Một bác sĩ ở Phú Thọ khi khám cho bệnh nhân đã gác chân lên giường. Có lẽ là vô ý và lập tức bị cộng đồng mạng “ném đá” rào rào.
Kết quả là bác sĩ ấy phải từ nhiệm. Nhưng cũng là cộng đồng mạng, lại đang tìm cách chứng minh vị bác sĩ kia không đáng bị trừng phạt vì đến… Tổng thống Mỹ Obama cũng thỉnh thoảng gác chân lên bàn.
Đôi khi, sự hùng hổ của đám đông đáng sợ thật. Sự hùng hổ ấy khiến một bé gái 15 tuổi phải uống thuốc trừ cỏ tự tử sau khi bạn trai tung clip ái ân lên mạng xã hội.
Ai cũng biết việc của bác sĩ là khám bệnh, chữa bệnh chứ không phải uốn éo trình diễn như người mẫu. Nếu động tác gác chân ấy có thể khiến bệnh nhân tử vong thì đáng lên án nhưng đằng này, đôi khi là một thói quen vô thức, vô hại cho dù nó trông cũng hơi… chướng mắt.
Nhiều người trong chúng ta đầy định kiến, nóng nảy và quá nhạy cảm. Thật ra, khi chỉ trích ai đó trên mạng xã hội là chúng ta đang hèn nhát, muốn thể hiện cái tôi mà chẳng muốn chịu trách nhiệm gì.
Cái gác chân của vị bác sĩ làm tôi nhớ đến câu chuyện mà một lãnh đạo VFF kể cho báo chí về việc một tuyển thủ U.23 VN gác chân “hỏi chuyện” cách đây đúng 10 năm ở Bacolod – Philippines. Đó là khi lãnh đạo VFF đến thăm đội trước một trận đấu quan trọng, cầu thủ này gác chân lên bàn rồi hỏi, đại ý là “nếu thắng thì tiền thưởng thế nào?”.
Chuyện qua lời kể lại và tính đúng sai còn phải bàn, khi ở SEA Games 24, thậm chí có tuyển thủ khi nghe chuyện đã từng đòi “nói chuyện phải quấy” vì thông tin không đúng sự thật, được đưa ra theo cách có chủ ý và ác ý.
Đôi khi chỉ là cái gác chân, kể cả nếu có, nhưng trong trường hợp ấy thì cầu thủ kia bị ngay gọi là “thái độ”, lập tức bị đưa vào danh sách định kiến. Cái gác chân ấy chẳng liên quan gì tới câu chuyện bán độ sau này nhưng người ta cứ gán ghép vào để rồi chính cầu thủ ấy, khi hết hạn kỷ luật gần như “treo chân”, không thể trở lại thi đấu được nữa.
Đồng nghiệp của tôi, nhà báo Trương Anh Ngọc có viết thế này: “Nhưng bức xúc lớn hơn là quan hệ giữa chúng ta với nhau, những người không còn tin nhau nữa, và đang nghi ngờ tất thảy, nghi ngờ cả những điều tốt đẹp, trong một xã hội xô bồ và xù lông nhím bằng cách lên mặt đạo đức. Mối quan hệ ấy đang bị hủy hoại. Và sự hủy hoại đó diễn ra nhanh hơn là nhờ sự kết nối qua các mạng xã hội, khi các mạng ấy cho con người ta một sức mạnh vô song bằng ngôn ngữ và hình ảnh mà ngoài đời, các cá nhân tội nghiệp ấy không thể nào có nổi. Một cách vô tình và lâu dần thành quen, thành cố ý, họ cứ thế giẫm lên nhau mà sống cả ảo lẫn thật, trong khi cứ vỗ ngực bảo, dân trí của chúng tôi giờ thực sự là cao…”
BĐVN đang ở giai đoạn nhạy cảm, đôi khi khiến người ta hoang mang giữa khen chê, giữa đúng sai, giữa thật và không thật. Không chỉ còn là cái gác chân của một cầu thủ mà đang là cái gác chân của một hệ thống, của một nền bóng đá.
Vì thế, nên thận trọng để không rơi vào tình cảnh dìm người ta thật sâu, rồi hò nhau kéo người ta lên chỉ đơn giản là vì một “cái gác chân”.
SONG AN