.

Thái Nguyên T&T đã thoát khỏi cảnh "ăn đong" và có bước tiến lớn ở giải VĐQG. Ảnh: VFF

Không chỉ cải thiện về đời sống bóng đá, các CLB còn có sự phát triển về chiều sâu. HLV Đoàn Việt Triều cho biết: “Trước đây, Thái Nguyên T&T không có tuyến trẻ nhưng hai năm nay, chúng tôi đã phát triển tuyến trẻ với 20 cầu thủ. Đội 1 có từ 26-30 cầu thủ. Số lượng lớn giúp chúng tôi chọn lọc các nhân tố tốt”.

Ông Phạm Hải Anh cho biết: “Năm 2020, Phong Phú đá giải U19 với hai đội. Năm ngoái, chúng tôi cũng đăng ký 2 đội đá giải VĐQG và năm nay, lần đầu tiên ở giải futsal VĐQG, Phong Phú Hà Nam có hai đội tham dự. Bóng đá nữ đã đi vào chiều sâu để các cầu thủ có cơ hội thi đấu, nâng cao trình độ”.

Có bước tiến về đào tạo cầu thủ, Phong Phú Hà Nam đã vươn cánh tay để tuyển chọn cầu thủ ở những địa phương khác như Nghệ An, Thanh Hóa, Quang Bình, Tuyên Quang…

Chúng tôi đang tổ chức giải nhi đồng nam, thiếu nhi nữ. Nguồn kinh phí từ xã hội hóa. Chúng tôi đã tổ chức 8 giải cho nam, còn giải nữ bắt đầu từ năm ngoái. Đây là cách xây nền móng để đẩy mạnh phong trào cơ sở, mục đích tuyển chọn cầu thủ. Sở Văn hóa, Thể thao và Sở Giáo dục đào tạo kết hợp để đưa vào nội dung thi đấu học sinh giỏi môn ngoại khóa thể dục thể thao hằng năm”, ông Phạm Hải Anh nói.

Cựu HLV trưởng ĐTQG nữ và hiện đang là Phó chủ tịch LĐBĐ Thành phố Hồ Chí Minh, Ngô Lê Bằng cho biết: “Nếu quan tâm đo bằng tiền lương, các chế độ đãi ngộ thì thời điểm hiện tại cao hơn cách đây 15, 20 năm rất nhiều.

Các cầu thủ nữ, trừ một số địa phương khó khăn, ở một số đội nhất định, có thể sống bằng chính thu nhập, không khó khăn như thời kỳ đầu. Theo tôi được biết, các cầu thủ hài lòng với chế độ đãi ngộ từ các CLB chủ quản. Đó là sự khác biệt rất lớn”.

Theo ông Bằng, mọi so sánh đều khập khiễng nhưng thời điểm hiện tại, lương các cầu thủ nam ở giải hạng nhì chưa chắc bằng cầu thủ nữ. “Các tuyển thủ QG nữ có nhiều thu nhập khác giúp họ đủ trang trải cuộc sống”, ông Bằng nói.

 

KHOẢNG TRỐNG 63 TỈNH/THÀNH CHỈ CÓ 6 ĐỊA PHƯƠNG CÓ ĐỘI BÓNG NỮ CHUYÊN NGHIỆP

Năm 1998, giải bóng đá nữ VĐQG ra đời và là giải bóng đá quốc gia đầu tiên dành cho phái nữ ở Đông Nam Á. Thời điểm đó, có 6 địa phương góp mặt với 7 đội tham dự gồm Hà Nội (đội Hà Nội, Quận Ba Đình), Quảng Ninh (Than Việt Nam), Quảng Nam, Tiền Giang, Hà Tây và TP. HCM.

CLB Phong Phú Hà Nam trong lần đầu tham dự giải VĐQG vào năm 2001 tại sân vận động Hà Đông với độ tuổi trung bình 16,2. Ảnh: Phạm Hải Anh

Hơn 20 năm qua, giải bóng đá nữ VĐQG không có nhiều sự dịch chuyển về số lượng đội bóng. Ở giải VĐQG 2021, có 9 đội đăng ký tham dự nhưng chỉ có đúng 6 địa phương khi TP. HCM, Hà Nam, Hà Nội đều đăng ký hai đội.

