Ngày 20/11, có câu chuyện tiếu lâm cứ phải nhắc lại. Chuyện là thế này:
Trong lớp học giờ đạo đức, thầy giáo đang giảng về công ơn của thầy cô. Thầy giáo hỏi cả lớp: “Các em hãy cho thầy biết một câu tục ngữ về người thầy”.
Lớp im lặng, thầy giáo thấy vậy bèn gợi ý: “Câu này có 2 chữ “mày” và “nên”. Cả lớp vẫn không ai nói câu nào, thầy nhăn mặt gợi ý tiếp: “ Còn có 2 chữ nữa “không” và “đố”. Lớp tiếp tục im lặng. Thầy giáo điên tiết: “Câu này có 6 chữ, có cả 2 chữ “thầy” và “làm”. Đây là câu gì?
Cuối lớp có một cánh tay rụt rè giơ lên: “Thưa thầy, câu này là … làm thầy mày không nên đố”. Riêng câu nổi tiếng “Không thầy đố mày làm nên” này có nhiều phiên bản. Chẳng hạn: Không mày đố thầy…dạy ai?, hoặc “Không mày đố thầy dạy… thêm”.
Hôm qua, có người bạn chia sẻ về câu chuyện con gái chuẩn bị quà cho cô giáo nhân ngày 20/11 cũng nắn nót viết vào tấm thiếp chúc mừng: “Học thầy không tày học bạn”. May mà phụ huynh kịp phi tang, khi biết con không hiểu.
Trong thể thao, các thế hệ HLV cũng được coi là những nhà giáo. Họ không dạy chữ nhưng dạy nghề, truyền thụ bằng kiến thức, kinh nghiệm cho các VĐV.
Trong bóng đá, HLV cũng được gọi là thầy. Thậm chí kính cẩn, có người được phong làm giáo sư như ông Wenger bên Anh. Tuy vậy, mỗi ông HLV một cách, hiển nhiên không phải ông nào cũng chuẩn chỉnh.
Một dạo, làng bóng đá ngơ ngác khi có ông HLV dạy học trò là “coi quả bóng như cục xương, mình như… con chó, phải cố mà giành lấy”. Ý chỉ là thi đấu tích cực nhưng cách ví von như thế khiến học trò cứ gọi là rụt cổ rùa.
Rồi bầu Đức, từng có một triết lý bóng đá để đời: “Không cần HLV, chỉ cần cầu thủ giỏi là đá được”. Phát biểu kiểu này thì các HLV khóc thét.
BĐVN qua không dưới đời 10 thầy ngoại, đủ các quốc tịch từ Brazil, Áo, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, Nhật… đủ cả. Mỗi một ông thầy mang đến một thứ triết lý bóng đá, gắn với đặc trưng từ quê hương ông thầy ấy.
Nó không chỉ là câu chuyện chuyên môn mà con là tư duy bóng đá, tư duy về lối sống và trách nhiệm đối với nghề nghiệp và cuộc sống. Nhiều thế hệ cầu thủ bóng đá Việt vẫn nhắc đến ông Calisto như một người thầy đúng nghĩa.
Còn Toshiya Miura thì sao? Ông Miura đến Việt Nam trong bối cảnh được kỳ vọng nhất và thực tế ít nhiều, triết lý của Miura cũng đã được triển khai. Song có cảm giác như những gì Miura mang lại với thực tế bóng đá Việt vẫn còn khoảng cách. Nó giống như câu chuyện một giáo sư Đại học đang phải dạy học sinh cấp 2.
Có những lúc ông Miura khiến người ta nghi ngờ, đặt câu hỏi: Phải chăng HLV liên tục giấu bài? Hoặc không có bài để giấu?
“Không thầy đố mày làm nên” mới đúng. Đừng để đến khi NHM phải nói, kiểu tiếu lâm “làm thầy mày không nên đố?”, cho dù nếu có một cuộc khảo sát bỏ túi, chắc chắn tỷ lệ ủng hộ Miura vẫn cao hơn.