Hôm qua, người ta còn tổ chức hẳn một cuộc họp báo để tìm cách “cứu” sân bay Tân Sơn Nhất để tìm ra giải pháp giúp sân bay này không bị…xuống hạng. Nói chung là chuyện cũng to rồi.
Vấn đề là ở chỗ “Sleepingairport” là…ông nào mà đánh giá ghê thế? Chưa biết cái trang “ngủ ở sân bay” này uy tín đến đâu, tác động tới cộng đồng du lịch đến đâu nhưng cứ xếp hạng là y như rằng xôn xao.
Người Việt mình có cái lạ là ở trong một cộng đồng, rình mò nói xấu nhau thì rất kịch liệt. Ấy thế nhưng khi người ngoài nói thêm một tiếng, là cảm thấy tự ái ghê lắm. Thế mới biết cái nếp sống làng xã vẫn còn sâu đậm.
Tất nhiên, câu chuyện sân bay thì dù có một người phản ánh, một người không hài lòng thì vẫn cứ phải sửa chữa, tiếp thu. Song cũng cần phải bình tĩnh trước các kiểu đánh giá, các kiểu xếp hạng.
Này nhé, hồi Hạ Long được một trang web hô hào bình chọn vào 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, thế là dân mình ào ào bình chọn, quan chức ngành cũng bình tới, bình lui xôm tụ. Cuối cùng thì cả cuộc bình chọn chỉ là kịch hài. Hay đôi khi có một số trang đưa ra những chỉ số kỳ dị, kiểu “Việt Nam thuộc những nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới”.
Có những lĩnh vực “đứt dây thần kinh tự ái”. Bóng đá bao nhiêu năm thua bóng đá Thái, bì bõm trong ao làng Đông Nam Á và nếu cứ đà này có thể thua sâu hơn với những đối thủ đang lên như Myanmar, Philippines. Thua xong thì thôi, chứ tìm cách để cải thiện thứ bậc cũng chỉ nói ra bằng miệng chứ chưa thấy có động thái quyết liệt để đổi thay.
Có lẽ việc “tụt hạng” trong bảng xếp hạng của bóng đá chẳng chết ai. Nếu tự ái đâu đó thì NHM đi mà tự ái, còn lãnh đạo, quan chức những người có tiếng nói quyết định thì không thấy phải tự ái chút nào, ngay cả khi người trong nhà lúc nào cũng ra rả nói để bóng đá nước nhà phát triển, cần phải quyết liệt thay ông nọ, ông kia.