Thế nhưng, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến giải đấu chỉ còn 5 đội khi TP. HCM, Hà Nam, Hà Nội đăng ký 1 đội và Sơn La rút lui. 

Trong số 63 tỉnh/thành trên cả nước, chỉ có đúng 6 địa phương có đội bóng nữ chuyên nghiệp gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Nam, Sơn La, Thái Nguyên và Tp. HCM. Đó là khoảng trống lớn cho sự phát triển mang tính đồng bộ của bóng đá nữ nước nhà.

Ông Võ Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Tĩnh nói: “Hiện tại Hà Tĩnh không có đội bóng đá nữ. Tỉnh không có chủ trương đầu tư nên chúng tôi không làm được”.

Trong khi đó, Phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Bình Phước, Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Kinh phí và điều kiện con người là hai yếu tố khiến Bình Phước không làm bóng đá nữ. Cả miền nam chỉ có Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư mảng này bởi làm bóng đá nữ khó phát triển. 

Chúng tôi tuyển cầu thủ nam đã khó huống gì tuyển nữ tìm đâu ra. Số lượng cầu thủ nữ chơi tốt ít lắm. Các điều kiện về con người, kinh phí, tương lai không đảm bảo nên không có ai chơi. Ngoài việc tổ chức Hội khỏe Phù Đổng còn đưa bóng đá nữ vào hệ thống thì không có nhiều đội làm.

Không chỉ Bình Phước, nhiều tỉnh/thành khác cũng chọn lọc do nguồn kinh phí có hạn, chủ trương không có. Chúng tôi có muốn làm cũng không làm nổi”.

Hoa khôi Ngọc Châm truyền cảm hứng cho các em gái Huế trong một lần thăm quan dự án Bóng đá Cộng đồng tại Việt Nam. Ảnh: Trần Khánh

Ông Lê Ngọc Tư, Tổng thư ký LĐBĐ tỉnh Thừa Thiên Huế: “Cách đây hơn 10 năm, chúng tôi có đề án thành lập đội bóng nữ nhưng sau đó do ngân sách hạn chế nên không thể duy trì. Đội ngũ HLV, cầu thủ tuyển chọn không được nhiều và sớm giải thể.

Để duy trì một đội bóng nữ chuyên nghiệp rất khó, nhất là trong bối cảnh phải dựa vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, chúng tôi đã và đang phát triển bóng đá phong trào”.

Ông Tư cho hay: “Liên đoàn bóng đá Thừa Thiên Huế kết hợp với dự án Bóng đá Cộng đồng tại Việt Nam (FFAV) được sự hỗ trợ của LĐBĐ Na Uy, hằng năm có các chương trình hỗ trợ các trường tiểu học, THCS, THPT, đại học toàn tỉnh để phát triển bóng đá nữ.

Các bên vẫn duy trì hệ thống bóng đá phong trào 5 người trong trường học. Ngoài ra, chúng tôi phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức sân chơi bóng đá 7 người cho nữ công nhân viên chức. 

LĐBĐ Thừa Thiên Huế và LĐBĐ Na Uy triển khai làm bóng đá cộng đồng theo kiểu 50-50, tức là nam nữ bình đẳng, đều được chơi bóng ở trường học. Chúng tôi có tiền đề trước đó và tạo sân chơi cho các em nữ ở các cấp học. Ngoài ra, các chương trình còn lồng ghép kỹ năng sống. 

Dự án đã phủ rộng 9 thành phố, huyện, thị xã của tỉnh với khoảng 150 CLB. Chúng tôi hỗ trợ bóng, chóp, áo bis, lưới,… Mạng lưới các trường học đều xây dựng CLB. 

Bên cạnh đó, chương trình Women Win hỗ trợ cho 50 CLB nữ phong trào ở Huế với kinh phí 3-5 triệu/CLB/năm, vừa chơi bóng và vừa hỗ trợ các hoạt động kỹ năng sống.

Từ đó, các cầu thủ tài năng xuất hiện. Hằng năm, VFF cử các chuyên gia, tuyển trạch viên vào làm việc với LĐBĐ Huế. Sau đó, chúng tôi gửi công văn đến các Phòng giáo dục và trường học để tuyển chọn.

