Trong một bài đăng trên Webthethao.vn cách đây không lâu khi VFF nhiệm kỳ này chuẩn bị phân công nhiệm vụ cho những lãnh đạo chủ chốt, chúng tôi đã đặt vấn đề rằng với những bê bối cần làm rõ đối với khu Mỹ Đình và cá nhân ông Cấn Văn Nghĩa trong vai trò là nguyên giám đốc khu LHTTQG, thì cần tạm thời chưa phân công nhiệm vụ.
Bởi lẽ, nếu cơ quan chức năng xác định rõ ông Nghĩa có trách nhiệm về những sai phạm trên thì VFF phải trả lời câu hỏi rằng ông Nghĩa có xứng đáng là lãnh đạo VFF hay không khi mà người phụ trách về tài chính lại bê bối bởi tài chính.
Ngược lại, nếu ông Nghĩa không liên quan thì cũng cần có những công bố công khai.
Báo Thanh Niên đưa câu hỏi trong bài viết liên quan như sau:
“Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cũng đề nghị giám đốc khu liên hợp chỉ đạo các bộ phận liên quan thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kiến nghị của kiểm toán nhà nước và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ VH-TT-DL để tổng hợp báo cáo KTNN trước ngày 30.6.2019.
Hiện tại, khu liên hợp chưa có giám đốc mới sau khi ông Cấn Văn Nghĩa về hưu tháng 9.2018 (Phó giám đốc phụ trách khu liên hợp lúc này là ông Nguyễn Việt Tiến). Tất cả những vấn đề tồn đọng được chỉ rõ trong kết luận của KTNN, được thực thi trong thời gian ông Nghĩa vẫn còn tại vị. Do đó, không ai khác, ông Nghĩa phải là người chịu trách nhiệm chính trong những tồn tại này. Câu hỏi được đặt ra ở đây là, ngành thể thao có mạnh mẽ và quyết liệt thực hiện theo đúng kiến nghị của KTNN trong kiểm điểm cá nhân, tổ chức có liên quan hay không.
Ông Nghĩa hiện đang giữ chức Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN phụ trách tài chính, tài trợ. Nếu cho rằng ông Nghĩa “đã về hưu” mà Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT xuê xoa, “đánh trống bỏ dùi”, cho chìm xuồng vụ bê bối có tính hệ thống này thì liệu có nghiêm minh?”.
Đây là những câu hỏi không chỉ dành cho lãnh đạo Bộ VH-TT-DL mà còn với cá nhân Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải trong cả hai vai là Chủ tịch VFF và Thứ trưởng Bộ VHTTDL.
Xin nhớ cho, bóng đá có khái niệm “phạt nguội”, tức là mức phạt có thể được xem xét sau khi trận đấu kết thúc thông qua các bằng chứng.
Gần hơn, bóng đá hiện đại còn có công nghệ VAR để xem lại và xác định lại tình huống.
Những sai phạm của Khu LHTTQG dù trong quá khứ (và ông Nghĩa đã về hưu) thì những thông tin từ Kiểm toán nhà nước có thể gọi là một trong những bằng chứng để VFF áp dụng hình thức phạt nguội.
Cũng cần phải nhắc lại quan điểm của Đảng, Chính phủ đang được nhân dân ủng hộ là xử lý cán bộ không có vùng cấm, xuử lý cả những cán bộ đã nghỉ hưu. Nghĩa là không có khái niệm “hạ cánh an toàn” đối với cán bộ sai phạm.
VFF không thể là nơi ông Nghĩa hạ cánh an toàn nếu có sai phạm.
Việc này cũng liên quan đến vấn đề thời sự đang được bàn thảo nhiều, đó là Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ - Công chức và Luật Viên chức. Một trong những điểm mới trong lần sửa đổi này là những quy định liên quan đến việc xử lý kỷ luật CB-CC-VC đã nghỉ hưu có vi phạm khi còn đương chức. Theo đó, các trường hợp này vẫn bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc truy tố theo quy định.
Ông Cấn Văn Nghĩa không thể là ngoại lệ. Câu hỏi với Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải về trường hợp ông Cấn Văn Nghĩa là có dám làm một cách mạnh mẽ, công tâm, khách quan để lấy lại niềm tin cho người hâm mộ hay không? Câu hỏi ấy cần sớm có trả lời.