Tôi lại phải trở lại câu chuyện thương tâm xung quanh chiếc xe Camry gây tai nạn khiến 3 người tử vong ở Ái Mộ - Gia Lâm, Hà Nội. Bây giờ người ta đã bớt ghê rợn hơn, ít bàn tán về người lái xe thực sự là ai, nam hay nữ mà là một vấn đề mang tính xã hội: Sự vô cảm của những người xung quanh.
Nó bắt đầu từ một status đầy nước mắt của cô giáo cháu bé bị nạn. Cô nói rằng, khi đến nơi nhưng cháu bé vẫn còn sự sống song khi yêu cầu những chiếc xe đi ngang qua để nhanh chóng đưa nạn nhân đi bệnh viện thì không nhận được sự hỗ trợ. Phải đợi một lúc, đến khi xe cứu thương xuất hiện với lý do muôn thuở là tắc đường. Và cháu bé phải được chở đi bằng xe của công an cấp cứu nhưng đã muộn. Giá như những chiếc xe dừng lại để cháu bé được cấp cứu sớm hơn, biết đâu…
Có một facebooker viết một status và được chia sẻ nhiều, đại ý thế này: “Cháu bé trong vụ đâm xe kinh hoàng sáng nay tại Ái Mộ lẽ ra có thể được cứu chữa nếu được đưa đi viện kịp thời”.
Mới đây một bạn Hướng đạo sinh cũng chia sẻ về một tai nạn bạn ấy gặp trên đèo Hải Vân, cũng vẫy xe nhưng các xe đều bỏ chạy, cuối cùng phải chở bằng xe máy, và nạn nhân cũng chết trên đường chở đến bệnh viện.
Cách đây chục năm, khi đi trên đường gặp một vụ tai nạn, mình đã dừng lại để chở nạn nhân đến Bạch Mai. Một thanh niên bế cô gái bị nạn lên xe. Đến bệnh viện, mình cùng thanh niên kia đưa cô gái vào phòng cấp cứu. Lúc đẩy xe thấy cô gái cứ ú ớ không nói được. Khi vào phòng cấp cứu, cô gái vẫy tay để mình ghé tai lại. Cô ấy nói khó nhọc, rằng thanh niên kia đã lấy dây chuyền của cô. Quay ra đã không thấy thanh niên đâu, hóa ra sự nhiệt tình mà mình thấy từ đầu của thanh niên kia cũng có mục đích xấu.
Vậy tại sao trong những trường hợp kể trên, con người lại vô cảm với đồng loại đến vậy? Do mê tín chăng? Hay do thiếu lòng tin…”.
Không phải đâu xa, mới rồi ở Đà Nẵng có câu chuyện về một người chới với giữa dòng nước ở hồ Hàm Nghi thì mọi người trên bờ vẫn bàn tán, quay clip cho đến khi người dưới hồ chìm hẳn thì một số thanh niên mới nhao xuống vớt lên. Nhưng tất cả đã muộn
Liệu có thật sự chúng ta đang sống ở xã hội quá vô cảm? Câu hỏi này không dễ trả lời nhưng ở một góc độ nào đó, nhìn từ lăng kính bóng đá mới thấy việc Abass đoạt giải Fairplay 2015 cùng câu chuyện bị gãy chân nhưng không đổ lỗi cho đồng nghiệp mới đáng quý.
Hôm qua, phía sau chấn thương của Văn Pho, có người đặt câu hỏi: “Tại sao, ở mùa giải năm ngoái, khi Anh Khoa bị gãy chân thì SHB.Đà Nẵng làm ầm lên, tìm đủ cách để đòi tiền Quế Ngọc Hải còn mùa này khi chính cầu thủ của họ gây chấn thương cho đồng nghiệp, tại sao không có lấy một lời thăm hỏi, động viên? Liệu đây có phải là sự vô cảm trong bóng đá?”.
Âu rồi cũng sẽ thấy một sự thật thế này: Nếu chính những cầu thủ còn vô cảm với nhau thì NHM sẽ vô cảm với bóng đá mà thôi.