Không thích thì tẩy chay. Thậm chí thấy người khác tẩy chay thì mình cũng… tẩy chay cho theo phong trào.
Đừng bao giờ nghi ngờ sức mạnh của tẩy chay. Nó là câu chuyện “một con ruồi đau khổ… tự tử trong chai nước ngọt” khiến cho bao nhiêu người liên lụy. Một tòa án được mở, cái án 7 năm tù cho người sở hữu chai nước có ruồi và hàng ngàn tỷ đồng thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất ra chai nước ấy. Phía sau câu chuyện này là một làn sóng tẩy chay các loại sản phẩm của hãng nước ngọt nọ.
Một cánh bướm đập cánh ở Brazil có thể tạo ra cơn bão ở bang Texas- đó là thuyết hỗn loạn nổi tiếng. Vậy thì một con ruồi chết, hoàn toàn có thể giết chết theo nó một thương hiệu được gây dựng hàng chục năm, doanh thu hàng chục ngàn tỷ, có hàng chục ngàn công nhân đang lao động.
Con ruồi không giết chết doanh nghiệp, mà chính là phong trào tẩy chay. Người ta có thể ghét, thậm chí căm thù cách hành xử của một doanh nghiệp nhưng việc “giết chết nó” theo cách tẩy chay, thì cần xem xét nhất là doanh nghiệp ấy là doanh nghiệp Việt, một thương hiệu Việt.
Rõ ràng là phá dễ hơn xây và đừng bao giờ coi thường những điều nhỏ nhặt nhất.
Bóng đá, cả Tây lẫn Ta cũng không thiếu những câu chuyện tẩy chay. Mới nhất, là câu chuyện Chelsea thời hậu Mourinho. Điều đáng nói, Mou lẽ ra là nạn nhân của một cuộc tẩy chay thì có vẻ ngược lại. Chính những học trò “phản bội” Mourinho đang bị phát giác và tẩy chay.
Virus tẩy chay cũng đã từng gây ra những cơn sóng trong lòng bóng đá Việt. Công Vinh từng bị tẩy chay sau tuyên bố giải nghệ với vụ “vái lạy” trọng tài cách đây mấy mùa giải, SLNA từng bị chính CĐV của mình tẩy chay khi thường xuyên thi đấu máu lửa tới mức bạo lực. Thậm chí, ông Miura cũng từng, hoặc đã bị một bộ phận NHM Việt tẩy chay khi không đưa được ra những điều mới mẻ với các Đội tuyển Việt Nam.
Nhưng những cuộc tẩy chay ấy thực tế cũng không mang lại hiệu quả bởi lẽ sự xáo trộn về tâm lý, hình thành nên sự yêu ghét của một bộ phận chỉ là nhất thời và những đối tượng bị tẩy chay đã cố gắng chứng minh đó không phải là bản chất của họ.
Nhiều người không ưa những pha bóng bạo lực và ghét nó như ghét ruồi. Nhưng điều ấy không có nghĩa bạn cần phải tẩy chay một cầu thủ vì đã gây ra sai lầm, hay cách hành xử không đúng của những nhà quản lý bóng đá.
Hãy là những người tiêu dùng thông thái, chứ không phải là những người tiêu dùng giận dữ. Hãy là những người hâm mộ bóng đá chứ đừng là những kẻ khi thích thì vỗ tay, lúc ghét thì… tẩy chay.