Chàng thư sinh chơi bóng
Xuất thân từ một gia đình có truyền thống hiếu học, Hồ Ngọc Luận vốn không có ý định đi theo nghiệp quần đùi áo số. Tuy nhiên đam mê đã thôi thúc cầu thủ sinh năm 1986 duy trì cả việc học văn hóa lẫn việc tập luyện tại đội trẻ Huế. Khẳng định được chuyên môn trong màu áo Huế tại các giải trẻ, dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp của trung vệ này là thời gian khoác áo ĐT U.18 Việt Nam năm 2004. Đó cũng là thời điểm Hồ Ngọc Luận bắt đầu bước chân vào giảng đường Đại học. Năm ấy, Luận quyết định theo học hệ vừa học vừa làm trường ĐH Luật - ĐH Huế, đồng thời chính thức ký hợp đồng chuyên nghiệp thi đấu tại đội 1 Huế.
Khoảng thời gian vừa đi học, vừa chơi bóng quả là những thử thách thực sự đối với Hồ Ngọc Luận. Thời điểm đó, sinh viên phải đi học vào tất cả các buổi tối trong tuần và không thể học từ xa như hiện nay. Rất may, bằng nỗ lực phi thường của bản thân, chàng thư sinh này được lãnh đạo CLB tạo điều kiện tối đa để vừa có thể luyện tập thi đấu, vừa đảm bảo học hành. Nếu không, chuyện “đứt gánh giữa đường” là điều hoàn toàn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Với mức lương 6 triệu/ tháng tại Huế, chỉ vừa đủ để anh trang trải việc sinh hoạt, học hành. Năm 2009, trung vệ người Huế cầm trên tay tấm bằng cử nhân Luật sau 5 năm chơi bóng chuyên nghiệp và học hành vất vả. Đó như là một tài sản vô giá với bất kỳ cầu thủ bóng đá nào không riêng gì Ngọc Luận.
Và rồi như một cơ duyên, Ngọc Luận được SLNA chiêu mộ sau khi chi tay đội bóng quê hương. Cầu thủ người Huế này chính là trường hợp đặc biệt tại đội bóng xứ Nghệ không trưởng thành từ lò đào tạo SLNA. Mặc dù vậy, với tính cách hiền lành đậm chất Huế, cùng lối chơi điềm đạm nhưng cũng không thiếu phần quyết liệt, Ngọc Luận được các CĐV, đồng đội nơi đây xem anh như một thành viên trong gia đình. Chính vì vậy mà trong 2 mùa khoác áo SLNA, 29 lần HLV Nguyễn Hữu Thắng đã tin tưởng giao nhiệm vụ cho Ngọc Luận đá cặp với Nguyễn Hoàng Helio hoặc Sơn Hà mỗi khi đội trưởng Huy Hoàng không thể ra sân.
“Địa ngục” và vinh quang
Những ngày tháng được khoác áo SLNA, cũng là khoảng thời gian đẹp nhất trong ký ức của cử nhân ngành Luật. Ngay trong năm đầu chung “chiến hào” với những Văn Quyến, Trọng Hoàng, tại V.League 2011, Ngọc Luận có mơ cũng không giảm nghĩ đến việc mình sẽ được sống trong cảm giác lên đỉnh vinh quang với người hâm mộ xứ Nghệ dù không trưởng thành tại SLNA. Một chức vô địch V.League (2011), một chức vô địch siêu Cup QG (2011) và những danh hiệu khác là hành trang không nhỏ cho một cầu thủ vốn không nổi tiếng như Ngọc Luận.
Trước khi về Đồng Nai năm 2015, Ngọc Luận được HAGL chiêu mộ nhờ năng lực được khẳng định tại SLNA. Và rồi thời điểm khoác áo Đồng Nai cũng là những ngày tháng đáng quên với trung vệ sinh năm 1986. Các đồng đội dính vào vụ án bán độ, suốt một thời gian dài lênh đênh khi Đồng Nai xuống hạng và trước nguy cơ giải thể, Ngọc Luận chỉ còn 2 sự lựa chọn. Một là quay về sân Tự Do khi khát khao vẫn còn, hoặc phải nghĩ đến chuyện sớm giải nghệ.
Khi một cánh cửa này khép lại, đồng nghĩa với một cánh cửa mới sẽ mở ra… Ngọc Luận hồi hương khi trong lòng vẫn còn nhiều duyên nợ với bóng đá. Thời gian dài cân nhắc trong thời điểm Huế không còn mặn mà, Ngọc Luận đi đến quyết định giải nghệ và quyết tâm tìm kiếm một công việc ổn định. Sau chừng ấy năm thi đấu xa nhà, giờ là thời điểm Ngọc Luận phải nghĩ đến gia đình, nghĩ đến vợ và con gái. Với tấm bằng “cử nhân Luật”, hiện tại anh đang chờ quyết định chính thức từ một cơ quan tại TP Huế để tiếp tục lao động, đồng thời có thời gian gần gũi bên gia đình.
Một thời gian ngắn nữa thôi, người ta sẽ thấy Hồ Ngọc Luận trong một cương vị mới, với cuộc sống bình lặng giống như bao nhiêu người đàn ông khác. Chỉ học thôi, vốn đã khó. Mà vừa đèn sách, vừa thi đấu đỉnh cao quả là không phải chuyện dễ dàng. Chặng đường 11 năm không phải là quá dài, nhưng cũng nhà cách vô địch V.League 2011 khẳng định ý chí phi thường của bản thân khiến người ta phải khâm phục.
Hồ Ngọc Luận có lẽ là cầu thủ đầu tiên của Việt Nam vừa chơi bóng chuyên nghiệp vừa theo học Đại học một lĩnh vực ngoài thể thao. Đa số các cầu thủ khi còn thi đấu hoặc giải nghệ đều đầu tư vào lĩnh vực TDTT nói chung để theo nghiệp cầm quân.