LTS: Khai tử, giải thể, xóa sổ… BĐVN với cách làm chuyên nghiệp không giống ai ở “thời đại kim tiền” rơi xuống dưới đáy của khủng hoảng và hệ quả là hàng loạt những cái tên như HP.HN, N.Sài Gòn, Sài Gòn.XT, K.Khánh Hoà, Bình Định, XSKT.Lâm Đồng, An Giang, Kiên Giang… biến mất. Thế nhưng, bóng đá không chết, dù người ta giết bóng đá bởi cách làm và khiến nó biến dạng. Từ hôm nay, Thể Thao 24h sẽ có loạt bài nói về hành trình “sự sống nảy sinh từ cái chết…”, với những câu chuyện như là bài học và cái giá của sự phát triển.
Chơi kiểu duy trì, tồn tại suốt 17 năm ở giải hạng Nhất, thế nhưng khi giấc mơ V.League thành hiện thực, bóng đá An Giang lại rơi vào bi kịch. Quyết định giải tán bóng đá được đưa ra như là điều không thể khác để rồi họ quyết định trở lại với cuộc chơi, bằng cách thay đổi suy nghĩ, quan điểm, cách làm để có thể đi trên chính đôi chân của mình.
Giấc mơ đổi đời và…
17 năm liên tiếp bóng đá An Giang chỉ thích được tồn tại ở giải hạng Nhất, bởi chỉ có sống tại nơi đây thì những công thần và những cầu thủ lớn tuổi mới còn đất sống. Và thật sự, lãnh đạo nơi đây cũng không “máu mê” bóng đá nên họ cũng không muốn đội bóng lên chơi chuyên nghiệp vì sẽ có nhiều vấn đề kéo theo. Đó là lý do họ luôn có mặt ở nhóm đầu giải hạng Nhất, có cơ hội phất cờ nhưng đều không thành công ở giai đoạn quyết định. Thậm chí, trận play-off mùa 2007, việc An Giang thất bại trước Hoà Phát Hà Nội được nhìn nhận ở khía cạnh ngoài chuyên môn, khi họ khiến cho đội bóng Thủ đô khốn đốn trong suốt 90 phút thi đấu chính thức.
Sau 17 năm chờ đợi, cuối cùng đến V.League 2014, bóng đá An Giang đã lần đầu tiên được thỏa mãn giấc mơ được góp mặt tại giải đấu cao nhất của BĐVN. Tưởng như bước sang trang mới và đổi đời, thế nhưng khi giấc mơ thành hiện thực cũng là lúc bi kịch xuất hiện…
Bước chân lên sân chơi chuyên nghiệp, bài toán đầu tiên buộc bóng đá An Giang phải giải quyết đó là kinh phí hoạt động. Phương án làm bóng đá chuyên nghiệp được vẽ ra, công ty Hùng Vương kết hôn cùng bóng đá An Giang để chung tay lo cho bóng đá. Tưởng chừng sự kết hợp này sẽ giúp bóng đá An Giang có đủ tiềm lực và khả năng, bởi những cam kết tài chính rất hấp dẫn từ nhà tài trợ. Thế nhưng ngay lập tức, những bất cập nảy sinh trong quá trình hợp tác mà cụ thể là quyền lợi giữa nhà tài trợ và tỉnh An Giang đã biến HV.An Giang trở thành nạn nhân của mối tình “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” này.
Gắn tên cùng đội bóng, mỗi năm Hùng Vương sẽ tài trợ cho đội bóng số tiền 30 tỷ đồng. Nhà tài trợ sẽ trích cho đội bóng 1.000 đồng/1kg cá bán được và được giải ngân theo nhiều đợt khác nhau trong năm. Ở hướng ngược lại, tỉnh An Giang sẽ hỗ trợ nhà tài trợ mua được một mảnh đất với diện tích 30.000 hecta để doanh nghiệp này làm nơi chăn nuôi và sản xuất cá nguyên liệu. Thế nhưng, với một địa phương sông nước miền Tây như An Giang, việc tìm được một mảnh đất với diện tích như thế là điều không hề dễ dàng. Không thể đáp ứng được yêu cầu đưa ra, phương án trả quyền lợi nhà tài trợ là chia ra mảnh đất ra làm 3 nơi khác nhau với mỗi mảnh 10.000 hecta, thế nhưng đơn vị đỡ đầu cho bóng đá An Giang từ chối. Và mâu thuẫn giữa 2 bên cũng bắt đầu nảy sinh từ đây, do quyền lợi và sự bất đồng.
Nhà tài trợ không rót tiền hoặc nếu có giải ngân thì phải rất lâu, có khi đến 3 tháng mới chi tiền một lần. Thế nên suốt mùa giải 2014, HV.An Giang luôn phải sống trong cảnh nợ nần, thiếu thốn. Cầu thủ liên tục bị CLB nợ tiền lương thưởng, lót tay và nhiều vấn đề phát sinh. Hậu quả, HV.An Giang ghi tên mình vào lịch sử của V.League với chuỗi 12 trận đấu liên tiếp không biết đến mùi chiến thắng ở giai đoạn 1 V.League 2014.
