Chuyện về gia đình 5 người con đá bóng ở Tây Nguyên nổi tiếng như bầu Đức

thứ tư 20-12-2017 9:46:14 +07:00 0 bình luận
Ở Gia Lai, không chỉ có bầu Đức, Công Phượng hay Xuân Trường mà ở đó, gia đình ông Trí, bà Mai với 5 người con đá bóng là niềm tự hào của núi rừng Tây Nguyên.

Ở Gia Lai, không chỉ có bầu Đức, Công Phượng hay Xuân Trường mà ở đó, gia đình ông Trí, bà Mai với 5 người con đá bóng là niềm tự hào của núi rừng Tây Nguyên.

Đến thôn 3, xã Hòa Phú, huyện Chư Păh (Gia Lai), hỏi gia đình có 5 anh em đi đá bóng chuyên nghiệp, một phụ nữ độ trung niên đang đi bộ ven Quốc lộ 14 nhanh nhẩu chỉ tay về phía trước: “Đó! Ngôi nhà màu trắng kia đó. Chù chòa, chú Trí, cô Mai đúng là giỏi thật. Nuôi con khổ cực cho tụi nó theo bóng đá suốt 20 năm trời, giờ mới cất được ngôi nhà khang trang thế kia”. Lời xuýt xoa đó càng khiến chúng tôi tò mò.

Quặn thắt vì trái bóng tròn

Vừa mới bước chân đến ngôi nhà là hình ảnh 4 anh em lực lưỡng đang hì hục sửa lại gian nhà gỗ bên cạnh. Vội gác công việc lại một bên, chúng tôi nhanh chóng ập vào những câu chuyện về bóng đá, về sự khổ hạnh và cả những niềm hạnh phúc vô bờ bến. 

5 anh em của cầu thủ Phan Đức Lễ chứng minh nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường. Ảnh: NVCC
5 anh em của cầu thủ Phan Đức Lễ chứng minh nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường. Ảnh: NVCC

Gia đình ông Phan Đức Trí thuộc diện kinh tế mới ở Gia Lai. Nhà có đến 7 anh chị em nên những năm sau giải phóng, ông Trí phải nghỉ làm thầy giáo vì đồng lương không đủ để trang trải cuộc sống gia đình.

Quanh năm cật lực “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” với núi rừng Tây Nguyên. Hễ ai kêu gì thì ông Trí, bà Mai đều làm nấy. Từ phụ hồ, bửa củi cho đến làm rẫy, có thu nhập là vợ chồng ông lại xắn tay vào làm. Cả gia đình có đến 9 miệng ăn nên dù lao động cật lực đến mấy thì gia đình ông đều phải chạy cơm từng bữa.

Thấy gia đình quá khó khăn, anh trai cả Phan Đức Vinh (1979) lúc này đang là trụ cột của đội hạng Nhì Kon Tum, tương lai vẫn ở phía trước buộc phải nghỉ giữa chừng, dừng lại đam mê để về phụ giúp ba mẹ nuôi các em khi mới 21 tuổi. Ấy thế, Vinh không một chút buồn lòng, hối hận gì cả vì anh nghĩ đó là trách nhiệm gia đình.

Nhìn cảnh con trai phải bỏ đam mê giữa chừng, ông Trí như quặn thắt ruột. Vốn đam mê mãnh liệt trong người nên ông Trí, bà Mai luôn ủng hộ các con khi chúng bày tỏ nguyện vọng của mình.

Đầu những năm 2000, khi cả 4 anh em trai còn lại đều đã lớn khôn, tất cả cùng thể hiện chung đam mê với trái bóng tròn. May mắn ở chỗ, ngay cạnh nhà có sân bóng rộng đến mức có thể vừa tổ chức cả sân 11 người lẫn sân 7 người. Cứ thế, mỗi người trong thôn góp một ít để mua trái bóng da. Một trái bóng vờn đi vờn lại cả năm trời, hỏng đi thì khoét ra mua ruột về nhét vào, bơm lên để đá tiếp. 

