Bạn có thể không phải là một thanh niên sống ảo, nhưng bạn khó bỏ qua mạng xã hội. Facebook- mạng xã hội lớn nhất toàn cầu đang giải quyết được nhiều vấn đề và điều khiến người ta kinh ngạc là năng lượng đổi mới của gã khổng lồ này.
Hôm qua người dùng Facebook Việt Nam tiếp nhận thêm 5 biểu tượng mới, bên cạnh nút like lâu nay. Rõ ràng, đời sống tinh thần của mỗi người đâu chỉ có thích và không thích, người ta còn có thể yêu, buồn, giận dữ… Nghĩa là chỉ cần một cái click chuột, người ta thể hiện được một cách rõ rệt hơn tâm tư tình cảm của mình cũng như biết đối tượng là bạn bè trên mạng xã hội đang suy nghĩ và bày tỏ những gì.
Tôi chợt nghĩ, nếu để cho những người hâm mộ Việt được chọn biểu tượng cho bóng đá Việt thì họ sẽ chọn gì nhiều nhất: Nút Like? Nút Love? Nút Laugh(cười) hay Angry (giận dữ)?
Trước khi thử đoán định điều này, chúng ta xem xét ở một góc độ khác: dường như bóng đá Việt vẫn đang…ngủ đông. Hay chí ít là ngủ đông trên chính truyền thông. V.League đã qua vòng đấu thứ nhất, thử hỏi có gì thật đáng nhớ và khiến người ta nhắc đi nhắc lại suốt tuần? Và mai, lại là vòng đấu thứ hai. Cái cảm giác V.League đá xong một tuần rồi trùm chăn để rồi cuối tuần lôi nhau ra sân đá tiếp rất thử thách người vốn dành cho bóng đá nội nút “like” từ trước đến nay.
Một anh bạn tôi sống ở Pháp, khi về Việt Nam nói rằng: “Bóng đá Việt sau hơn chục năm tiếng là lên chuyên nghiệp nhưng dấu ấn bao cấp vẫn còn quá nặng nề. Bao cấp từ đồng vốn cho đến cái tư duy bao cấp có gì dùng nấy, đến hẹn lại lên rất ít sự chủ động trong việc gắn mình với cộng đồng hay chí ít có những sự kiện để những ngày trong tuần người hâm mộ vẫn nhắc đến và vẫn chờ đợi những ngày cuối tuần”.
Người hâm mộ bóng đá Việt chưa bao giờ được đặt trong vai trò của một người mua hàng đúng nghĩa. Bởi lẽ bóng đá không nằm trong tư duy là một món hàng. Đó là điều kiện bắt buộc để có thứ gọi là kinh doanh trong thể thao.
Trên thực tế các CLB Việt Nam vẫn loanh quanh đi tìm lời giải từ câu chuyện làm sao kiếm được tiền từ bán vé và những sản phẩm phụ để gỡ gạc doanh thu. Nút thắt của vấn đề có thể là ở câu hỏi: “Tại sao tôi phải mất thời gian đến sân xem bóng đá?”. Hãy trả lời câu hỏi này bằng những chiến lược và một kế hoạch cụ thể.
Với bóng đá chuyên nghiệp, like, love là không đủ, mà còn phải biết cách khiến khán giả…chi tiền. Hỡi các nhà quản lý bóng đá, điều cần hành động ngay bây giờ có lẽ là câu chuyện làm thế nào để thực hiện được “kinh tế bóng đá” thay vì hội họp nước ngoài quá nhiều hay cãi nhau về chuyện quả bóng đủ chuẩn hay không.
Quay lại câu hỏi về những biểu tượng, có người sẽ nói rằng với bóng đá Việt, ngoài nút giận dữ là rất cần, nên thêm biểu tượng…ném đá. Ném cho tỉnh ra.