1. Đối với người phương Tây, Noel và năm mới là dịp để cả gia đình đoàn tụ, quây quần và cùng tận hưởng những giây phút hạnh phúc, thoải mái nhất. Thế nhưng, đúng dịp này năm 2011, HLV Falko Goetz về Đức nghỉ dưỡng trong tâm trạng nặng trĩu khi án sa thải treo lủng lẳng trên đầu sau khi thất bại ở SEA Games 26.
Sau kỳ nghỉ, ông trở lại Việt Nam để nhận trát sa thải với tâm trạng không thể tồi tệ hơn như ông chia sẻ: “Thật buồn khi sau dịp nghỉ phép và trong ngày đầu năm mới chúng ta lại phải gặp nhau trong hoàn cảnh này”. Theo như mô tả của vị HLV này thì hoàn cảnh đó là một buổi họp báo do VFF tổ chức với cụm từ “thông báo quyết định kết thúc hợp đồng trước thời hạn” mà bản chất của nó là một quyết định sa thải.“Tôi cảm thấy lẽ ra VFF không nên đẩy tất cả trách nhiệm sau thất bại ở SEA Games cho một mình tôi”, ông cay đắng.
Cách ứng xử này của VFF được xem là thảm họa ngoại giao trong bóng đá. Sau vụ việc này, VFF chịu sức ép lớn từ dư luận cũng như mất điểm trước “bạn bè năm châu” và đành “cầu cứu” các thầy nội. Lần lượt HLV Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc… liều mình cứu chúa. Không khác gì người tiền nhiệm, hai thầy nội này cũng nhận kết cục không thể cay đắng hơn.
Sau vụ việc HLV Falko Goetz bị trảm, VFF cầu cạnh tới rất nhiều thầy nội, duy chỉ HLV Phan Thanh Hùng dũng cảm đảm nhận chiếc ghế nóng dẫn dắt ĐTVN tham dự AFF Suzuki Cup 2012. Sau thất bại trên đất Thái, HLV Phan Thanh Hùng đã phải xin từ chức. Đau đớn thay, các thành viên của VFF đều nhận trách nhiệm nhưng chỉ ông Hùng lên tiếng xin từ chức.
Một năm sau, chỉ sau một trận hòa ở giải tập huấn trước thềm SEA Games 2013, HLV Hoàng Văn Phúc nhận “án” bị tạm đình chỉ nhiệm vụ vì không tôn trọng khán giả, chủ động “nằm sân” để tránh gặp chủ nhà B.Bình Dương ở trận bán kết. Quyết định được đưa ra mà vị HLV này không có cơ hội để giải trình. Nó xát vào vết thương mà đến nay mỗi khi nhắc lại, ông Phúc đều nhau mày và tặc lưỡi “chuyện qua rồi”. Thế nhưng, đằng sau đó là vết thương lòng khó quên.
2. Nhắc lại những câu chuyện tuy cũ nhưng không hề cũ đó để thấy sức ép từ chiếc ghế HLV trưởng ở ĐTVN và U.23 mà các HLV phải gánh lấy. Nó không chỉ đến từ dư luận mà chính từ “người nhà” với cách hành xử không đúng mực của… người lớn. Giá trị cơ bản nhất dù đó là mối quan hệ giữa “ông chủ” – “người làm thuê” là sự tôn trọng đã không được dành đến.
Thế nên, trước khi HLV Miura dẫn dắt U.23 VN tham dự VCK U.23 châu Á, một vị PCT VFF lên tiếng đòi sa thải không khiến dư luận bất ngờ nếu điểm lại những vụ việc đã xảy ra trước đó. Cách hành xử với HLV sau thất bại dường như là căn bệnh mãn tính của VFF đã “lây lan” từ đời HLV này qua đời HLV khác, từ năm này qua năm khác.
3. Thất bại và cuộc chia tay của HLV Miura với BĐVN là điều đã được dự báo trước. Tuyệt nhiên, NHM đang chờ cách ứng xử với “ca khó” này như thế nào từ VFF. Thật may, khi đề cập đến tương lai của HLV Miura, PCT VFF Trần Quốc Tuấn cho biết, hiện tại HLV Miura vẫn đang làm nhiệm vụ tại VCK U.23 châu Á nên VFF sẽ chưa tính đến bất kỳ khả năng nào liên quan đến tương lai của nhà cầm quân người Nhật.
Có thể, bài học trước đó từ Falko Goetz, Phan Thanh Hùng hay Hoàng Văn Phúc đã được rút tỉa. Hoặc có thể, vì mối quan hệ giữa VFF và LĐBĐ Nhật Bản mà VFF không muốn mất lòng “người bạn lớn”.
Thế nhưng, chuyện một vị lãnh đạo VFF lên tiếng bảo vệ tương lai của HLV Miura trong bối cảnh ông vẫn đang còn hợp đồng và đang cầm quân đánh trận là cách hành xử văn minh, đúng đắn và đáng được ghi nhận. Bởi dù thành hay bại thì trong cách cư xử, giá trị cơ bản nhất là sự tôn trọng, cần được đặt lên hàng đầu.