Mới đây công ty nghiên cứu TNS vừa đưa ra một khảo sát, qua đó cho biết mức chi tiêu trung bình của người tiêu dùng Việt Nam trong suốt dịp Tết là 643 USD, tương đương 14,2 triệu VNĐ.
Giật mình bởi nếu đây là con số chính xác thì chúng ta tiêu hoang quá, nói như các cụ xưa là “kiếm của 3 năm để đốt vài ngày Tết”. Nên nhớ GDP bình quân đầu người Việt Nam chỉ xấp xỉ 1.500USD/năm.
Nhưng cũng một con số khác được đưa ra ngày hôm qua lại cho kết quả trái ngược. Rằng người Việt Nam tiết kiệm số 1 thế giới. Công ty Nielsen Việt Nam đưa ra nhận xét: Việt Nam vẫn giữ vị trí quốc gia tiết kiệm nhất thế giới với 79% người tiêu dùng khẳng định sẽ tiết kiệm, tiếp đến là Indonesia, Philippines và Singapore…
Tưởng là nghịch lý nhưng thật ra là khá bình thường vì chuyện chi tiêu tùy thuộc vào từng hoàn cảnh. Lúc cần tiêu vẫn tiêu, lúc cần tiết kiệm vẫn phải tiết kiệm.
Thực chất, chuyện tiết kiệm không phải là việc anh giảm mua và cố gắng “bỏ ống” mà là hiệu quả trong từng đồng tiền ở mức cao nhất.
Nói chuyện tiết kiệm và tiêu hoang thì rõ nhất là bóng đá Việt. Ở mặt bằng V.League đã có giai đoạn thị trường chuyển nhượng bát nháo, giá trị cầu thủ bị đẩy lên ở mức không tưởng, thậm chí vượt qua cả mặt bằng ĐNÁ song giá trị thực sự của giải đấu vẫn dừng lại ở mức khiêm tốn: Khán giả ít quan tâm, chất lượng giải không cao, những khoản đầu tư khổng lồ, tương đương 3-4 triệu USD/năm ở mỗi CLB lại không mang lại giá trị thiết thực nào…
Nghĩa là khi bóng đá Việt không biết cách làm kinh tế thì một đồng bỏ ra cũng là lãng phí.
Nó cũng là câu chuyện sử dụng thầy nội và ngoại. Dù đặt ra cả tá tiêu chí khi chọn thầy thì ưu tiên của bóng đá Việt vẫn là một công thức rất… thịt chó: “ngon, bổ, rẻ”. Ngon ở đây là người có trình độ, bổ ở đây là phù hợp với BĐVN và rẻ là mức lương vừa phải.
Hầu hết các HLV đều theo tiêu chí này, đặc biệt là ông Miura với nguồn hỗ trợ từ phía Nhật Bản.
Song hãy nhìn lại, khoản lương chi cho Miura gần 2 năm qua so với những gì ông thầy Nhật mang lại là tiết kiệm hay tiêu hoang? Tùy vào góc nhìn của mỗi người nhưng rõ ràng so với kỳ vọng của NHM thì triều đại Miura mang dáng dấp một thất bại.
HLV Hữu Thắng lên thay với những xôn xao về khoản lương 200 triệu/tháng. VFF lập tức lên tiếng phủ nhận bởi đời nào họ trả cho HLV nội một cái giá quá đắt như thế?
Cho đến nay thì mức lương của Hữu Thắng chưa được tiết lộ, dù có thông tin cho rằng chỉ 80 triệu/tháng. Thế nhưng vấn đề không nằm ở lương tháng mà là những gì HLV Hữu Thắng mang đến, có thể làm được.
Thước đo tiêu hoang hay tiết kiệm là thành tích cụ thể của đội tuyển chứ không nằm ở khoản lương cho các ông thầy.