Đi bộ 24km mỗi ngày là chuyện nhỏ
Nằm ở thành phố Tam Kỳ nhưng gia đình Long thuộc dạng khó khăn nhất vùng. Cái ăn, cái mặc đã túm lấy cậu bé nhỏ nhắn này từ thuở lọt lòng. Mới lên 3, Long đã phải theo bố mẹ lênh đênh cùng con nước dữ để kiếm con cá, con tép sống qua ngày. Lớn lên một chút, cậu bé sinh năm 1996 này làm đủ việc để phụ giúp gia đình. Từ chăn trâu, bắt cá, kiếm củi đến ra đồng… Long đều làm hết.
Gánh nặng mưu sinh từ bé nhưng với cậu bé này, đam mê bóng đá chảy trong huyết quản nên cứ chiều chiều, sau khi lùa trâu về, Long lại “lùa” đám bạn trong xóm ra quần nhau với trái bóng. “Ông nội, ông ngoại từng là cầu thủ của thành phố còn tôi thì đá bóng trong quân đội khi còn ở Sư đoàn 2, Quân khu V. Ước nguyện của chúng tôi là trở thành cầu thủ chuyên nghiệp nhưng rồi nó chỉ là ước mơ thôi. Có lẽ vì thế mà cháu mê bóng đá đến điên cuồng”, ông Phan Văn Thêm, bố của Long chia sẻ.
Đam mê là vậy nhưng với Long, một trái bóng nhựa để chơi là món quà xa xỉ. Long được bố lấy bao nilong, quấn thêm rơm vào thành trái bóng. Thế là tụi nhỏ cứ thế mà quần thảo đến khi mặt trời lặn hẳn mới chịu về.
Thừa hưởng gen di truyền từ ông nội, bố cùng thói quen chơi bóng từ nhỏ, khả năng của Long phát tiết lúc nào không hay. “Cứ tham dự giải các cấp là cháu lại đem thành tích về cho đội nhà. Cứ hàng năm, cháu lại tăng cấp từ trường, xã, thành phố rồi lên đội năng khiếu của tỉnh…”, ông Thêm kể mà không giấu tự hào.
Thế nhưng càng dành nhiều thành tích thì thử thách, khó khăn cũng tăng lên khi quãng đường từ nhà đến nơi tập luyện ngày càng xa. “Thấy thằng bé nhỏ nhắn mà ngày ngày cứ cuốc bộ 24km đi đi về về vừa tập luyện vừa đi học vì nhà nghèo, không có xe đạp, tôi đau lắm. Thế mà cháu không rên rỉ, than khổ một lời. Cháu mê bóng đá thế nhưng lại không bỏ bê chuyện học hành, mấy năm liền năm nào cũng là học sinh khá giỏi khiến người cha như tôi thấy có lỗi lắm”, ông Thêm nói mà như tự trách mình.
Học giỏi, đá bóng hay lại hiền tính, ngoan nên năm lên 11 tuổi, Long được một Mạnh Thường Quân ngỏ ý muốn nhận nuôi, đưa ra nước ngoài học tập. Đúng thời điểm này, tài năng của Long được phát huy khi thi đấu thành công trong màu áo Quảng Nam ở giải U.11 toàn quốc. Long được cả HA.GL lẫn SHB.Đà Nẵng ngỏ ý muốn đưa về. Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời đó, bố con Long nhiều đêm đắn đo suy nghĩ. Sau khi nhận được cam kết sẽ học hành đến nơi đến chốn nếu theo nghiệp quần đùi áo số, Long đã chọn bến đỗ mới là trở thành cầu thủ của SHB.Đà Nẵng.
Dệt nên giấc mơ
Gia nhập lớp năng khiếu của SHB.Đà Nẵng, Long thực hiện một nửa ước mơ của ông nội, ông ngoại lẫn của bố. Và bài học về chuyện theo đuổi ước mơ đến cùng luôn văng vẳng bên tai cậu bé này.
“Coi như chúng tôi sinh không đúng thời nên mọi kỳ vọng đều đặt lên vai nó. Lúc nhỏ, tôi cùng ông nội hay chỉ dạy cháu còn khi cháu gia nhập SHB.Đà Nẵng rồi, gia đình chỉ biết động viên, khuyên nhủ cố gắng. Cũng may là chịu khổ từ nhỏ nên cháu không hề có tư tưởng chán nản mà luôn quyết tâm phấn đấu, mỗi khi gặp khó”, ông Thêm chia sẻ.
Gia đình còn khó khăn, cho dù khoảng cách từ Đà Nẵng về Tam Kỳ không quá xa nhưng đó lại là quãng đường dài đằng đẵng với cậu bé này. Với khoản phụ cấp không nhiều, Long luôn chắt bóp chi tiêu để dành dụm, trước là có tiền đi xe về, sau thì phụ giúp ba mẹ phần nào.
“Cháu còn nhỏ nhưng suy nghĩ chín chắn lắm. Thấy gia cảnh khó khăn, cháu luôn thấy mủi lòng và muốn lấy bóng đá để thay đổi cái nghèo, cái đói đã bám riết tuổi thơ. Mỗi lần về nhà thấy căn nhà tuềnh toàng là cháu lại tiếp thêm động lực và hứa với tôi “con sẽ lấy bóng đá để xây lại ngôi nhà cho khang trang, lúc đó con mới dám dẫn bạn bè về chơi”, người đàn ông đã ngoài 50 rơm rớm nước mắt khi kể lại quyết tâm của cậu con trai.
Động lực thay đổi số phận, muốn hoàn thành tâm nguyện của gia đình để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, Long lao vào tập luyện với thái độ cầu tiến. Dần dần, tiền đạo này trở thành hạt nhân trong các đội bóng trẻ của đội bóng sông Hàn. Đến năm 2014, Phan Văn Long được triệu tập lên U.19 VN cùng lứa với Công Phượng, Tuấn Anh… thỏa lòng mong ước của gia đình. Chỉ 1 năm sau, HLV Lê Huỳnh Đức đã đôn cầu thủ này lên đội 1. Và giấc mơ hằng mong đợi gần nửa thập kỷ của gia đình cuối cùng cũng được Long dệt nên.
Giấc mơ đó được vun đắp qua ngày tháng. Sau những phút léo sáng trong màu áo U19 Việt Nam, Phan Văn Long rơi vào ngưỡng cửa “khoác chiếc áo quá rộng”. “Phan Văn Long thiếu sự tự tin để giải quyết tình huống cuối cùng”. Mỗi lần nhắc đến học trò, HLV Lê Huỳnh Đức luôn chỉ ra nhược điểm của tiền đạo quê Quảng Nam. Và sau 5 năm, anh mới tìm lại chính mình bằng việc thi đấu ổn định trong màu áo SHB Đà Nẵng.
Tấm vé lên Tuyển lần đầu thời HLV Park Hang Seo minh chứng cho nỗ lực của tiền đạo này. Anh dệt nên giấc mơ đẹp mà những thế hệ trước hằng mong ước.
Sau gần 7 năm đi đá bóng, năm 2015, Long đã thỏa nguyện ước nguyện khi giành dụm chút tiền phụ giúp bố mẹ cất lại ngôi nhà khang trang và có thể đón đồng đội, bạn bè về chơi.
Khi đang tập trung cùng U.17 SHB.ĐN chuẩn bị cho VCK U.17 toàn quốc năm 2013, ông nội của Long qua đời và tiền đạo này chỉ có thể lén trở về nhà nhìn mặt ông lần cuối mà không thể ở lại đưa tang. Tại giải đấu năm đó, Phan Văn Long đã giành giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất và đó là món quà ý nghĩa mà cầu thủ này dâng lên người ông đáng kính.