Trận play-off chưa đá đã biết kết quả
Quá nhiều vấn đề phát sinh, lãnh đội đội bóng liên tục phải đối diện với những khó khăn về tài chính vì bị nhà tài trợ làm khó. Trong khi đó, đội bóng càng chơi thì lại càng dở, bởi cầu thủ bước ra sân không thể nào nhấc nổi những đôi chân nặng trĩu khi trong đầu luôn là suy nghĩ về tiền và tiền. Và cuối cùng điều gì phải đến cũng đã đến, HV.An Giang đã kết thúc V.League 2014 ở vị trí cuối cùng trên BXH, có được 12 điểm sau 22 lượt trận với thành tích 3 thắng, 3 hòa, 16 trận thua và phải dự trận play-off với XSKT.Cần Thơ.
Để thua XSKT.Cần Thơ trong trận play-off là điều đã được báo trước và việc HV.An Giang phải nhận tấm vé xuống hạng Nhất 2015 là điều nhiều người biết trước. Bởi theo như thừa nhận của GĐĐH CLB HV.An Giang, ông Võ Hoàng Phong, ngay sau khi trận play-off kết thúc thì “thật sự, nếu như hôm nay HV.An Giang có giành chiến thắng trước XSKT.Cần Thơ đi chăng nữa thì chúng tôi cũng sẽ không tham dự V.League 2015. Và thậm chí, An Giang cũng sẽ bỏ luôn giải hạng Nhất năm sau. Bởi vì, lãnh đạo tỉnh không còn niềm tin vào bóng đá và An Giang không muốn phải sống phụ thuộc, khi suốt ngày phải đi năn nỉ cầu thủ từ địa phương khác cống hiến cho đội bóng…”.
Giấc mơ V.League 17 năm mới được thỏa mãn nhưng không có nhiều niềm vui khi họ có mặt ở V.League. Mọi thứ tan vỡ quá nhanh và cái giá phải trả là quá đắt, khi An Giang quyết định không tham dự hạng Nhất 2015, giải tán luôn đội bóng để bắt đầu công cuộc làm lại từ đầu.
Và “trong rủi có may”
“An Giang không bao giờ từ bỏ bóng đá. Chắc chắn chúng tôi sẽ trở lại khi cảm thấy mình có đủ điều kiện. Bóng đá An Giang muốn đứng lên làm lại từ đầu, bằng chính đôi chân của mình. Và chúng tôi sẽ bắt đầu hành trình trở lại bóng đá chuyên nghiệp từ lứa U.21 này, chậm nhất năm 2017 An Giang sẽ trở lại hạng Nhất…”, nguyên PCT HĐND tỉnh An Giang, Nguyễn Quốc Khánh cho biết.
Mặc dù xoá sổ đội bóng chuyên nghiệp nhưng bóng đá An Giang vẫn duy trì đầy đủ các lớp năng khiếu, bởi họ tin rằng một ngày sớm nhất An Giang sẽ quay trở lại và sống được, sống khoẻ bằng nội lực. Và bóng đá An Giang đặt niềm tin đó vào Trung tâm đào tạo bóng đá, với những cầu thủ do chính mình đào tạo.
Được thành lập từ năm 2010, mỗi năm Trung tâm đào tạo bóng đá An Giang được UBND tỉnh hỗ trợ 8 tỷ đồng để hoạt động, cho các lứa trẻ U.13, U.15, U.17 và U.19 với gần 90 cầu thủ và 12 HLV. Âm thầm tập luyện, chuẩn bị và đợi ngày trở lại, An Giang đã có những bước đi chậm nhưng chắc chắn và tấm HCB U.21 QG năm 2015 là minh chứng. Trước đó, lứa cầu thủ U.21 này cũng lên ngôi tại giải Đại hội TDTT ĐBSCL lần thứ VI - môn bóng đá.
Bao năm tồn tại, lên V.League và vướng vào bi kịch, An Giang xoá bàn cờ đi chơi lại và trả cái giá quá đắt. Thế nhưng, họ chấp nhận và quyết tâm làm lại từ đầu với những cầu thủ trẻ của mình, xác định phải làm tất cả cho mục tiêu đưa bóng đá An Giang trở lại sân chơi chuyên nghiệp.
Với họ, trong “cái rủi có cái may” và may là bóng đá An Giang không chết, sau một quyết định “khai tử”.
Từ ngày 22 đến ngày 27/11, đội bóng An Giang sẽ tham dự giải hạng Ba diễn ra tại SVĐ Thành Long (TP.HCM) với các đối thủ là PVF, Cần Thơ, TP.HCM và mục tiêu của An Giang là tấm vé dự giải hạng Nhì 2016.