Ngày 14/11/2011, bà Aung San Suu Kyi dự khán một trận đấu ở giải U-19 Đông Nam Á và đó được ví như sự kiện đặc biệt với bóng đá Myanmar…
Đấy là lần đầu tiên Myanmar đăng cai giải U-19 khu vực Đông Nam Á, khi họ nằm cùng bảng đấu với Việt Nam, đã vào bán kết và xếp hạng 4 chung cuộc.
Bà San Suu Kyi đã dự khán trận đấu giữa U-19 Myanmar với Lào ở vòng bảng, theo lời mời từ Chủ tịch LĐBĐ Myanmar (MFF), Zaw Zaw. “Bà ấy thực sự mong đợi trận đấu, không chỉ vì lời mời, mà bởi bà ấy rất thích bóng đá”, một tờ báo lớn ở Yangoon khi ấy dẫn lại tuyên bố của bà San Suu Kyi với phóng viên trước đó không lâu.
Sự hiện diện của “dì Suu” - người dân Myanmar vẫn gọi bà với tên thân mật ấy - một biểu tượng bất khuất đấu tranh cho nền tự do dân chủ, ở bất kỳ sự kiện nào tại quốc gia trước đây vẫn được biết đến với cái tên Burma này, luôn tạo ra những hiệu ứng tích cực nhất định.
“Rất, rất nhiều người đến sân chỉ muốn được tận mắt thấy bà ấy bằng xương thịt, hoặc may mắn hơn có thể bắt tay. Nhưng bà San Suu Kyi xem trận đấu rất chăm chú và không ai có thể hoài nghi về tình cảm bà ấy dành cho bóng đá”, truyền thông Myanmar khi đó đưa tin.
Cuộc đời, sự nghiệp cống hiến cho màn đấu tranh tự do dân chủ của Myanmar của “Dì Suu” là một chương dài đầy xúc động, bi tráng, vinh quang đã, đang và sẽ còn tiếp diễn.
Sau cuộc bầu cử cách đây đúng 1 năm, Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà San Suu Kyi đã thắng lợi áp đảo. Đó là bước đệm đưa “Dì Suu” chính thức bước vào chính trường Myanmar.
Dù Hiến pháp không cho phép bà nhận trọng trách Tổng thống thì ai cũng hiểu, “Dì Suu” là nhân vật quyền lực bậc nhất ở quốc gia này. Và trên hành trình nỗ lực mở ra một chương mới dân chủ cho quốc gia nhiều năm chứng kiến sự thống trị của quân đội, “Dì Suu” vẫn dành một góc nhất định cho bóng đá Myanmar.
Tháng 5/2014, “Dì Suu” đã ủng hộ và tham dự lễ triển khai chương trình “Premier Skills” do BTC giải Ngoại hạng Anh, Hội đồng Anh và MFF tổ chức ở sân vận động Thuwanna, Myanmar.
Trong chương trình này, các HLV của “Premier Skills” đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai các hoạt động phát triển cộng đồng ở những vùng còn khó khăn. Họ cũng giúp những HLV ở Myanmar phát triển những những dự án bóng đá cộng đồng của từng người ở quốc gia này, điều mà bà San Suu Kyi rất khuyến khích.
“Rất nhiều người trẻ đang phải đối mặt những vấn đề nghiêm trọng. Premier Skills sẽ giúp đỡ cho những người dễ bị tổn thương nhất, cả những người ít có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục phổ thông, hay những người khuyết tật hoặc thất nghiệp. Họ sẽ được hỗ trợ phát triển những kỹ năng nhằm hòa nhập tốt hơn với cộng đồng cũng như giúp họ tự tin hơn vào bản thân. Đó là lợi ích to lớn mà bóng đá mang lại và tôi thực sự mong chờ điều đó”, bà San Suu Kyi phát biểu.
Và lần gần nhất “Dì Suu” dành sự quan tâm cho bóng đá, đó là khi bà thăm viếng Học viện đào tạo bồi dưỡng thể thao và thể chất quốc qua mới được khánh thành hồi cuối tháng 6 vừa qua tại thủ đô Naypitaw.
Tại đó, “Dì Suu” đã dành một phần lớn thời gian chuyện trò với ĐT bóng đá Myanmar cũng như để ngỏ khả năng sẽ dự khán một trong những trận đấu của ĐTQG tại AFF Cup năm nay, khi Myanmar đồng tổ chức giải với Philippines.
Bóng đá Myanmar - đặc biệt là từ bóng đá trẻ, cũng như nền dân chủ non trẻ ở quốc gia này - chỉ được thiết lập sau cuộc tổng tuyển cử cách đây 1 năm - giờ bắt đầu mang đến những mầm sống hy vọng tốt đẹp vào tương lai.
Nếu năm 2011 lứa U-19 Myanmar chỉ xếp thứ 4 ở giải đấu khu vực Đông Nam Á thì 3 năm sau đó, một lứa U-19 mới cũng đã vào đến bán kết, nhưng là giải đấu quy mô lớn hơn nhiều, VCK U-19 châu Á.
Tại giải đấu đó U-19 Myanmar cũng với tư cách chủ nhà đã xếp hạng 3 chung cuộc, trong khi đại diện khá nhất kế tiếp của ĐNA, U-19 Thái Lan dừng bước ở tứ kết còn U-19 Việt Nam bị loại ở vòng bảng.
Chiến tích đó đã giúp Myanmar lần đầu tiên có đội tuyển trẻ được tham dự World Cup U-20 được tổ chức tại New Zealand năm ngoái. Và giờ những cái tên trưởng thành qua hai giải đấu đó, như trung vệ Nanda Kyaw, các tiền vệ Myo Ko Tun, Yan Naing Oo, Maung Lwin hay bộ đôi tiền đạo Than Paing, Aung Thu đều góp mặt ở ĐTQG sắp tranh tài tại AFF Cup.
Đặc biệt, không thể quên kiến trúc sư trưởng cho những thành công gần đây của bóng đá trẻ Myanma, HLV người Đức Gerd Zeise, người giờ được trao trọng trách dẫn dắt ĐTQG.
Có một thống kê chỉ ra rằng, kể từ năm 1994 đến nay những ĐTQG ở châu Á giành quyền dự ngày hội World Cup đều có ĐT trẻ hoặc dự giải VĐTG dành cho lứa U-17 hoặc lứa U-20.
Giờ thì Myanmar đang đi trên lộ trình ấy, với nguồn cảm hứng từ một biểu tưởng cho khát khao đấu tranh vươn lên - Aung San Suu Kyi - và cả một bề dày truyền thống quá khứ của nền bóng đá từng lập kỷ lục 5 lần liên tiếp vô địch Đại hội thể thao ĐNÁ cũng như 2 lần vô địch Đại hội thể thao châu Á.
Kỳ phùng địch thủ
Tại giải U-22 ĐNÁ 2014 mang tên Hassanal Bolkiah Trophy tổ chức ở Brunei 2014, U-19 Myanmar cùng U-19 Việt Nam đã lọt vào chung kết và cống hiến một trận cầu hấp dẫn đến nghẹt thở.
Năm đó lứa Công Phượng, Văn Toàn, Đông Triều, Tuấn Anh, Xuân Trường đã gục ngã với tỷ số 3-4. Tuy nhiên, ở những cuộc đối đầu nảy lửa sau đó U-19 Việt Nam đã thanh toán sòng phẳng món nợ.
Cụ thể, ở giải U-19 ĐNÁ ngay trong năm 2014, U-19 Việt Nam đã hạ U-19 Myanmar 4-1 ở bán kết. Còn ở giải này năm ngoái U-19 Việt Nam giành chiến thắng 2-0 tại vòng bảng.
Giờ thì cuộc chạm trán hấp dẫn ở lứa U-19 năm nào có thể tái hiện khi rất nhiều cầu thủ trẻ ngày ấy đang khoác áo ĐTQG và Việt Nam sẽ chạm trán Myanmar ở trận ra quân tới đây.
Video: U.19 Myanmar so tài nảy lửa với U.19 Việt Nam ở trận CK U-22 ĐNÁ năm 2014