Chuyện cứ như hài kịch và cuối cùng chỉ tố cáo lên thực tế ở cấp thường tầng của VFF, khi người xây thì ít mà phá thì nhiều…
“Chúng tôi không mất đoàn kết như mọi người nghĩ mà chỉ là đoàn kết chưa cao. Trong công việc cần phải có những phản biện, khổ nỗi người lãnh đạo khi nghe phản biện lại không sướng bằng nghe những lời dạ vâng. Nó giống như diễn viên tuồng vậy, chẳng để làm gì cả…”.
“VFF giờ không chỉ yếu về chuyên môn mà còn khó khăn cả về tài chính”, PCT VFF Nguyễn Xuân Gụ đã không ngần ngại vạch ra những điểm yếu và hạn chế đang tồn tại ở bộ sậu lãnh đạo VFF. Và với những phát biểu như vậy, cộng với những “phản đòn” của 2 nhân vật quyền lực nhất VFF trên truyền thông, không “loạn” mới là chuyện lạ.
Kỳ vọng rồi thất vọng
Lần đầu tiên BĐVN được chèo lái bằng vị Chủ tịch “ngoại đạo”, một doanh nhân thành đạt chứ không phải những ông quan là quan chức nhà nước biệt phái như 6 nhiệm kỳ trước. Và ông Lê Hùng Dũng lên nắm quyền với bao nhiêu kỳ vọng, trong đó người ta đặc biệt quan tâm đến việc “bóng đá chuyên nghiệp phải có tiền và tiền phải đẻ ra tiền” như chính quan điểm, cách làm của vị PCT phụ trách tài chính quyền lực này ở nhiệm kỳ trước. Ông nói và vẽ ra rất nhiều viễn cảnh đẹp, nào là 1 năm kiếm 383 tỷ đồng, BĐVN sẽ xây nhà từ móng, đầu tư cho bóng đá nữ… Thế nhưng khi nhiệm kỳ VII mới bắt đầu qua giai đoạn chạy “rốt đa” thì thực tế đã chứng minh “nói vậy chứ không phải vậy”.
Do sức khoẻ yếu, ông Dũng đã phải ký quyết định bổ nhiệm PCT Trần Quốc Tuấn đảm nhiệm chức vụ Thường trực, đứng ra quán xuyến công việc thay mình. Nhưng theo như tố cáo của người trong nhà VFF và mới nhất là phát biểu của PCT Nguyễn Xuân Gụ, ông Dũng đã làm sai khi ký quyết định không có trong Điều lệ.
Từ cái sai và cách làm của ông Chủ tịch đã kéo theo rất nhiều sự đổ vỡ, trong đó lớn nhất là mối bất hoà trong Thường trực VFF. Theo quy trình, những công to việc lớn ở BĐVN sẽ được 5 người trong Thường trực VFF bàn thảo và quyết định nhưng lâu nay,việc minh bạch hay dân chủ là điều xa xỉ. Bởi bản thân 2 ông PCT là Nguyễn Xuân Gụ và Đoàn Nguyên Đức gần như được xem là “người ngoại đạo”, khi VFF đang hoạt động theo “văn hoá công ty TNHH 2 người”.
Đấu tố trên mặt báo
Có người đặt câu hỏi thế này. “Thường trực VFF có 5 người, tại sao họ không ngồi lại với nhau để luận bàn, đóng góp xây dựng theo kiểu “đóng cửa bảo nhau”? Hiểu theo ý mà PCT Nguyễn Xuân Gụ từng đề cập, “chúng tôi không mất đoàn kết như mọi người nghĩ mà chỉ đoàn kết chưa cao”, có lẽ đã là câu trả lời.
Đó là sự bất cập ở chính thượng tầng VFF, khi những người đừng đầu thay vì ngồi lại với nhau, họ lại chọn cách “vạch áo cho người xem lưng”. Hôm trước PCT Nguyễn Xuân Gụ cho “nổ bom” tại Hội nghị triển khai công tác năm 2016 do Tổng cục TDTT tổ chức, ngay lập tức mấy ngày sau Chủ tịch Lê Hùng Dũng, vốn im hơi lặng tiếng một thời gian trước những vấn đề quan trọng của nền bóng đá, rồi PCT Thường trực Trần Quốc Tuấn đồng loạt xuất hiện trên truyền thông để “gỡ bom” và phản pháo những cáo buộc. Sau khi 2 lãnh đạo cao nhất VFF lên tiếng, đến lượt Uỷ viên thường trực VFF Trần Anh Tú, người rất hiếm xuất hiện trong những sự kiện lớn hoặc những lùm xùm ở VFF cũng “vào cuộc”, với những lý giải và cho rằng ông Gụ phát biểu không đúng, có tính chất cá nhân chứ không xây dựng.
Nội bộ lãnh đạo VFF ra mặt đấu nhau như thế, thế nên khi nói về cách làm việc và điều hành ở VFF, nguyên PCT VFF Lê Thế Thọ đã thẳng thắn nhìn nhận. “Nói thật lòng, tôi thấy cung cách hoạt động của VFF lúc này không khác gì cái chợ trời với toàn con buôn. Ông nào cũng chỉ mưu cầu lợi ích cho riêng mình, chứ không ai nghĩ đến đại cuộc”.
Và chưa xây đã phá
Rất nhiều sự kỳ vọng tươi mới khi nhiệm kỳ VII bắt đầu nhưng cho đến thời điểm này, dường như BĐVN vẫn đang dậm chân tại chỗ, thậm chí có dấu hiệu tụt lùi.
Khởi đầu là câu chuyện 2 HLV trưởng ĐT nam và nữ người Nhật Bản, trước khi ký kết hợp đồng, đại diện VFF tuyên bố chắc nịch “đây chính là 2 vị kiến trúc sư cho BĐVN”. Nghĩa là HLV Toshiya Miura và Takashi ngoài việc nắm 2 ĐTQG sẽ có nhiệm vụ xây dựng và định hướng cho sự phát triển của BĐVN. Thế nhưng ông Takashi chưa hết 1 năm hợp đồng đã bị thanh lý bằng miệng trong khi HLV Miura cũng “không chịu nổi nhiệt” và nhiều khả năng sẽ ra đi, sau khá nhiều thất vọng.
Một ông PCT phụ trách tài chính nhưng chưa kiếm được đồng nào về cho VFF nhưng lại rất thích nói về chuyên môn và nói rất phũ với những tuyên bố nhằm đả phá HLV trưởng ĐTQG theo kiểu “nhổ toẹt” vào vấn đề để công khai phản đối. Ông Chủ tịch thì không để lại dấu ấn và mất kiểm soát, trao quyền lực vào tay cấp dưới trong khi 2 PCT còn lại ở vào thế đối đầu. Không nhìn cùng một hướng, nắm tay đoàn kết để làm mà chỉ nhăm nhăm “phá” nhau, với thực tế như vậy, việc ông Miura ra đi hay ông Takashi thất bại hay vô số vấn đề tồn tại của BĐVN như bây giờ suy cho cùng cũng là điều dễ hiểu. Và nhìn rộng ra, để mong sự thay đổi thì có quá ít hy vọng, khi “nhà dột từ nóc”.
Nghĩ cũng “đau đầu” khi nhìn vào “mâm” lãnh đạo của cả nền bóng đá.