Cú đạp, cái tát và đội tuyển Việt Nam

Nhà báo Hoàng Lâm (Song An)
chủ nhật 25-11-2018 20:09:49 +07:00 0 bình luận
Một nhóm thanh niên tung cú đạp vào nhân viên hàng không tại sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), một cô giáo ở Quảng Bình yêu cầu học sinh của mình tát hơn 200 cái vào mặt một học sinh vi phạm kỷ luật…

Một nhóm thanh niên tung cú đạp vào nhân viên hàng không tại sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), một cô giáo ở Quảng Bình yêu cầu học sinh của mình tát hơn 200 cái vào mặt một học sinh vi phạm kỷ luật…

Những câu chuyện được mạng xã hội chia sẻ tạo ra sự phẫn nộ. Thế nhưng, cuộc sống cũng có những hình ảnh khiến người ta tin vào những điều tốt đẹp: đó là hình ảnh các tuyển thủ Việt Nam chia sẻ với Văn Toàn - cầu thủ đang bị chấn thương, hoặc Công Phượng cõng Văn Toàn sau trận đấu với Campuchia ở sân Hàng Đẫy.

Có người bạn tôi nói đùa rằng Đại hội thể thao toàn quốc đang diễn ra cần có một môn thi đấu phụ, ấy là trận đấu giữa anh thanh niên đạp nhân viên hàng không ở Thọ Xuân với cô giáo ở Quảng Bình để phân tài cao thấp. Cuộc đấu, có thể nghiêng về cô giáo khi một tờ báo thống kê rằng 3 tháng làm giáo viên chủ nhiệm, cô giáo đã tặng các học trò… 900 cái tát.

Nói vậy cho vui thôi, dù với lý do gì thì ứng xử với nhau bằng cái đạp - cú đấm cũng được cho là sự thất bại của văn hóa và giáo dục. Giữa năm 2018 có con số đưa ra khiến nhiều người giật mình: mỗi năm có tới 2.000 vụ bạo lực đối với trẻ em, trong đó có 53% là bạo lực ở môi trường học đường.

Trẻ em tiếp xúc, chịu ảnh hưởng và bị tác động trực tiếp bởi bạo lực sẽ có xu hướng trở thành con người bạo lực khi trưởng thành. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ với xã hội.

Lâu nay, khi nói tới môi trường có xu hướng và nguy cơ bạo lực cao, người ta hay nói tới hai từ "bóng đá". Cá nhân tôi cũng đồng ý với điều này và từng gọi V.League là giải bóng đá có công nghệ 3D (đấm, đá, đạp). Cho đến tận V.League 2018 này, khi xem những đoạn clip về trường hợp cầu thủ Sầm Ngọc Đức của TPHCM vào chân Nguyễn Thế Hưng của Quảng Ninh ở vòng 20 thì tôi vẫn cho rằng bạo lực V.League chưa có thuốc chữa.

Sầm Ngọc Đức bị treo giò 8 trận và bị phạt 35 triệu đồng từ VFF nhưng cũng có chuyên gia am hiểu luật pháp nêu ý kiến rằng với những pha bóng nguy hiểm, cầu thủ tái phạm nhiều lần có thể áp dụng hình sự với tội danh gây thương tích cho người khác.

Và cái âm hưởng bạo lực bóng đá cũng đã xảy ra với bóng đá nữ khi những cô gái đá bóng lao vào nhau đòi ăn thua và sớm đưa trận đấu trở thành võ đài.

May mắn, bóng đá Việt còn có hình ảnh từ đội tuyển U.23, tuyển Việt Nam. Trong đội hình đội tuyển, cũng vẫn có những nhân vật từng bị phạt rất nặng vì lối đá thô bạo như Quế Ngọc Hải nhưng khi nhìn Hải thi đấu trong màu áo đội tuyển, có vẻ là con người khác: chắc chắn, quyết liệt nhưng không thể gọi là bạo lực.

Cú đạp, cái tát và đội tuyển Việt Nam - Ảnh 2.

Quế Ngọc Hải (áo đen) đã cư xử rất khác trong màu áo đội tuyển

Và hình ảnh những cầu thủ đội tuyển chia sẻ với Văn Toàn - cầu thủ chắc chắn phải nghỉ thi đấu hết AFF Cup 2018 vì chấn thương đã cho thấy: đội tuyển của ông Park Hang-seo đã tạo dựng được những hình ảnh đầy nhân văn.

Nó không chỉ là hình ảnh cào tuyết giúp Quang Hải ghi một bàn thắng tuyệt đẹp ở Thường Châu, nó không chỉ là hình ảnh Duy Mạnh cúi đầu trước lá cờ cắm trong tuyết trắng, hay hình ảnh Văn Quyết cùng đồng đội tiến đến khán đài B cảm ơn VĐV sau mỗi trận đấu ở ASIAD 2018…

Bóng đá không chỉ có thắng thua, mà nó còn mang lại những giá trị khác. 15 năm trước, một lãnh đạo VFF đã nói câu nổi tiếng: "Bóng đá Việt Nam thấp hơn mặt bằng xã hội". Nhưng với quá trình xây dựng những hình ảnh đẹp, đầy nhân văn, đội tuyển đã vượt lên nỗi ám ảnh bạo lực trong cuộc sống, vì thế, ở góc độ nào đó, bóng đá đã cao hơn.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm