Câu chuyện xung đột sản phẩm quảng cáo của nhà tài trợ giữa VPF và HAGL vẫn đang rất nóng dù nút thắt đã được tháo gỡ. Bầu Đức tuyên bố kiện vì đơn vị tổ chức V.League 2023 độc quyền sản phẩm nhà tài trợ chính giải đấu. Trong khi đó, VPF có những lý lẽ để bảo vệ quan điểm đưa ra. Cả hai có thể "hẹn" gặp nhau ở tòa án.
Xung quanh vấn đề này, chuyên gia marketing Hoàng Hà, Cựu Giám đốc Marketing Yamaha Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Vietcontent Sports để độc giả có góc nhìn rõ hơn về độc quyền trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng.
Với góc độ của nhà tiếp thị tài trợ, ông nghĩ gì về xung đột sản phẩm nhà tài trợ giữa VPF và HAGL?
Chuyên gia Hoàng Hà: Việc xung đột này cũng không phải là hy hữu và diễn ra trong nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì lĩnh vực thể thao. Xung đột lần này là hồi chuông cảnh báo về sự bất cập của chính sách, quy chế đối với sự phát triển của thể thao nói chung và kinh tế thể thao nói riêng.
Từ góc độ nhà tài trợ, dù là nhà tài trợ của giải hay của CLB thì sự vụ lần này đang tạo ra hiệu ứng không tốt cho tất cả các bên liên quan cũng như các nhà tài trợ tiềm năng.
Theo tôi, các bên cần tuân thủ quy định đã đề ra và khi có các diễn biến phát sinh thì cần trao đổi để tìm giải pháp hài hoà, tránh ồn ào không đáng có. Sự cố lần này xuất phát từ phía CLB. Do vậy, họ nên chủ động tiếp cận theo hướng tích cực để không ảnh hưởng đến uy tín chung của giải, lợi ích của các CLB và nhà tài trợ.
Phía HAGL tuyên bố sẽ kiện VPF vì độc quyền quảng bá thương hiệu giải đấu và đề nghị VPF sửa điều lệ giải VĐQG. Quan điểm của ông như thế nào về độc quyền quảng bá thương hiệu trong thể thao?
Tôi không thấy vấn đề độc quyền ở đây vì chưa có dấu hiệu chỉ định tài trợ bởi trong bối cảnh kinh tế khó khăn sau đại dịch, việc tìm kiếm, duy trì được các nhà tài trợ là nhiệm vụ không đơn giản của VPF và các CLB.
Trong trường hợp có hơn một doanh nghiệp cùng ngành muốn tài trợ cho giải đấu mà VPF chủ quan lựa chọn 1 nhà tài trợ và hạn chế cơ hội của nhà tài trợ khác thì mới có thể bị xem xét là tạo lợi thế độc quyền. Việc chọn 1 nhà tài trợ trong một ngành để tránh xung đột quyền lợi là thông lệ từ lâu nay, không có gì bất thường.
Nếu 1 CLB đã ký với nhà tài trợ chính, sau đó VPF ký với 1 nhà tài trợ cùng ngành thì CLB sẽ phản ứng thế nào? và ai kiện ai? Việc bảo vệ và tránh xung đột lợi ích cho nhà tài trợ là trách nhiệm và uy tín của bên nhận tài trợ. Tôi không thấy cơ sở nào cho việc kiện như báo chí đã đưa về tuyên bố của CLB HAGL.
Vấn đề độc quyền quảng bá thương hiệu trong thể thao có lợi ích và tác hại gì đối với các bên, thưa ông?
Bản chất của các gói tài trợ là các gói sản phẩm do bên bán đóng gói để bán cho các bên mua "gọi là nhà tài trợ" và đổi lại là quyền lợi quảng bá thương hiệu, hoạt động thương mại trong không gian thuộc trách nhiệm và quyền khai thác của bên bán.
Độc quyền hay không độc quyền tuỳ vào chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu và số lượng người sẵn sàng mua. Các gói sản phẩm là do VPF chủ động và có toàn quyền quyết định để mang lại lợi ích tốt nhất cho VPF nói riêng và giải đấu nói chung mà trong đó có cả lợi ích của CLB.
Tuỳ vào uy tín và giá trị của thương hiệu V.League, VPF có quyền thiết kế ra các gói sản phẩm độc quyền và/hoặc không độc quyền, đi kèm các chính sách đảm bảo lợi ích của các bên tham gia. Khi VPF đã bán hết các gói sản phẩm thì họ không thể bán sản phẩm đã bán cho một bên khác nữa, chứ không nên hiểu là độc quyền.
Xét từ góc độ khách hàng, thì CLB là bên đóng vai trò trọng yếu trong việc cung cấp và duy trì chất lượng sản phẩm, từ đó tạo được lợi ích tối đa cho người mua bao gồm khán giả và nhà tài trợ. Do vậy các gói sản phẩm từ cấp độ giải đấu đến CLB cần được định hướng và có tính tương hỗ nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các CLB tìm kiếm nhà tài trợ, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, duy trì mối liên kết bền vững với đối tác và khách hàng.
Vậy, theo ông, bỏ độc quyền ở V.League sẽ giúp giải đấu thu hút nhiều nhà tài trợ và tạo ra sự cạnh tranh công bằng giữa nhà tổ chức giải đấu và các CLB?
Chúng ta đang hiểu lầm về khái niệm độc quyền. Nên hiểu là nhà tài trợ chính và nhà tài trợ phụ tuỳ theo các cấp độ và đặc tính gói sản phẩm. Trong bất kỳ bối cảnh nào việc bán các gói sản phẩm và đảm bảo quyền lợi cho bên mua, không để xung đột lợi ích là nhiệm vụ bắt buộc của bên bán, bao gồm cả VPF và CLB.
Theo tôi nên làm rõ khái niệm độc quyền, nhà tài trợ và phạm vi của các gói sản phẩm để tránh hiểu lầm và tranh cãi gây hoang mang dư luận.
Dưới góc độ nhà tiếp thị tài trợ, ông có thể đưa ra giải pháp để dung hòa lợi ích các bên trong việc khai thác giá trị tối đa với các nhà tài trợ?
Mục đích cuối cùng của VPF và CLB là nguồn tài chính và quyền lợi hài hoà cho các bên liên quan. Nếu VPF có nhà tài trợ mà CLB không có thì giải sẽ không thể diễn ra. Do vậy, các bên cần nhìn nhận rõ mục tiêu chung để cùng tìm ra được giải pháp dung hoà nhất, không nên xung đột vì sẽ chẳng bên nào có lợi.
Xung đột phát sinh từ lợi ích của các bên do vậy cần làm rõ đặc tính các gói sản phẩm, quy trình đấu giá sản phẩm "gọi tài trợ", cơ chế phân chia lợi ích giữa BTC và CLB, các quy định cập nhật theo tốc độ phát triển và trình độ của giải đấu.
Theo tôi, mô hình quản lí chỉ tiêu tài chính, chất lượng dịch vụ, phân chia lợi nhuận của Ngoại hạng Anh (EPL) và giải VĐQG Nhật Bản (J.League) là rất đáng tham khảo, để tạo được sự minh bạch, đồng thuận tối đa của các bên tham gia từ BTC, CLB và nhà tài trợ. Bên cạnh đó, VPF nên cân nhắc gỡ bỏ rào cản để có thể thu hút thêm các doanh nghiệp trong ngành Ngân Hàng và Viễn thông.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Xem video: "Giống tố" bủa vây HAGL trước thềm V.League 2023