Nước hoa, nhất là loại đắt tiền, thường đi đôi với người sang trọng chứ chẳng mấy khi gắn với cảnh nghèo. Chẳng hạn, với người đang gần chết đói thì mùi nước hoa thơm ngát chính là mùi… bánh mì, còn mùi nước hoa xịn, dù có giá vài tỷ đồng, thì lúc ấy cũng là mùi… thối.
Nước hoa không uống được. Tất nhiên. Nước hoa cũng không thể giúp người ta bách niên giai lão.
Nó đắt tiền không phải là do “nước”, mà là do cái vỏ – tức là lọ đựng chạm khảm đá quý. Hơn nữa, đắt còn do thương hiệu. Đôi khi người ta bỏ tiền ra mua thương hiệu chứ không phải mua chất lượng của sản phẩm và tính thực dụng của nó.
Hôm qua, U.19 Việt Nam thi đấu trận quyết định với U.19 Myanmar ở vòng loại giải U.19 châu Á. Cách đây 1 năm, những trận đấu của U.19 Việt Nam thực sự trở thành thỏi nam châm khổng lồ thu hút người xem. Thậm chí, Đài Truyền hình Việt Nam còn vội vã tường thuật trực tiếp để thỏa mãn cơn nghiền của NHM.
U.19 năm ngoái, có Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường còn U.19 năm nay rất ít người biết mặt, biết tên. Chỉ cách nhau 1 năm nhưng những gì họ nhận được khác nhau một trời một vực.
Trong một giới hạn nào đó, Công Phượng chính là một lọ nước hoa đắt tiền đủ để quyến rũ, thu hút. “Lọ nước hoa đắt tiền” mang tên Công Phượng đột nhiên có giá trị là bởi được đặt trong bối cảnh hào nhoáng của lứa U.19 HA.GL, hào nhoáng của những lời tung hô, hào nhoáng của khẩu hiệu…
Nói rằng Công Phượng giá trị nhất ở cái vỏ và thương hiệu là có phần quá khắt khe. Trong chừng mực nào đó, Công Phượng cũng có cái giá của “hữu xạ tự nhiên hương”, nghĩa là hương thật chứ không phải hương giả.
Cái khó của Công Phượng, dù là nước hoa nhưng nỗ lực tỏa hương trong một V.League bốc mùi thì cũng không thể “thơm” ngay được.
Đó là chưa kể lúc này, điều NHM cần ở V.League như kẻ sắp chết đói (niềm tin) cần bánh mì (sự trung thực của mỗi trận đấu) chứ không phải là nước hoa, ngay cả khi nó được định giá tới 5 tỷ đồng.
Song An