Ngôi nhà rộng khoảng 40m2 là nơi cư ngụ của gia đình 9 người suốt hơn 20 năm. Ảnh: Trần Khánh
Ngôi nhà rộng khoảng 40m2 là nơi cư ngụ của gia đình 9 người suốt hơn 20 năm. Ảnh: Trần Khánh

Chiều chiều, mỗi khi phụ giúp ba mẹ làm việc lặt vặt xong, 4 anh em cùng chúng bạn ở quanh làng xúm lại, đá đến khi không thấy bóng thì mới về. Cứ như thế, chiều nào cũng đông nghịt, phong trào bóng đá ở thôn 3 diễn ra như dòng nước của thác hồ thủy điện Yaly cuộn chảy.

“Nhà gần sân, cứ mắt mở ra là thấy sân bóng chính là lợi thế để nuôi đam mê, tự tạo đam mê, khởi nguồn cho 5 anh em”, người anh thứ nhì Phan Đức Thịnh tâm sự. Thế nhưng, năm 2005, sân bóng “biến” thành trường THCS Hòa Phú. Thế là, muốn đi đá thì phải lên sân của làng khác nhưng họ thích thì cho đá còn không thì “đuổi” về.  Phong trào cũng giảm đi rất nhiều nhưng mấy anh em vẫn tận dụng khoảng không nhỏ trước Nhà văn hóa thôn ngay cạnh nhà để chơi.

Bước ngoặt một lần nữa xảy đến với gia đình ông Trí. Năm 2001, Thịnh được một người bạn rủ đi thi tuyển U15 Năng khiếu Gia Lai. Đam mê cùng khả năng trước đó đã giúp Thịnh bén duyên với bóng đá chuyên nghiệp. Ngay trong năm đó, Thịnh cùng U15 Gia Lai tham dự giải U15 toàn quốc tại Hà Nội. Bỗng nhiên, từ sân làng, Thịnh “bay” ra sân Cột Cờ. “Cảm giác lần đầu tiên xỏ giày đá chuyên nghiệp sướng lắm, khó tả lắm”, Thịnh bồi hồi nhớ lại. 

Sân bóng của thôn đủ để chứa cả sân 7 và sân 11 nằm cạnh nhà là điều kiện lý tưởng để 5 người con ông Trí nuôi dưỡng đam mê. Ảnh: Trần Khánh
Sân bóng của thôn đủ để chứa cả sân 7 và sân 11 nằm cạnh nhà là điều kiện lý tưởng để 5 người con ông Trí nuôi dưỡng đam mê. Ảnh: Trần Khánh

Hai năm sau, cậu con trai thứ ba Phan Đức Lễ đỗ vào lớp Nhi Đồng Năng khiếu Gia Lai. Kinh tế gia đình khó khăn nên cùng một lúc, hai cậu con trai theo nghiệp bóng đá giúp gia đình đỡ đần miếng ăn rất nhiều nhưng thực tâm, Thịnh bày tỏ: “Hai anh em không đi cũng vậy mà có đi cũng vậy. Đó là niềm vui dành đến bố mẹ, tạo động lực gia đình và hy vọng sau này tương lai tốt đẹp hơn”.

Tương lai tốt đẹp sau đó đến với Thịnh như một lẽ tất yếu, trong những dự định mà gia đình đã nghĩ đến. Chàng trai sinh năm 1986 này có sự thăng tiến đáng kể và luôn là trụ côt của các đội U Gia Lai. Năm 2007, Thịnh cùng U21 Gia Lai đoạt HCB U21 Quốc gia và được cử làm đại diện của Việt Nam để tham dự U21 Quốc tế Cúp Nhà Vua Brunei.

