H. là tên cô gái, tốt nghiệp Đại học TDTT khoa cờ vua - môn thể thao lẽ ra phải có trí tuệ mẫn tiệp hơn người, bình tĩnh xử lý những nước cờ khó trên bàn cờ và cả cuộc đời. Cờ thì có lẽ H. là một trong những người giỏi, rất giỏi nhưng nước cờ cuộc đời, đối với cô như chiếu tướng, cờ tàn. Cô chọn cách “hết cờ” không giống ai.
Vấn đề là ở chỗ bằng giỏi chưa chắc đã xin được việc tốt, lại là bằng giỏi môn cờ vua lại càng khó xin việc. Đó là vấn đề cốt lõi. Cờ là môn thể thao đại chúng nhưng không nhất thiết phải học, phải chơi bởi nó liên quan tới sự yêu thích của từng cá nhân.
Có dư luận, hơi ác ý khi nói rằng cô tự tử vì ngại làm việc vất vả, lương thấp. Rất, rất ít người tự tử vì lương thấp hay công việc quá vất vả. Chỉ có thể là lý do trầm cảm khi tình yêu mình đeo đuổi cả đời, mất nhiều thời gian cho một công việc để rồi khi đối mặt với cuộc đời, nó gần như là số 0.
Gần đây, ngày 8/3, nhiều người nhắc đến một cái tên: Nguyễn Thị Nụ. Nụ là một VĐV điền kinh giỏi của Hà Nội, từng có huy chương SEA Games, tức là góp phần làm “rạng danh đất nước”. Cách đây vài năm, có thông tin Nụ phải đi cắt cỏ, báo chí tìm hiểu, chụp ảnh giật tít: “Nhà vô địch điền kinh phải đi nhổ cỏ”. Thật ra chuyện nhổ cỏ rất… bình thường với mỗi nhân viên. Khi là nhân viên thì vinh quang đã ở rất xa sau lưng. Gần đây, Nụ xuất hiện, cô gần như không còn gắn bó với thể thao, đời sống khó khăn, nhìn nụ cười có phần héo hon của Nụ là biết cô sướng hay khổ.
Đôi khi có những người tưởng minh mẫn, mạnh mẽ trong thể thao chưa chắc đã đủ dũng khí ở đời thường.
Tôi lại càng mến phục Lê Thị Huệ - đô vật bị chấn thương phải ngồi xe lăn hơn 10 năm nay. Hôm rồi có thông tin, trong thời gian V.League tạm nghỉ để nhường chỗ cho ĐTVN tập trung, thi đấu VL World Cup 2018, BLĐ, BHL và các cầu thủ FLC Thanh Hóa đã có một việc làm ý nghĩa, khi đến thăm và tặng quà cho Lê Thị Huệ. Những suất quà tuy giá trị vật chất không lớn nhưng là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện sự quan tâm cũng như tinh thần tương thân tương ái của toàn đội bóng Thanh Hóa với những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống.
Để có được sức mạnh, phải có người bên cạnh. Những 3 câu chuyện trên cho thấy dường như chúng ta đang đòi hỏi ở ngành thể thao, đòi hỏi ở mỗi VĐV quá nhiều khi mà chế độ đãi ngộ thật sự xứng đáng là quá xa vời.
Đừng để mỗi VĐV khi tốt nghiệp, hoặc rời đỉnh vinh quang lại phải cắn lưỡi trước nỗi đau cuộc đời mình.