Đó là bộ phim kể về 24 người thuộc 12 quận ở một thành phố trong bối cảnh sau nội chiến Bắc Mỹ. 24 con người ấy đấu trí với nhau, với những kẻ đứng sau trò chơi và chỉ có một người gan dạ và mưu trí nhất mới có thể sống và chiến thắng trong trò chơi được tường thuật cho cả nước xem ấy. Triết lý của phim đơn giản và có từ ngàn đời: Trong cuộc đấu tranh sinh tồn, ai mạnh thì kẻ đó sống.
Nhưng V.League có phải là một đấu trường sinh tử không? Không, chắc chắn thế. Không ai phải triệt hạ phần sống của nhau hết. Bóng đá, trên hết là một trò chơi và chẳng có gì gọi là phải sinh tử ở đây cả.
Câu hỏi là tại sao Quế Ngọc Hải – đội trưởng U.23 VN và là tuyển thủ QG lại có pha vào bóng khiến người ta “lạnh gáy” đến thế? Nó như là một thứ bản năng, một thứ phản xạ có điều kiện.
Bóng đá xứ Nghệ có mấy câu rất hay, đúng chất Nghệ: “Đá cho dân sướng, đá cho dân thương”. Thử hỏi mấy người xứ Nghệ khi xem những hành động ấy có thấy vui, thấy thương, thấy sướng?
Tuấn Phong, một cựu tuyển thủ đã phải dùng chữ “mất dạy” – cụm từ mà bầu Đức đã dùng để chỉ cầu thủ mà ông ghét nhất: “Bóng đá Việt Nam bây giờ đâu như trước đâu. Thế hệ mấy anh Hoàng Bửu, Đỗ Khải, Công Minh… hay thế hệ trước như thế hệ của Ngọc Thanh, Tuấn Phong,… cũng chơi đẹp, sòng phẳng nhưng không triệt hạ người khác. Còn thế hệ bây giờ chuyên môn chưa tới đâu hết, đá bóng mà chỉ khoe là đá được người này, đạp được người kia, không còn lo đá bóng nữa, có chuyên môn tí là lên mặt, ra vẻ dạy đời người khác, về đá phủi với anh em nghiệp dư thì tỏ vẻ, làm đủ thứ trò kungfu. Đá tốt như Công Phượng thì bị các cầu thủ thay nhau đánh. Dùng bóng đá để đánh lén. Hèn. Phải nói thật lòng là một bộ phận không nhỏ cầu thủ Việt Nam rất “mất dạy”.
Tôi có nghe một đồng nghiệp chia sẻ rằng chưa bao giờ gọi điện, trò chuyện với một cầu thủ phạm lỗi thô bạo mà thương nó đến thế. Chính xác, người ta sẽ ít đi cảm giác căm giận, thay vào đó là cảm giác thương cảm. Nó có thể là một chút tình cảm cá nhân nhưng trên hết nó cho thấy ngay cả những cầu thủ phạm lỗi cũng là một nạn nhân của cách làm bóng đá, không chỉ của xứ Nghệ mà là của cả nền bóng đá.
Huy Hoàng vào bóng với Samson. Ác không? Rất ác và phải trả giá bằng cả cái gầm giày vào mặt đi bệnh viện khẩn cấp. Đình Đồng đá gãy chân Anh Hùng. Ác không? Quá ác và cái giá phải trả là 20 triệu đồng tiền phạt và gần 1 năm treo giò.
Và bây giờ đến lượt Quế Ngọc Hải. Tất nhiên bóng đá là cuộc chơi của những người đàn ông. Nó phải mạnh mẽ, quyết liệt nhưng biến bóng đá thành một thứ đấu trường sinh tử thì quá nghiệt ngã.
Nếu chúng ta đang có một nền bóng đá mà cầu thủ vào sân là ngửi thấy mùi máu, chuyện gì sẽ xảy ra? Quế Ngọc Hải chắc chắn bị phạt nặng nhưng nếu ai phải nhìn lại toàn bộ V.League, lối chơi của Đội tuyển thời Miura thì mới thấy, hình như chúng ta đang mất quá nhiều cho đấu trường sinh tử mang tên V.League…
Song An