Trong số những người bị “trượt” có “Táo giao thông” Chí Trung – PGĐ Nhà hát Tuổi trẻ, NSƯT Minh Hằng và nghệ sĩ hài Hoài Linh.
Hoài Linh là nghệ sĩ hải ngoại đầu tiên được đề nghị phong tặng nghệ sĩ ưu tú, còn Chí Trung trượt NSND nhiều lần, mặc dù theo anh thì “tôi đạt đến 99% các tiêu chí”.
Với nghệ thuật đôi khi 1% đã là… quá nhiều.
Như Hoài Linh chẳng hạn, những đóng góp của anh ở sân khấu hài rõ ràng là quá lớn. Hoài Linh nói rằng với anh, danh vị NSND không quan trọng vì người nghệ sĩ chỉ cần làm tốt vai trò của mình thì khắc sẽ trở thành nghệ sĩ của nhân dân.
Tranh cãi còn nổ ra khi người ta xem xét các tiêu chí để xét tặng danh hiệu. Rằng phải có thâm niên, phải có HCV, HCB ở các hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Hiển nhiên, khi xét danh hiệu, cần có tiêu chí nhưng với quá nhiều nghệ sĩ, nhất là những nghệ sĩ hài thì việc có huy chương là quá khó.
Nghĩa là họ không “ưu tú”, không là “của nhân dân”?
Nó cũng khá giống với câu chuyện trong bóng đá, một cầu thủ thành công, được nhiều người yêu quý không có nghĩa phải sở hữu những tấm HCV ở những giải đấu tầm cỡ châu lục hay khu vực. Cho dù những tấm huy chương luôn là mục tiêu để hướng tới song, đó không hẳn là con đường duy nhất để đi vào trái tim khán giả.
Đôi khi chính những hành động đẹp, thái độ trong thi đấu mới là điều tiên quyết. Đó là lý do rất nhiều cầu thủ có tài nhưng không thể và không làm cách nào khiến NHM yêu quý.
BĐVN vừa trải qua những cơn bão. U.23 VN dù đoạt HCĐ nhưng không thể gọi là đã thành công. Thậm chí phải gọi đó là thất bại của bóng đá Việt.
Thất bại rồi cũng sẽ qua. Hôm qua, Công Phượng và một số đồng đội đã khiến tất cả xúc động khi đến thăm “đàn chị” ở đội tuyển điền kinh Vũ Bích Hường – người cách đây 20 năm đoạt HCV và giờ đang gặp khó khăn.
Với những hành động tương tự như thế, dù chưa có những tấm huy chương quý giá thì những cầu thủ trẻ vẫn có thể là “cầu thủ ưu tú, cầu thủ nhân dân”.
SONG AN