ảnh quote“Nuôi con thì phải sống cùng đam mê của con. Vợ chồng tôi luôn ủng hộ hết mình, động viên tụi nó. Chỉ đến khi đứa nào không còn đam mê nữa, chúng tôi mới buông tay”, bà Mai trút bầu tâm sựanh quote

Tuy nhiên, cũng trong năm đó, trong thời kỳ đầu đội bóng được chuyển giao cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, những câu chuyện hậu trường khiến Thịnh không được trọng dụng. Và khi được GĐKT Nguyễn Văn Vinh trao cơ hội song sau khi vị chiến lược gia lão làng này nghỉ, Thịnh đã không còn điểm tựa. Từ đó, Thịnh bất mãn dẫn đến những hệ lụy xấu. Từ một cầu thủ giàu tiềm năng, cậu con trai thứ hai của ông Trí buộc phải giải nghệ sớm.

Đến bây giờ, Phan Đức Thịnh vẫn đau đáu: “Bóng đá mà, không ý thức được, bị đào thải là tất nhiên. Bây giờ chỉ trách bản thân, không trách HLV hay bất cứ ai cả. Nếu không như vậy thì bây giờ có thể đá được, tương lai đã đổi khác rồi. Nhìn trang lứa như Vũ Anh Tuấn, Khuất Hữu Long, Lê Hoàng Thiên chạy trên sân, thấy xem buồn trong lòng nhưng không bao giờ tủi thân cả vì đàn ông mà, sai lầm thì phải nhận”.

Quả ngọt sau 20 năm đá bóng

Năm 2007 xảy ra quá nhiều biến cố đối với gia đình ông Trí. Người con thứ 2 bất mãn phải bỏ bóng đá giữa chừng trong khi cậu thứ 3 Phan Đức Lễ cùng U15 Gia Lai đá vòng chung kết U15 toàn quốc xong thì vài tháng sau về nhà vì thời điểm đầu đội trẻ chưa bàn giao cho HAGL nên mọi thứ vẫn còn hết sức nhập nhằng.

Cũng vì thế, Lễ không thể tiếp tục gắn bó và về nhà trở lại với đèn sách. Quá hụt hẫng với những biến cố liên tục xảy, ông Trí cũng có lúc chán nản. Bóng đá đã không còn là “cần câu cơm” mà nó chỉ là niềm vui của gia đình. Thế nhưng, hai năm nghỉ đá bóng với Lễ như cực hình. Chàng trai sinh năm 1993 nhớ bóng đá đến nao lòng. 

Phan Đức Lễ là người con thi đấu ở hạng cao nhất của gia đình ông Trí. Ảnh: Phi Lê
Phan Đức Lễ (SHB Đà Nẵng) là người con thi đấu ở hạng cao nhất của gia đình ông Trí. Ảnh: Phi Lê

Lễ bạo dạn xin bố cho ra Đà Nẵng để thử việc vì đam mê vẫn còn rất nhiều và vì cơ chế tốt hơn, lại được học văn hóa. Hằng đêm, Lễ đều thủ thỉ thuyết phục bố và hứa sẽ không phạm phải sai lầm mà anh Thịnh đã vấp.

Thấy con quá đam mê như vậy, bà Mai thương lắm. Bà động viên chồng rồi cứ bảo dẫn đi thử việc xem sao. “Chỉ khi nào nó hết đam mê mình mới buông tay”, trong tâm khảm, lời của một người mẹ như đánh gục cả ông Trí. Thế là, hai bố con lại xách ba lô lên đường và đi. Lễ trúng tuyển vào lứa U17 của SHB Đà Nẵng.

Niềm đam mê của con như thôi thúc người bố. Với hai người con sau là Phan Đức Nhân (1995) và Phan Đức Trung (1996), ông Trí dẫn đi suốt nửa chiều dài đất nước từ Sài Gòn về đến Đà Nẵng rồi Huế. Trong khi Trung được Huế nhận vào U17 thì Nhân không thể vượt qua mọi đợt tuyển chọn. Định đi học nghề thì bất ngờ vào năm 2006, Nhân được đội hạng Nhì Kon Tum chọn và bén duyên với nghiệp quần đùi áo số khi đã 21 tuổi. 

