Các ông bầu đấu đá nhau, còn CLB Việt Nam bị coi thường ở châu lục

thứ năm 26-4-2018 13:46:27 +07:00 0 bình luận
FLC Thanh Hóa và SLNA chính thức bị loại khỏi vòng bảng AFC Cup 2018. Mọi thứ đến như một chuyện thường tình hay xảy ra đối với các đại diện của Việt Nam ở đấu trường châu lục.

FLC Thanh Hóa và SLNA chính thức bị loại khỏi vòng bảng AFC Cup 2018. Mọi thứ đến như một chuyện thường tình hay xảy ra đối với các đại diện của Việt Nam ở đấu trường châu lục.

>>> Lãnh đạo SLNA lý giải nguyên nhân việc CLB bị loại ở AFC Cup

>>> HLV Lê Thụy Hải: Thua ở AFC Cup là lợi thế cho FLC Thanh Hóa khi trở về V.League

Bị coi là "gã học việc"

Sau khi FLC Thanh Hóa và SLNA lần lượt rời vòng bảng AFC Cup 2018, tờ Siam Sports của Thái Lan ngay lập tức đăng tải bài viết tổng hợp, trong đó đánh giá các CLB Việt Nam như một "gã học việc" tại đấu trường châu lục.

Những nhận xét đó đến sau khi nhà ĐKVĐ Thai League Buriram United vượt qua vòng bảng, tiến đến vòng 1/16 AFC Champions League 2018. Năm thứ hai liên tiếp, bóng đá Thái Lan có một đại diện lọt vào vòng knock-out của đấu trường CLB danh giá số 1 Đông Nam Á. Trước Buriram United, kỳ phùng địch thủ Muangthong United cũng đi xa đến vậy vào năm 2017.

Thành tích cảu CLB Thái Lan tại AFC Champions League từ năm 2003 (R: Á quân, R16: Vòng 1/16, G: Vòng bảng, QS: Vòng sơ loại).
Thành tích cảu CLB Thái Lan tại AFC Champions League từ năm 2003 (R: Á quân, R16: Vòng 1/16, G: Vòng bảng, QS: Vòng sơ loại).

Người Thái có quyền tự hào về thành tích ấy và cũng chẳng ngoa khi họ đánh giá về các CLB của Việt Nam như trên. Buriram United hai lần cầm hòa đại gia bóng đá Trung Quốc Guangzhou Evergrande, vượt qua cả Cerezo Osaka (Nhật Bản) và Jeju United (Hàn Quốc) để có mặt ở vòng 1/16.

Trong khi đó, mỗi lần đối đầu với những đội bóng từ 3 nền bóng đá trên, các CLB Việt Nam gần như tung cờ trắng. Mới nhất, FLC Thanh Hóa thua 1-5 trên sân Samsung Suwon Bluewings tại vòng sơ loại cuối cùng AFC Champions League 2018.

FLC Thanh Hóa được đầu tư mạnh trước mùa giải nhưng mục tiêu AFC Cup vẫn sớm thất bại từ vòng bảng. Hình ảnh: Hải Đăng.
FLC Thanh Hóa được đầu tư mạnh trước mùa giải nhưng mục tiêu AFC Cup vẫn sớm thất bại từ vòng bảng. Ảnh: Hải Đăng.

Kể từ thời điểm Cúp C1 châu Á đổi tên thành AFC Champions League năm 2003, Việt Nam có 5 CLB tham dự vòng bảng là B.Bình Dương, HAGL, Bình Định, Long An, SHB Đà Nẵng. 5 CLB tham dự 56 trận đấu, thua 45 lần, thắng vỏn vẹn 5 trận, ghi 40 bàn thắng, thủng lưới 164 lần. Không CLB nào từng vượt qua vòng bảng.

Cùng thời gian trên, Thái Lan có 7 CLB từng tham dự đấu trường này ở vòng bảng. Đỉnh cao là BEC Tero Sasana giành ngôi á quân năm 2003. Hai năm gần nhất, Buriram United và Muangthong United đem lại sự tự hào với việc vượt qua vòng bảng.

Thành tích các CLB Việt Nam từng tham dự vòng bảng AFC Champions League.
Thành tích các CLB Việt Nam từng tham dự vòng bảng AFC Champions League.

Vị thế thật sự của các CLB Việt Nam ở châu lục rất thấp

Giai đoạn 2004-2008, Việt Nam có 4 lần giành được 2 suất tham dự vòng bảng AFC Champions League ở khu vực Đông Á, ngang bằng với Thái Lan.

Kể từ đó về sau, con số đó chưa được lặp lại. Năm 2015 và 2016, Việt Nam có 1,5 suất tham dự vòng bảng. Trong khi đó, những năm còn lại, Việt Nam chỉ có tối đa 0,5 suất. Với việc phải đá vòng sơ loại, các CLB Việt Nam hoàn toàn bất lực trước các đại diện khác của Đông Á.

Khu vực Đông Á có tổng cộng 16 suất tham dự AFC Champions League. Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc có chắc chắn 10 suất, còn Hong Kong và Thái Lan mỗi nơi có 1 suất ở vòng bảng. Như vậy, đại diện duy nhất của Việt Nam phải cạnh tranh cho 1 trong 4 tấm vé còn lại. Nhiệm vụ ấy đã được kiểm chứng là bất khả thi với các CLB tại dải đất hình chữ S.

Suất tham dự AFC Champions League ở các quốc gia Đông Á tính từ năm 2002.
Suất tham dự AFC Champions League ở các quốc gia Đông Á tính từ năm 2002.

Những con số trên để khẳng định V.League đã không còn là giải đấu hấp dẫn nhất từ lâu trong con mắt của AFC. Việc liên tục tham dự và thất bại khiến các Việt Nam không còn cửa dễ để tham dự AFC Champions League.

Đối với đấu trường hạng hai AFC Cup, các CLB Việt Nam tưởng chừng có nhiều cơ hội hơn khi chỉ phải thi đấu với những đại diện của Đông Nam Á. Thế nhưng, đó chỉ là lý thuyết. Hà Nội FC, Than Quảng Ninh, FLC Thanh Hóa và SLNA là 4 CLB đại diện cho Việt Nam tham dự AFC Cup hai năm gần nhất. Tất cả đều bị loại từ vòng bảng.

Hà Nội FC, FLC Thanh Hóa có tiềm lực nhất cả về tài chính và nhân sự nhưng cũng chẳng làm khá hơn thì thật khó để đòi hỏi SLNA và Than Quảng Ninh làm hơn vậy. Thành tích lọt vào bán kết AFC của B.Bình Dương năm 2009 vẫn là đỉnh cao của bóng đá Việt Nam tại AFC Cup và AFC Champions League.

Xuân Mạnh và SLNA thi đấu cố gắng và tạo được dấu ấn ở AFC Cup 2018 nhưng lại tỏ ra hụt hơi trong thời khắc quyết định do lực lượng mỏng. Hình ảnh: Hải Đăng.
Xuân Mạnh và SLNA thi đấu cố gắng và tạo được dấu ấn ở AFC Cup 2018 nhưng lại tỏ ra hụt hơi trong thời khắc quyết định do lực lượng mỏng. Ảnh: Hải Đăng.

Thành tích của U23 Việt Nam hồi đầu năm đem lại sự tự hào to lớn đối với người dân Việt Nam. Một đội bóng đại diện cho một quốc gia dễ huy động được niềm tự hào của cả dân tộc. Còn các CLB tại Việt Nam vẫn đang loay hoay trong việc đi tìm sự tự hào ấy.

Trong bối cảnh, một vài ông bầu vẫn còn đủ thời gian lên mặt báo nói về cấu trúc thượng tầng thì ở cơ sở hạ tầng, chân đế như V.League, hạng Nhất vẫn chưa hoàn hảo. Ở châu Á, không thể sống mãi với niềm tự hào U23 Việt Nam, trong khi đó, các CLB thì liên tục bị loại và thậm chí là bị coi thường.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm