Một cây kim có thể khiến cả ngành nông nghiệp bị khủng hoảng. Chuyện tưởng khó tin nhưng có thật ở nước Australia và đáng buồn thay nó liên quan đến ý thức tệ hại của một Việt kiều.
Câu chuyện được báo chí Australia dẫn ra thế này: Ngày 12.11, My Ut Trinh, một phụ nữ gốc Việt 50 tuổi đang làm việc tại trang trại ở bang Queensland, Australia, bị tòa án địa phương buộc tội cố ý nhét kim vào dâu tây. Nữ Việt kiều đang đối diện với án tù tối đa lên tới 10 năm như cái giá phải trả cho cuộc "khủng hoảng dâu tây" chưa từng có tại Australia. Thậm chí người ta coi đây là một vụ "khủng bố thực phẩm".
Theo kết quả điều tra sơ bộ, Trinh đã nhét kim vào dâu tây trong khoảng thời gian từ ngày 2.9 đến 6.9. Sau khi người này bị bắt, các công tố viên không loại trừ khả năng Trinh hành động với mục đích trả thù vì bất mãn với cách bị đối xử tại nơi làm việc. Báo chí Australia cho hay, Trinh từng nói rằng muốn những người chủ của mình bị phá sản và "dìm họ xuống bùn".
Kết quả là vì mấy cây kim nhỏ bé đã tạo ra cuộc khủng hoảng khiến Australia thiệt hại nửa tỷ đô la Australia (AUD) khi giá bán sỉ dâu tây rớt xuống một nửa. Hàng tấn dâu tây bị bán phá giá và thậm chí phải đổ bỏ.
Văn Toàn và "Sát thủ" Malaysia nói gì trước màn đại chiến tại Mỹ Đình?
Nghe như là "hiệu ứng cánh bướm" với thuyết "một cánh bướm vỗ ở Brazil có thể tạo ra cơn bão ở bang Texas - Mỹ". Thuyết này còn có tên gọi khác là thuyết "hỗn loạn". Đúng là hỗn loạn thật khi mà con người ta chỉ vì những suy nghĩ tầm thường, đầy màu sắc cá nhân với ý đồ tạo ra một cuộc trả thù có thể tạo ra cuộc khủng hoảng không dễ cứu vãn.
Phải nói nhiều về việc này bởi tôi biết rằng đã có hẳn một mưu đồ mang pháo sáng vào sân Mỹ Đình của một nhóm cổ động viên và mục đích của họ chỉ là để "dìm VFF xuống bùn" - một cách trả thù vì cho rằng VFF đã không công tâm trong quá trình bán vé trận bóng đá Việt Nam - Malaysia.
Hình ảnh này vẫn thường xuyên tái diễn trong bóng đá Việt Nam
Những kẻ ấy, có lẽ cũng hèn hạ không kém bà nông dân 50 tuổi ở Australia cố tình nhét cây kim vào những quả dâu tây thơm phức. Ở đây, họ muốn nhét những quả pháo sáng vào một trận cầu được chờ đợi.
Một hình thức phá hoại không hơn không kém cho dù nhóm người này cố khoác lên mình thứ gọi là "tình yêu bóng đá".
Ai cũng biết nếu pháo sáng xuất hiện trên sân thì VFF sẽ là đối tượng bị AFF hoặc AFC phạt tiền. Nặng hơn, đội tuyển có thể phải thi đấu ở sân không có khản giả để đảm bảo an toàn.
Làm gì có thứ tình yêu nào mà dẫn đến nguy cơ khiến VFF phải mất tiền phạt? Làm gì có thứ tình yêu nào dẫn đến nguy cơ đội tuyển Việt Nam phải thi đấu ở sân không khán giả?
Không thể tìm cái đúng bằng hai cái sai. Mà trong trường hợp này, về nguyên tắc, VFF không sai bởi họ có quyền điều phối các kênh bán vé. Chỉ sai khi cách điều phối ấy tạo ra lợi ích riêng cho một nhóm người.
Tất nhiên, VFF sẽ tăng cường tối đa an ninh. Chẳng hạn như thêm một hàng rào an ninh để kiểm tra trước cửa khán đài được thiết lập và trên khán đài sẽ có bộ phận ghi hình, theo dõi để ngăn chặn, bắt giữ những CĐV quá khích có ý định đốt pháo sáng…
Nhưng đó chỉ là phần ngọn, cái cần thay đổi là ý thức để có thái độ văn minh khi xem bóng đá. Tự hủy hoại hình ảnh của mình, hủy hoại bóng đá nếu cứ cố tình thủ những cây kim để đầu độc mọi thứ, với tư tưởng "trả thù", nhất là với những môn thể thao đề cao tinh thần cao thượng, chơi đẹp như bóng đá.
Loại ngay pháo sáng cùng những tư tưởng thù hận bởi thể thao là để cuộc sống tốt đẹp hơn.