Sau gần 20 năm đi đá bóng, cả 5 anh em tích cóp để xây nên ngôi nhà khá khang trang. Ảnh: Trần Khánh
Sau gần 20 năm đi đá bóng, cả 5 anh em tích cóp để xây nên ngôi nhà khá khang trang. Ảnh: Trần Khánh

Trong 5 anh em thì sự nghiệp của Phan Đức Lễ có những thành tựu đáng kể. Năm 2015, Phan Đức Lễ nằm trong đội hình tiêu biểu U21 QG tại Cần Thơ và góp mặt trong đội hình U21 tuyển chọn Việt Nam. Cũng trong năm đó, cầu thủ sinh năm 1993 này được đôn lên đội 1.

Từ đây, cuộc sống của gia đình mới dần khấm khá. Lên đội 1, đồng lương thay đổi đáng kể và Lễ có thể dành dụm để giúp gia đình nhiều hơn. Các anh em cũng đều trưởng thành nên mỗi người một ít phụ giúp ông Trí, bà Mai cất ngôi nhà mới khang trang sau gần 20 năm theo đuổi nghiệp bóng banh của gia đình.

“Con hết đam mê, bố mẹ mới buông tay”

Trong hành trình đi đến bước đường chuyên nghiệp của các con, bóng dáng của ông Trí, bà Mai luôn song hành. Vốn đam mê bóng đá nên khi các con bày tỏ ý nguyện theo đuổi, ông Trí sắm luôn vai trò “huấn luyện viên”.

Khi Phan Đức Thịnh có ý định đi tuyển sinh ở U15 Gia Lai, cứ mỗi buổi trưa, khoảng 2 giờ, ông lại “lôi” con trai ra khoảnh sân trước nhà để tập. Ông lấy gạch làm mắc cơ, hướng dẫn cho con đi các đường bóng cơ bản. Ông bắt con phải tập từ 2-3 tiếng. Gia Lai nắng như thiêu đốt nhưng không được phép nghỉ. Cách huấn luyện có phần giống quân đội khiến Thịnh đổ nước mắt trên “thao trường”.

Ông còn bắt con phải tâng bóng cho đúng với số lần mà ông yêu cầu. Không tâng đủ, ông bắt phải hít đất. Cứ thế, những đứa con sau này cũng phải trải qua quá trình “thiết quân luật” gắt gao đó.

Niềm đam mệ tột bật của đôi vợ chồng ở Chư Păh đến nỗi, ở VCK U19 QG năm 2004 diễn ra tại Quy Nhơn, mỗi khi U19 Gia Lai thi đấu, sáng sớm, ông Trí, bà Mai lại đèo nhau trên chiếc xe máy cà tàng chạy hơn 100 km để cỗ vũ cho con. Xong trận đấu, ông bà lại vội vã xác xe về quần quật với công việc đến 2-3 giờ sáng để có tiền tiếp lửa cho đam mê của con. Cứ thế, trong quãng thời gian đá giải ở Quy Nhơn, hai vợ chồng không bỏ sót trận đấu nào. 

Gia đình quyết định dành một góc của căn nhà để làm quán cafe vừa lưu giữ kỷ niệm, vừa tạo thêm thu nhập cho gia đình. Ảnh: Trần Khánh
Gia đình quyết định dành một góc của căn nhà để làm quán cafe vừa lưu giữ kỷ niệm, vừa tạo thêm thu nhập cho gia đình. Ảnh: Trần Khánh

“Nuôi con thì phải sống cùng đam mê của con. Vợ chồng tôi luôn ủng hộ hết mình, động viên tụi nó. Chỉ đến khi đứa nào không còn đam mê nữa, chúng tôi mới buông tay”, bà Mai trút bầu tâm sự.

Kể cả khi ngôi nhà đã được cất lên tử tế, khang trang thì cuộc sống của ông Trí, bà Mai vẫn không có nhiều thay đổi. Ông Trí vẫn miệt mài sang tận Campuchia kiếm sống, vài ba tháng mới về với vợ con một lần. Hỏi tại sao đã lớn tuổi, gia đình cũng có chút điều kiện mà không ở nhà vui vầy với vợ con, bà Mai đáp: “Ông bảo, được lao động là hạnh phúc lắm rồi. Đừng có tự mãn với những gì mình có”.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm