Cầu thủ cắn lưỡi suýt chết như sao trẻ U23 Việt Nam: Hiểm họa rình rập giới “quần đùi, áo số”

Vân Vân
thứ tư 8-5-2019 8:54:00 +07:00 0 bình luận
Không chỉ sao trẻ U23 Việt Nam mà rất nhiều cầu thủ từng là nạn nhân của cắn lưỡi. Đây là hiểm họa rình rập với giới “quân đùi, áo số”.

Ở vòng 8 V.League 2019, Bình Dương tiếp Hà Nội. Trong một pha va chạm với tiền đạo Pape Omar, Nguyễn Hùng Thiện Đức ngã xuống. Ngay lập tức, trọng tài Ngô Duy Lân và Thành Lương ập tới để tiến hành sơ cứu nếu không cầu thủ của Bình Dương đã cắn lưỡi, gây hậu quả khôn lường.

Cầu thủ từng được gọi tập trung cùng U23 Việt Nam được xác định thái dương bị lõm, anh cần thời gian để hồi phục. Trong thế giới bóng đá, chấn thương va chạm mạnh rồi bị cắn lưỡi rất hay xảy ra. Đây là loại chấn thương nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu không sơ cứu kịp thời.

Ở King’s Cup 2018, hậu vệ Martin Skrtel (Slovakia) lĩnh trọn cú tạt bóng của Chanathip Songkrasin (Thái Lan). Vì bị động, lực đi của đường bóng căng nên cựu cầu thủ Liverpool đổ gục xuống sân, rơi vào tình trạng cắn lưỡi trong vô thức. Nhờ có sự can thiệp kịp thời của đồng đội trên sân và sự chăm sóc của đội ngũ y tế nên cầu thủ 33 tuổi đã may mắn thoát khỏi.

Ở La Liga 2016/2017, phút 85, trong trận đấu tối 2/3 giữa chủ nhà Deportivo La Coruna và Atletico Madrid, Fernando Torres nhảy lên tranh bóng với một hậu vệ đối phương và dính chấn thương ở đầu. Tiền đạo này bất tỉnh nhân sự và được Gabi dùng tay kéo lưỡi để tránh nguy cơ tử vong. 

Trước đó, ở trận chung kết Carling Cup 2007 với Tottenham, John Terry cũng cắn vào lưỡi sau khi lĩnh trọn cú đá trúng mặt của Diaby bên phía Arsenal. Rất may thủ quân của Chelsea đã hồi tỉnh khi nhận được sự chăm sóc đúng lúc.

Cầu thủ cắn lưỡi suýt chết như sao trẻ U23 Việt Nam: Hiểm họa rình rập giới “quần đùi, áo số”
Giới "quần đùi, áo số" rất dễ rơi vào tình huống này.

Trước đó, năm 2006, thủ môn Petr Cech đã dính chấn thương hộp sọ sau khi bị Stenphen Hunt (Reading) vào bóng bằng đầu gối. Từ đó, cựu cầu thủ Chelsea phỉa mang mũ bảo vệ trên đầu.

Ở Việt Nam, không chỉ Thiện Đức rơi vào trạng thái cắn lưỡi mà trước đó, Hà Minh Tuấn cũng rơi vào tình cảnh nguy cấp này. Phút 84 trong trận Hà Nội và Quảng Nam ở V.League 2017, Hà Minh Tuấn đã va chạm một lúc với 3 cầu thủ đối phương rồi ngã xuống nằm bất động. Lúc này, người anh co giật cho thấy thần kinh bị ảnh hưởng.

Thấy đồng nghiệp rơi vào tình cảnh nguy hiểm, Duy Mạnh nhanh trí đưa tay vào họng rồi kéo lưỡi tiền đạo này. Dạng chấn thương cắn lưỡi rất nguy hiểm trong bóng đá bởi các cầu thủ thường xuyên va chạm mạnh.

Khi một cầu thủ có biểu hiện này, nguyên tắc xử trí cơ bản nhất là lập tức phải khai thông đường thở nạn nhân bằng cách cho nằm nghiêng, tránh cho khối cơ lưỡi tụt ra phía sau, nhất là với người đang có rối loạn ý thức. 

Có thể ngáng miệng nạn nhân bằng những vật dụng mềm như băng gạc, vải..., tránh dùng thìa hay đồng xu dễ gây tổn thương răng, hàm...

Không dùng ngón tay đưa vào trong miệng người đang lên cơn co giật để cố định lưỡi vì lực cắn của nạn nhân rất mạnh, có thể gây nguy hiểm cho người sơ cứu. Khi sơ cứu, không nên hô hấp nhân tạo bởi người bệnh dễ bị sặc. Không đưa đồ ăn, thức uống cho nạn nhân, không giữ chặt miệng và không cho bất kỳ thứ gì vào trong miệng người bệnh. 

Trong các tình huống va chạm mạnh, cần lưu ý đến chấn thương cột sống cổ ở nạn nhân. Nếu không có chuyên môn, xử lý không khéo có thể khiến tình trạng nặng hơn. Người sơ cứu cần phải bảo vệ và nẹp cố định cột sống cổ người bệnh, hoặc sử dụng vật dụng y tế để bảo vệ tính mạng cho người bệnh.
 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm