Chấn thương dây chằng từ lâu đã được xem là nỗi ám ảnh của hầu hết các cầu thủ. Đây là một tai nạn điển hình thường gặp trong bóng đá mà không thể nào tránh được. Ở cấp độ ĐTQG, đã có đến 9 cầu thủ của lứa U23 Việt nam trên đất Thường Châu gặp chấn thương dây chằng trong vòng 2 năm qua.
Mới đây nhất, Duy Mạnh bất ngờ gặp phải chấn thương nặng trong trận Siêu cúp QG 2019 giữa CLB TP.HCM và Hà Nội FC. Sau khi được kiểm tra và chụp chiếu MRI, kết quả ban đầu xác định hậu vệ sinh năm 1996 bị đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước, buộc phải nghỉ thi đấu dài hạn. Theo đó, CLB Hà Nội sẽ tiến hành làm thủ tục đưa Duy Mạnh ra nước ngoài để phẫu thuật.
Chỉ hai ngày sau, tại Hà Lan, Đoàn Văn Hậu cũng dính chấn thương đầu gối khi cùng Jong Heerenveen thi đấu với Jong Willem II. Hậu vệ sinh năm 1999 này được chẩn đoán ban đầu là dính chấn thương khá nặng.
Trước đó, cái tên đầu tiên phải kể đến là hậu vệ Vũ Văn Thanh. Cầu thủ thuộc biên chế HAGL gặp phải chấn thương dây chằng mức độ nặng ngay trước thềm tập trung AFF Cup 2018. Ngay sau đó, anh đã được đưa sang Hàn Quốc để phẫu thuật và luyện tập hồi phục.
Tiếp đến là Văn Toàn, một cầu thủ khác của đội bóng phố Núi. Tiền đạo quê Hải Dương cũng gặp vấn đề tương tự trước trận gặp Campuchia tại AFF Cup 2018. May mắn thay, anh chỉ bị giãn dây chằng chéo ở mức độ nhẹ và không mất nhiều thời gian để hồi phục hoàn toàn chấn thương.
Trường hợp gây nhiều tiếc nuối nhất có lẽ là tiền vệ Phan Văn Đức. Cầu thủ xứ Nghệ gặp chấn thương ngoài ý muốn trong thời điểm SLNA chuẩn bị cho giai đoạn 2 V.League 2019. Anh được chẩn đoán đứt dây chằng chéo đầu gối và sau đó được tiến hành phẫu thuật tại Singapore. Văn Đức dành phần lớn thời gian của mình ở mùa giải 2019 để điều trị và tập hồi phục cùng bác sĩ Choi Ju Young tại trung tâm PVF.
Đồng đội của anh ở SLNA là Phạm Xuân Mạnh cũng không tránh khỏi tai nạn này. Tuy nhiên, hậu vệ sinh năm 1996 bình phục sớm hơn và kịp góp mặt trong danh sách triệu tập của HLV Park Hang Seo tại vòng loại World Cup 2022.
Còn với Đình Trọng, chấn thương dây chằng có thể là nỗi ám ảnh lớn nhất trong sự nghiệp quần đùi áo số trung vệ này. Trong trận đấu với Thanh Hóa tại V.League 2019 hồi tháng 6 vừa qua, Đình Trọng bất ngờ gặp chấn thương nghiệm trọng buộc anh phải rời sân bằng cán.
Ngay sau đó, trung vệ thuộc biên chế Hà Nội FC được chẩn đoán đứt dây chằng chéo trước và dập dây chằng bên mác, cũng phải phẩu thuật tại Singapore cùng thời điểm với Phan Văn Đức. Đến thời điểm U23 Việt Nam tham dự VCK U23 châu Á 2020, Đình Trọng đã có thể trở lại thi đấu sau hơn 6 tháng điều trị và hồi phục.
Lương Xuân Trường cũng là cầu thủ không thể tránh khỏi tai nạn liên quan đến dây chằng. Trong một buổi luyện tập trước thềm vòng loại World Cup 2022, tiền vệ người Tuyên Quang gặp chấn thương nặng dù không va chạm với ai. Sau đó, anh cũng phải nói lời chia tay ĐT Việt Nam và phải nghỉ thi đấu dài hạn khi bị đứt bán phần dây chằng chéo trước đầu gối phải. Đến thời điểm hiện tại, Xuân Trường chỉ vừa trở về sau đợt điều trị tại Hàn Quốc.
Cuối cùng là trường hợp của Nguyễn Trọng Đại. Tiền vệ CLB Viettel gặp chấn thương trong trận đấu giao hữu của U22 Việt Nam với U22 Trung Quốc trước thềm SEA Games 30. Tuy nhiên, đây lại là chấn thương tái phát bởi trước đó anh đã từng có tiền sử về vấn đề dây chằng từ thời U19.
Mẫu số chung của các cầu thủ gặp chấn thương là việc phải thi đấu quá nhiều trong màu áo CLB lẫn ĐTQG. Từ đây, bài toán cần đặt ra đó là vấn đề dinh dưỡng, chế độ và giáo án luyện tập thể lực phù hợp để tránh những chấn thương đáng tiếc xảy ra.