Trước khi VPF gửi phiếu xin ý kiến và đề nghị phản hồi chuyện “du học” tại Đức (và 1 nước gần Đức), kế hoạch này đã không nhận được sự đồng thuận từ VFF-Cổ đông lớn nhất tại VPF nắm giữ khoảng 35,4% vốn điều lệ.
Có rất nhiều lý do và cả những dấu hỏi liên quan đến những chuyến “du học” từ Nhật Bản, Hàn Quốc của VPF trong thời gian qua.
Còn với Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, ông đã không đồng thuận ngay khi VPF trình bản kế hoạch dự kiến kéo dài 9-10 ngày trong tháng 10 tại Đức, với sự góp mặt của khoảng 30 thành viên (6 người VFF, VPF; 24 người là Chủ tịch hoặc Giám đốc điều hành các CLB chuyên nghiệp).
Đó là những dấu hỏi về tài chính, tiếp thu và áp dụng từ kinh nghiệm tổ chức, quản lý và điều hành các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp tại Đức (và 1 nước gần Đức) vào môi trường bóng đá Việt Nam hiện tại.
Thậm chí, ngoài người đứng đầu VFF, thì ngay cả 1 lãnh đạo trong thường trực VFF cũng không đồng tình với kế hoạch đi “du học” tại trời Âu mà VPF đưa ra.
Với kế hoạch và quân số khoảng hơn 30 thành viên sang Đức (và 1 nước gần Đức) kéo dài khoảng 10 ngày, kinh phí tiêu tốn cũng lên tới hơn 4 tỷ đồng. Trong khi đó, dấu hỏi sau 10 ngày tham quan và học tập có giúp ích gì cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam vẫn chưa có lời giải cụ thể.
Bên cạnh đó, kinh phí đài thọ cho những chuyến “du học” tại Nhật Bản, Hàn Quốc và tới đây là Đức được khấu trừ vào khoản hỗ trợ tài chính hàng năm của VPF cho các CLB, dựa trên thứ hạng ở cuối mùa bóng 2016.
Trả lời báo chí hôm qua, Giám đốc điều hành FLC.Thanh Hoá ông Nguyễn Trọng Hoài cũng lên tiếng, việc đi học tập kinh nghiêm từ các nền bóng đá phát triển trên thế giới là cần thiết nhưng VPF không nên khấu trừ vào tiền hỗ trợ của các đội bóng.
“VPF nên tìm kiếm những nguồn hỗ trợ khác trong những chuyến đi học tập này, bởi tiền hỗ trợ là công sức lao động của tập thể 1 đội bóng trong cả 1 mùa giải”, ông Hoài nói.