“Họ dường như không quan tâm tới những điều tôi nói. Không chỉ mình tôi mà cả đội bóng bị đối xử bất công. Khi chúng tôi thua, họ đòi tôi phải từ chức. Khi hòa, họ cũng đòi vậy. Kể cả khi thắng họ cũng phàn nàn. Như thế là quá đủ, tốt nhất là không nói gì nữa”.
“Tôi và đội bóng cần sự tôn trọng nhưng có được đâu nên ngược lại chúng tôi sẽ không tôn trọng báo chí…”.
Đây chính là những phát biểu gay gắt của ông Calisto cách đây đúng 8 năm, sau chuỗi 11 trận không biết thắng của ĐTVN trước thềm AFF Cup 2008. Kết quả, đó chính là AFF thành công nhất của BĐVN, lần đầu tiên vô địch.
3 năm sau, ông nói trước khi tuyên bố từ chức và rời Việt Nam: “Tôi không cảm thấy sự tôn trọng và hạnh phúc khi làm việc ở đây nữa. Tôi sẽ không trách cánh phóng viên, bởi tôi biết họ làm việc theo sự định hướng của cấp trên, và tất nhiên những lời chỉ trích sẽ giúp các tờ báo bán chạy, hơn là những lời khen ngợi dành cho ai đó…”.
Vấn đề của báo chí Việt Nam với các HLV luôn ở những thái cực đối nghịch. Ghét - chưa chắc đã dở, yêu nhau quá có khi lại thành hại nhau.
Ông Riedl từng rất bực mình khi các phóng viên ở cùng khách sạn với cầu thủ hồi SEA Games 2005.
Ông Miura với cung cách của người Nhật và của một HLV chuyên nghiệp biết cách hạn chế với báo chí. Thậm chí, nhiều thời điểm và tình huống ông còn “bế quan tỏa cảng” báo chí bằng việc muốn hỏi gì thì qua email hoặc mỗi tuần chỉ phỏng vấn một lần.
Vấn đề với các HLV nội phức tạp hơn. Khi HLV Phan Thanh Hùng dẫn dắt đội tuyển. Cánh phóng viên mừng rỡ. Ông Hùng tính hiền lành, chẳng khác gì một ông anh. Và báo chí, bằng sự cảm tính và quen biết trước đó, không thể biến thành một kênh phản biện. Thất bại của ông Phan Thanh Hùng ở ĐTQG, nói một cách chính xác là có sự ưu ái thái quá của báo chí - cho dù điều ấy không xấu. Rồi câu chuyện Hoàng Văn Phúc, một ông thầy nội khác mà giống ông Hùng, thứ khiến ông bị ám ảnh nhất lại là quan hệ với truyền thông do không biết cách từ chối và giữ khoảng cách.
Bây giờ là HLV Hữu Thắng, người được trao trọng trách với bản hợp đồng 2 năm với mục tiêu vào CK AFF Cup, vô địch SEA Games và vào VCK U.23 châu Á.
Có cả một rừng những ngôn từ đẹp đẽ, tung hô Hữu Thắng. Người ta nhìn ông thầy này ở góc độ đẹp nhất có thể và mặc cho anh những bộ quần áo ngôn ngữ đẹp chưa từng thấy. Thậm chí, tôi chắc là ai đó thậm chí còn nghĩ rằng Kiatisak và bóng đá Thái Lan “run sợ” khi biết Hữu Thắng làm HLV trưởng ĐTVN.
Tôi cố gắng tìm những ý tứ phản biện để cảnh báo về những vấn đề của đội tuyển. Tôi cố gắng tìm những bài báo phân tích hạn chế và điều chưa được của Hữu Thắng, khi anh làm HLV HN T&T và SLNA. Rất ít.
Và ở trong lễ ký kết hợp đồng, Hữu Thắng ngập trong những lời chúc tụng, thậm chí tâng bốc.
Hãy để Hữu Thắng làm việc, hoặc giữ đúng vai trò thông tin của mình.
Xin đừng một lần nữa lại “lạm phát” lời tâng bốc, tặng khen!