Hoàng gia Na Uy thăm các chương trình của dự án Bóng đá Cộng đồng tại Việt Nam vào năm 2014. Một dự án chú trọng đến sân chơi bóng đá và các hoạt động kỹ năng sống cho các em gái và cũng là bệ phóng để nhiều em gái đến với bóng đá chuyên nghiệp. Ảnh: Trần Khánh

Hiện tại, có hàng chục cầu thủ gốc Huế đã và đang tập luyện tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF. Trong số đó, các em ở độ tuổi 18, 19 đã đầu quân cho các CLB Hà Nam, Than Khoảng sản Việt Nam hay Hà Nội.

Nếu tập trung hết quân mấy năm nay đào tạo ở Hà Nội thì Huế đủ đội đá chuyên nghiệp”, ông Tư nói. “Bóng đá nữ phong trào đang xã hội hóa mạnh. Tuy nhiên, để phát triển thành đội chuyên nghiệp thì rất khó”, Tổng thư ký LĐBĐ Thừa Thiên Huế trăn trở.

Chúng tôi cũng kêu gọi xã hội hóa nhưng khó lắm, đội nam còn khó huống gì đội nữ. Để đầu tư cho một đội U trong một năm, kinh phí có thể lên đến cả tỷ đồng; từ chế độ ăn uống, tập luyện, thi đấu, HLV,… Đội nam đá hạng Nhất một năm ngốn 10 tỷ đồng ngân sách”, ông Tư cho hay.

Huế chỉ là địa bàn để tuyển trạch trẻ chứ đầu tư xây dựng đội đá chuyên nghiệp rất khó. Chúng tôi xác định xây dựng sân chơi bóng đá cộng đồng chứ chưa thể hướng đến xây dựng các đội trẻ, đội dự chuyên nghiệp”, ông Tư nói.

 

CHỜ CÚ HÍCH LỚN VÀ SẴN SÀNG PHẤT CỜ NẾU ĐƯỢC... BẬT ĐÈN XANH

Những người làm bóng đá nữ trong cả nước kỳ vọng, tấm vé dự World Cup 2023 của đội tuyển nữ Việt Nam sẽ là bước đệm để cất cánh trong tương lai. “Đó có thể là bước đệm để lãnh đạo quan tâm, đầu tư nhiều hơn. Tiếp cận dần trình độ World Cup cũng là hiệu ứng để phát triển diện rộng”, HLV Đoàn Việt Triều của Thái Nguyên T&T nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ "Những cô gái kim cương" ngay sau khi đội đặt chân về đến Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải Anh 

Tuy vậy, ông Triều cho rằng: “Khó có thể phát triển ở các địa phương vì nuôi đội bóng nữ không có nhiều lợi ích, phúc lợi cho các doanh nghiệp. Bóng đá nữ không sinh lời. Cầu thủ nữ thu nhập vài triệu, cầu thủ nam lót tay cả tỷ, lương mấy chục triệu tháng, chỉ khi nào, cầu thủ có lót tay như bóng đá nam, bóng đá nữ mới đi lên được. 

Khi các chế độ, khoản tiền lớn đủ trang trải cuộc sống, tất yếu, các cầu thủ sẽ tập trung cao về chuyên môn. Hy vọng tấm vé dự World Cup 2023 là cú hích, hiệu ứng tốt để bóng đá nữ được quan tâm hơn, các cơ chế tốt hơn. 

Các cháu có thu nhập 20 triệu/tháng thì ổn định về tư tưởng. Đời cầu thủ nữ ngắn lắm còn tương lai sau này nữa. Hiện tại, lương công nhân lên đến cả mười mấy triệu/tháng”.

Ông Phạm Hải Anh, Giám đốc Trung tâm HLTĐ TDTT Hà Nam Phạm Hải Anh cho biết: “Tôi hy vọng, lãnh đạo các địa phương cũng như doanh nghiệp sẽ vào cuộc để nâng số đội lên 10-12 đội. Thái Lan đá hai hạng, có xuống và thăng hạng rồi. Giải VĐQG đá hai hạng mới có tính cạnh tranh cao và đội tuyển quốc gia có nhiều cơ hội tìm kiếm tài năng”.

Tuyển nữ Việt Nam ngập tràn trong "cơn mưa' tiền thưởng sau chiến tích trên đất Ấn Độ. Ảnh: VFF

Ông Ngô Lê Bằng, Phó chủ tịch LĐBĐ TP. HCM cho hay: “Số lượng quanh đi quẩn lại có 5 địa phương truyền thống, giờ chỉ có thêm 1 đội Sơn La. Phong trào như vậy là ít. Nhu cầu đá bóng ở các địa phương còn yếu, khó trách địa phương vì bóng đá như nhu cầu xã hội. Chúng ta đành hài lòng có chừng đó đội”.

Ông Bằng cho rằng, giống như futsal hay U20 Việt Nam tham dự World Cup, lứa Quang Hải đoạt thứ hạng cao ở đấu trường quốc tế, tấm vé dự World Cup 2023 sẽ là cú hích tích cực, lớn đối với bóng đá nữ. “Đó là ước mơ lâu năm rồi. Các em bé gái đang thích môn bóng đá hay đang chơi sẽ nhìn tấm gương của các chị. 

Từ khi futsal tham dự lần thứ nhất, có sự khác biệt về phong trào, nhiều người thích hơn và thử sức hơn. Tôi cũng đang làm futsal nên nắm khá rõ. Nhiều người chơi futsal chứ không còn lẫn lộn giữa futsal với bóng đá”, ông Bằng nói.

Nói về kế hoạch phát triển bóng đá nữ ở TP. HCM trong tương lai, ông Bằng cho hay: “Chúng tôi sẽ tổ chức các giải phong trào theo diện rộng với nhiều giải đấu khác nhau.

Đó là cơ sở để tuyển chọn cầu thủ. Các em ở quận, huyện đều có thể tham gia nhiều giải. Các nhân tố trẻ như thế sẽ giúp đội 1 có nhiều cơ hội tìm kiếm tài năng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng đào tạo các HLV có trình độ”.

Các cầu thủ nữ Việt Nam trở về sau ánh hào quang trong vòng vây của truyền thông và người hâm mộ. Ảnh: Việt Long

Là địa phương “trắng” bóng đá nữ, song nếu được tạo cơ hội, Bình Phước sẵn sàng chung tay vào sự phát triển của bóng đá nước nhà.

Đối với Bình Phước, vấn đề quan trọng vẫn ở chủ trương của tỉnh. Nếu tỉnh “bật đèn xanh”, có kinh phí thì chúng tôi sẵn sàng làm; làm cho chính địa phương và để phát triển phong trào chung trên cả nước”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Bình Phước.

Sự phát triển về chiều rộng của bóng đá nữ phụ thuộc vào quan điểm của các địa phương. Chúng tôi hy vọng các địa phương sẽ quan tâm hơn đến bóng đá nữ trong tương lai”, ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Việt Nam cho biết.

Trước tuyển nữ Việt Nam, hai nữ “cầu thủ” nhí từng tham dự World Cup 2018

Lê Thị Ngọc Ánh (2001) và Đoàn Thị Hường (2000) đều ở Thừa Thiên Huế là hai trong số 4 “cầu thủ” nhí đại diện cho Việt Nam tham dự sự kiện “Bóng đá hy vọng” tại World Cup 2018.

Đây là sự kiện được FIFA tổ chức bên lề giải bóng đá lớn nhất hành tinh. Ở World Cup 2018, lễ hội lần này có sự tham gia của 48 đoàn trên thế giới. Việt Nam vinh dự được FIFA mời tham dự. Đây là hoạt động chính thức ở World Cup 2018 nhằm tôn vinh giá trị thể thao trong việc tạo ra những chuyển biến cộng đồng.

Ánh - Hường từng dự sự kiện bên lề ở World Cup 2018. Ảnh: Trần Khánh

Đặc thù của lễ hội này là không đặt nặng tính thi đấu mà quan trọng là giao lưu, để các em đưa ra quyền quyết định. Các em trong cùng một đoàn không thi đấu chung một đội mà sẽ hòa với các đội khác để giao lưu và tăng tính đoàn kết.

Điều đặc biệt của lễ hội là các em sẽ tham gia với thể thức thi đấu theo luật bóng đá 3. Có ba vòng khác nhau: vòng 1, các em trong cùng đội bóng sẽ thống nhất với đội bạn thi đấu như thế nào; vòng 2, các em thi đấu, giao lưu với nhau; vòng 3: hai đội ngồi lại để tính điểm, đánh giá xem các tiêu chí thống nhất ở vòng thứ 1. Các em sẽ chấm điểm và cho kết quả với nhau.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm