Dù vẫn là giải U dành cho cầu thủ trẻ nhưng đó là sân chơi mang tầm vóc châu lục, dành cho những cầu thủ ở tuổi trưởng thành. Và với việc vượt qua vòng loại để có mặt ở VCK U.23 châu Á, gần như là lần đầu tiên trong lịch sử BĐVN ở một giải đấu châu lục, đó là chiến công của thầy trò HLV Miura. Có thể với cách làm, quan điểm bóng đá và sự khác biệt, không phải ai cũng tin vào thành công hay khả năng làm được một điều gì đó của U.23 VN trên đất Qatar nhưng với những gì đã làm được và thể hiện, với “phong cách Miura” mang đặc trưng của con người, văn hoá Nhật Bản, tại sao lại không chờ đợi những bất ngờ ở giải đấu ra quân của BĐVN trong năm 2016?
BĐVN cần thay đổi thực trạng và thay đổi đó phải bắt đầu từ chính VFF, cơ quan đầu não của cả nền bóng đá. VFF cần một “cuộc cách mạng”, với một lãnh đạo mới với tư duy, cách làm và dám hành động với sự đột phá để trước tiên giúp chính bộ máy lãnh đạo “đoàn kết và đoàn kết cao” chứ không thể vẫn “loạn” để rồi dẫn đến tình trạng “thượng bất chính, hạ tắc loạn”.
Khoảng 1 thập kỷ gần đây, năm nào các ĐT trẻ Việt Nam cũng giành vé dự VCK châu lục. Tuy nhiên, chưa lần nào đại diện của BĐVN vượt qua vòng bảng. Thế nên, đó sẽ là thách thức với U.16 VN và U.19 VN, những đội bóng trẻ đã giành vé tham dự VCK châu Á, với mục tiêu “lần đầu tiên” để có thêm một cú hích cho công tác đào tạo trẻ đang rất cần được đầu tư, phát triển hơn nữa.
Sau những thất bại, 2 đại diện của BĐVN là B.Bình Dương và HN.T&T đều có sự đầu tư, quyết tâm lớn với sân chơi châu lục. Không còn thoả mãn với “ao làng”, muốn “bơi ra biển lớn” và chứng tỏ mình ở sân chơi lớn AFC Champions League.