Bầu Đức là người dùng bóng đá để kiếm tiền chứ không giống như nhiều ông bầu nhảy vào làm bóng đá, “rửa tiền” rồi giải tán hay “bỏ của chạy lấy người”.
Bởi vậy, cách tư duy, định hướng của ông vừa đề cao sự kiên định vừa chú trọng sự linh hoạt và dịch chuyển theo thời cuộc. Từ gian khổ đi lên, bầu Đức từng có lần chia sẻ, bí quyết làm giàu của ông là nỗ lực không ngừng và dám nghĩ khác mọi người.
Đổ tiền vào bóng đá từ năm 2001, ông chủ HA.GL cho thấy quyết tâm đã chơi thì phải chơi ra trò và thành công chứ không chấp nhận luẩn quẩn, làng nhàng. Trong lúc cả làng bóng đá Việt tôn sùng cầu thủ ngoại gốc Phi và Đông Âu thì bầu Đức tìm đến nguồn cầu thủ Thái Lan.
Khi ấy, Kiatisak là thương vụ đình đám nhất Đông Nam Á mà nhờ đó, bầu Đức bắn một mũi tên trúng nhiều đích. Công việc kinh doanh được quảng bá rầm rộ, hanh thông đủ đường và đặt nền móng cho sự vươn xa, còn HA.GL vừa lên hạng đã 2 lần lên đỉnh V.League.
Sau chu kỳ thành công với Kiatisak và các đồng đội người Thái, HA.GL từ chỗ là “ông lớn” dần tuột xuống vị trí một CLB tầm trung. Lúc ấy, cả nền bóng đá nội lao vào những cuộc chuyển nhượng tiền tỷ mà giá trị cầu thủ bị thổi như bong bóng xà phòng.
Bầu Đức không vung tiền vô tội vạ như nhiều ông chủ khác. Ông “liếc” ngay thấy mặt trái của đồng tiền và thế hệ những cầu thủ “càng nhiều tiền càng… mất dạy”. Ông gần như phó mặc cho đội bóng trượt dài, thỉnh thoảng mới có vài câu phát ngôn gây sốc, với chủ đích nhắc thiên hạ biết HA.GL vẫn tồn tại chứ chưa “chết”.
Đã có lúc người ta tưởng ông mệt mỏi vì kinh doanh mà cạn kiệt đam mê bóng đá. Không, đam mê thì không thể hết hay mất đi. Nó chỉ được “di dời” từ đội lớn HA.GL sang Học viện HA.GL Arsenal JMG, nơi có những đứa trẻ tài năng được gửi gắm rất nhiều hoài bão và hy vọng của ông bầu phố Núi.
Ông Đức đã từng chặt hàng chục ha cao su sắp đến vụ thu hoạch để xây Học viện và dồn vào đó rất nhiều tiền bạc, tâm huyết, với mục tiêu “xuất khẩu” những sản phẩm hợp tác của mình với Arsenal và trung tâm JMG sang châu Âu. Cách làm bóng đá trẻ của ông không giống cách làm truyền thống của SLNA hay cách làm đối phó của nhiều CLB khác. Nó xác định đầu ra như một sự đột phá ở tầm châu lục.
Dĩ nhiên, không dễ để các cầu thủ trẻ Việt Nam với sự hạn chế về tố chất di truyền, xuất phát ở một nền bóng đá ở vùng trũng thế giới, thực hiện được giấc mơ xa vời đó. Khi Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều, Văn Toàn…, những hạt giống xuất sắc nhất của lứa đầu, lần lượt được đi tập huấn “chào hàng” khắp nơi trong đó có cả chuyến sang Arsenal “chấm trình” rồi được… trả về, có lẽ bầu Đức đã hiểu công cuộc “Âu hoá” của mình không khả thi.
Đào tạo để bán nhưng ra trường thì không bán được và không thấy hướng cho đầu ra, ngay lập tức bầu Đức chuyển hướng, đưa cả lứa cầu thủ trẻ chăm bẵm suốt 7 năm lên đá V.League và xác định mục tiêu sát thực hơn: Vô địch SEA Games. Cú “bẻ lái” này của bầu Đức dù có phần ép “tụi nhỏ” của ông chín sớm và phải chịu thua thiệt ở sân chơi “người lớn” nhưng nó đã giúp ông giải được bài toán hình ảnh, uy tín và quyền lực một cách thuyết phục.
Các cầu thủ măng sữa của HA.GL từ khi được bầu Đức cho “lộ sáng” trong màu áo U.19 VN đã liên tục tạo ra những hiệu ứng tích cực, đặc biệt ở nửa sau năm 2014. Nó là ngôi sao hy vọng trong cái nền ảm đạm với thất bại của ĐTQG tại AFF Cup và những vụ bê bối bán độ ở V.League.
Khi lên V.League 2015, HA.GL cũng trở thành tâm điểm của giải đấu, khi mang lại bầu không khí mới và kéo khán giả đến khắp các sân. Từ U.19 đến V.League, họ tạo ra một thế hệ khán giả mới, đánh thức đam mê của những khán giả cũ và dù càng đá càng đuối về cuối chặng đường trường rồi lộ ra rất nhiều vấn đề, đám trẻ nhà bầu Đức vẫn là cái gì đó khác biệt, đáng để xem.
Bầu Đức có phần tự tin thái quá về Công Phượng và đồng đội nhưng ông không mù quáng. Ông nhìn rất rõ những đứa trẻ của mình hạn chế ở đâu, gặp khó khăn gì và nguy cơ thui chột ra sao nếu còn tiếp tục sống cùng V.League, ở môi trường BĐVN. Thế nên, ngay từ khi mùa giải chưa kết thúc, bầu Đức đã tìm đường ra cho những tài năng mà ông nghĩ rằng cần được bảo vệ và nâng cấp, nếu muốn làm được điều gì đó trong tương lai.
Công Phượng sang Mito Hollyhock, Tuấn Anh sang Yokohama. Dù chỉ là những CLB hạng 2 của Nhật, bầu Đức vẫn coi đó là môi trường tốt để gửi “gà nòi” đi du học. Cuộc “di dân” khôn khéo và có chủ đích của ông bầu này vẫn chưa kết thúc, khi mới đây là Xuân Trường được cho mượn sang Hàn Quốc, trong khi Hồng Duy cùng vài gương mặt khác cũng đang ở chế độ chờ.
Có thể thấy, những con tính của bầu Đức lúc thành, lúc bại nhưng ông biết tính xa và dù khó, ông cũng “xoay” ra giải pháp và lợi ích. Đó là cơ sở để ông cho “nổ tung” cuộc họp BCH VFF, giành quyền cầm lái hướng đến SEA Games 2017 một cách chóng vánh và quyết liệt trước sự cam chịu của phần còn lại.
Bầu Đức làm bóng đá có thành công, có thất bại nhưng điều quan trọng và khác biệt là trong mọi vấn đề, ông luôn đi trước phần còn lại một bước, phòng khi gặp khó khăn thì nhanh chóng “xoay bài” để ra giải pháp…