Cả hai sự việc đều đáng khen. Nhưng khen thế nào cho đúng, khen thế nào để đối tượng được khen không bị ảo tưởng bởi lời khen cũng là chuyện nên bàn.
Đội futsal Việt Nam đúng là tạo ra một cơn địa chấn ở VCK châu Á. Ngay lập tức, đội bóng này nhận được vô số lời ca ngợi thậm chí có thể gọi là “tâng bốc” của báo giới lẫn NHM. Nếu chỉ đọc những lời khen đó, nhiều người dễ ảo tưởng về sức mạnh của bóng đá trong nhà Việt Nam.
Một số người tỉnh táo thì cho rằng, mặc dù thắng Nhật Bản thì chúng ta vẫn cần may mắn chứ không phải đẳng cấp Việt Nam đã ngang tầm Nhật Bản. Và mọi chuyện đã xoay chiều khi futsal Việt Nam thua đậm trước Iran và Thái Lan. Nói cách khác, đó là 2 gáo nước lạnh để futsal Việt Nam ý thức rõ mình đang đứng ở đâu, cần phải làm gì để không trở nên lạc lõng với sân chơi danh giá World Cup sắp tới.
Với trận đấu của B.Bình Dương cũng vậy. Trận hòa 1-1 ngày hôm qua không chứng minh được việc đội bóng đất Thủ đã lên tầm châu Á. Dù rất ghi nhận những nỗ lực của các cầu thủ nhưng cũng phải thừa nhận rằng, trận hòa ấy có yếu tố may mắn khi trọng tài công nhận bàn thắng từ chấm phạt đền của Anh Đức.
Khen, động viên nhau là tốt nhưng khen để ảo tưởng về tài năng thì việc khen tặng đôi khi lại mang hại. Nó giống như câu chuyện về lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… khi chơi tốt, gây tiếng vang trong màu áo U.19 VN, nhận được rất nhiều lời khen tặng đến mức chính ông thầy Graechen cũng phải thốt lên rằng các cầu thủ của ông có phong độ trồi sụt có nguyên nhân từ chính những lời khen tặng thái quá của báo chí và NHM.
Tôi tâm đắc với ý kiến của một nhà báo: “Danh tiếng, lợi ích hay đơn giản là nhu cầu được nhắc đến trên báo chí, truyền thông khiến không ít người rơi vào tình trạng ngộ nhận về bản thân hoặc có cái nhìn sai lệch về một số hiện tượng trong đời sống văn hóa, xã hội.
Khi đặt cái tôi lên trên hết, lại được dư luận cưng chiều, vuốt ve con người rất dễ ngộ nhận về mình, để khi thất bại thì coi đó là bị đối xử bất công, mà quên rằng danh tiếng chỉ có được khi mỗi người luôn khiêm tốn bền bỉ phấn đấu, tự chứng tỏ được tài năng đích thực. Đáng tiếc, thay vì khổ công rèn luyện, có người lại mải mê cố chạy theo cái danh phù phiếm. Trong bất cứ lĩnh vực hoạt động xã hội nào, mong muốn được xã hội ghi nhận và tôn vinh là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, ghi nhận, tôn vinh chỉ thật sự có ý nghĩa khi được đặt trong, được xem xét từ quan hệ giữa công sức đóng góp của mỗi người với hiệu quả của hoạt động trước xã hội, công chúng.
Chạy theo những gì phù phiếm, hoặc ảo tưởng sẽ rất dễ mang lại sự chê cười, thậm chí là đáng thương trước mắt cộng đồng”.
Đó cũng là lời cảnh báo với BĐVN!